Ngày tìm kiếm thứ hai chiếc máy bay mang số hiệu QZ8501 của hãng AirAsia kết thúc mà không mang lại đột phá nào. Tại cuộc họp báo chiều 29-12, Phó Tổng thống Indonesia Jusuf Kalla tuyên bố chưa biết địa điểm máy bay.
Mở rộng tìm kiếm lên bộ
Đây là kết luận dành cho thông tin máy bay P-3C Orion của Úc phát hiện vật thể khả nghi tại vùng biển ngoài khơi Pangkalan Bun gần tỉnh Trung Kalimantan - Indonesia chiều cùng ngày. Sau khi xác nhận vật thể này không liên quan đến QZ8501, không quân Indonesia cho biết đang xác định “vệt dầu loang” tại vùng biển giữa 2 đảo Bangka và Belitung. Phó Tổng thống Kalla tiếp tục khẳng định QZ8501 không hề phát tín hiệu cầu cứu và việc liên lạc với máy bay diễn ra bình thường cho đến khi nó mất tích.
Theo ông Bambang Soelistyo, chỉ huy Cơ quan Tìm kiếm Cứu nạn Indonesia (Basarnas), cuộc tìm kiếm ngày 30-12 sẽ mở rộng lên bộ, cụ thể là phần phía Tây của tỉnh Kalimantan. Trước đó, Basarnas dự đoán: “Dựa vào tọa độ, chúng tôi cho rằng chiếc Airbus A320-200 có thể đã chìm dưới đại dương”.
Trong khi thời tiết trong ngày 30 và 31/12 được dự báo là thuận lợi, phía Indonesia cho biết đã tiếp nhận 2 máy thu địa chấn của Singapore để phục vụ tìm kiếm. Hai máy này được thả xuống nước, có thể tiếp nhận tín hiệu từ hộp đen hoặc thiết bị định vị vị trí dưới nước của máy bay (ULB) và cho phép vạch ra một vùng tam giác bao quanh nơi ULB có thể rơi dưới đáy biển. Bên cạnh Indonesia, lực lượng từ Singapore, Malaysia và Hàn Quốc sẽ tiếp tục tìm kiếm trên biển Java.
Cùng ngày 29-12, Giám đốc điều hành AirAsia Tony Fernandes thông báo chưa lên phương án bồi thường do cuộc tìm kiếm vẫn đang diễn ra. Reuters ước tính chi phí tối thiểu mà Công ty Bảo hiểm Allianz (Đức) phải trả cho AirAsia trong vụ QZ8501 có thể lên đến 100 triệu USD.
Vùng biển chết chóc
QZ8501 được cho là đang bay qua biển Java thì mất tích. Đây là vùng hội tụ nhiệt đới, nổi tiếng hay có thời tiết thất thường và bão sấm sét. Người phát ngôn Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia (BKMG) Heru Djatmiko cho biết mây vũ tích ở Indonesia khá mạnh. Tại một số nước, mây vũ tích xuất hiện ở độ cao 9-12 km song tại Indonesia, nó có thể ở độ cao đến 15,24 km.
Ngoài ra, theo báo The Straits Times (Singapore), Java từng được coi là vùng biển chết chóc, nơi chôn xác nhiều tàu bè và máy bay. Ngày 1-1-2007, chiếc Boeing 737-400 chở theo 102 người của hãng Adam Air (đã ngưng hoạt động) mất liên lạc với không lưu khi đang bay trên biển Java. 10 ngày sau, các mảnh vỡ máy bay mới được tìm thấy.
BKMG xác nhận thời điểm máy bay AirAsia mất tích có nhiều mây vũ tích trong khu vực. Theo Giám đốc Cục Hàng không Indonesia Djoko Murjatmodjo, kiểm soát không lưu đã chấp thuận cho phi công bay sang trái để tránh mây nhưng không cho tăng độ cao từ 9,7 km lên 11,6 km vì có máy bay khác bay ở độ cao đó.
Cựu tổng tư lệnh không quân Indonesia Chappy Hakim cho biết nếu xuyên qua mây vũ tích, máy bay có thể hư phần thân. “Giải pháp tốt nhất là ra khỏi đường bay đó. Phi công đã quyết định đúng nhưng chúng tôi không biết chuyện gì xảy ra sau khi họ xin nâng độ cao” - ông Hakim nói.
Cựu điều tra viên Hanna Simatupang ở Ủy ban An toàn giao thông Indonesia (KNKT) nhận định mây vũ tích rất nguy hiểm nhưng các phi công dày dạn kinh nghiệm có thể xử lý tốt, nhất là khi cơ trưởng Iriyanto có 20.537 giờ bay. Chuyên gia Hanna đặt giả thiết sự cố nào đó khiến máy phát của bộ định vị khẩn cấp (ELT) trên máy bay không gửi bất kỳ tín hiệu khẩn cấp nào.
Trong khi đó, chuyên gia hàng không Geoffrey Thomas cho rằng có thể QZ8501 đã bay quá chậm. “Trong lúc tăng độ cao để cố tránh cơn bão, có thể phi công đã để máy bay bay quá chậm, dẫn tới chết máy trên không, tương tự chuyến bay AF447 của Air France rơi năm 2009” - ông lý giải. Sau khi phân tích dữ liệu, chuyên gia hàng không Gerry Soejatman nhận định tương tự: QZ8501 không đạt được tốc độ cần thiết để bay ở độ cao tại thời điểm trước khi mất tích (khoảng 10.973 m).
Cô Louise Sidharta trả lời phóng viên trong khi chờ đợi tin tức tại sân bay quốc tế Changi ở Singpaore