Quy định lương tối thiểu chưa đúng luật
Thứ năm, 24/05/2012 11:24

Tại phiên thảo luận dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi) sáng 23/5 tại Quốc hội, đại biểu Đặng Ngọc Tùng đã gây sự chú ý của các đại biểu khi cho rằng lương tối thiểu vừa thấp vừa chưa đúng luật.

Lương tối thiểu thấp ai cũng rõ, nhưng ý kiến cho rằng lương tối thiểu vừa thấp vừa chưa đúng luật của đại biểu Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai) - chủ tịch Liên đoàn Lao động Việt Nam - đã gây sự chú ý của các đại biểu trong phiên thảo luận dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi) sáng 23/5 tại Quốc hội.

Đại biểu Bạch Thị Hương Thủy phát biểu tại phiên thảo luận dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi) - (Ảnh: Việt Dũng)

Đại biểu Đặng Ngọc Tùng nêu khoản 1 điều 92 của dự thảo Bộ luật lao động quy định lương tối thiểu phải đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của cuộc sống, nhưng thực tế chỉ mới đáp ứng chừng 60%. Như vậy Chính phủ (nơi đề ra mức lương này) vô tình đã vi phạm điều 92 trong dự thảo Bộ luật lao động. “Do vậy tôi mong muốn Chính phủ phải lắng nghe nhiều hơn, đưa ra mức lương tối thiểu sát thực tế hơn. Như vậy vừa bớt được nỗi vất vả của người lao động và bớt nhiều cuộc đình công, tranh chấp lao động cứ xảy ra xoay quanh mức lương tối thiểu thấp này” - ông Tùng nói.

Đưa trượt giá, thưởng vào luật

Đại biểu Đặng Ngọc Tùng tại phiên thảo luận dự thảo Bộ luật lao động (sửa đổi) - (Ảnh: Việt Dũng)

Đề nghị bảo hiểm tiền gửi cho vàng và ngoại tệ

Đây là kiến nghị của nhiều đại biểu đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật bảo hiểm tiền gửi được Quốc hội thảo luận chiều 23/5. Đại biểu Touneh Drong Minh Thắm (Lâm Đồng) cho rằng vàng và ngoại tệ trong dân khá nhiều, nếu không bảo hiểm cho loại tài sản này thì người dân sẽ không có động lực để gửi tiền. Đồng ý với ý kiến này, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) cho rằng ngân hàng đã nhận vàng và ngoại tệ gửi tiết kiệm của người dân thì nên có luật để bảo hiểm cho vàng và ngoại tệ. Và cách tốt nhất là ngân hàng phải quy đổi vàng và ngoại tệ ra VND tại thời điểm gửi tiền để bảo hiểm.

Về quy chế hoạt động của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng nên để Thủ tướng thành lập và quy định cơ cấu hoạt động. Ngân hàng Nhà nước điều hành trên quy định đó, không nên quy định như một phương án trong điều 29 là Thủ tướng thành lập, nhưng Ngân hàng Nhà nước quy định cơ cấu hoạt động.

Một vấn đề khác liên quan đến thu nhập của người lao động nhưng chưa được đưa vào dự thảo mà ông Tùng kiến nghị là việc tính trượt giá trong thang, bảng lương phải được đưa vào luật. Bởi nếu không luật hóa việc bù lạm phát thì thực tế lương thực nhận của người lao động luôn không đúng với quy định do tình hình lạm phát, trượt giá. Về mức thưởng cuối năm, ông Đặng Ngọc Tùng cho rằng nên đưa hẳn quy định vào điều 105 - quy định về tiền thưởng. Bởi nếu không quy định bằng luật, doanh nghiệp sẽ viện cớ lỗ để trốn thưởng. Đặc biệt là các doanh nghiệp FDI (có vốn đầu tư nước ngoài) dùng hình thức chuyển giá để báo lỗ, cắt thưởng thì rất tội nghiệp cho người lao động. “Ít nhất luật phải quy định mỗi năm người lao động phải được thưởng một tháng lương” - ông Tùng kiến nghị.

Liên quan đến vấn đề làm thêm của người lao động, đa số đại biểu tán thành phương án không quá 200 giờ/năm, với những nghề nghiệp đặc biệt thì có thể lên đến 300 giờ/năm.

Lao động nữ nghỉ thai sản 6 tháng

Vấn đề tăng mức nghỉ thai sản cho lao động nữ lên sáu tháng đã được tất cả ý kiến đồng tình. Các đại biểu đồng ý nên để sản phụ được quyết định thời gian nghỉ trước hay sau khi sinh. Sau khi sinh bốn tháng, nếu có nhu cầu đi làm vẫn được tiếp nhận và nhận cả lương lao động lẫn tiền trợ cấp thai sản.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa (Bắc Ninh) - chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, quy định chỉ như vậy thì chưa thật sự công bằng, phải có cả chế độ thai sản cho phụ nữ ở nông thôn, vùng sâu vùng xa... không có bảo hiểm xã hội. Bởi lẽ luật tăng quyền lợi về nghỉ thai sản còn nhằm bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của trẻ em. Nếu quy định như hiện nay thì trẻ sơ sinh - con của những lao động nữ không có bảo hiểm xã hội - sẽ không được hưởng chế độ chăm sóc nào cả. Đồng ý quan điểm này, đại biểu Nguyễn Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng nên luật hóa quy định về thai sản cho lao động nữ không có bảo hiểm xã hội. “Ít nhất thì cũng được hỗ trợ một tháng lương cơ bản để chăm sóc tốt hơn thai phụ và em bé” - đại biểu Nguyễn Văn Vẻ đề nghị.

Về độ tuổi nghỉ hưu, đa số ý kiến đồng ý với quy định nam 60 tuổi và nữ 55 tuổi. Tuy nhiên, đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) băn khoăn: “Nếu như vậy thì bậc lương khi về hưu của nữ sẽ luôn thấp hơn nam. Đề nghị giảm thời gian nâng bậc lương của nữ còn hai năm rưỡi/bậc thay vì ba năm/bậc giống nam giới hiện tại, hoặc cộng thêm năm năm bảo hiểm xã hội cho lao động nữ khi về hưu”.

Tuy nhiên, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cực lực phản đối việc cho nữ nghỉ hưu sớm hơn nam giới. Bà An cho rằng phụ nữ trong độ tuổi 55-60 là một nguồn nhân lực dồi dào và chất lượng, đặc biệt với những lao động nữ làm việc trong các ngành có hàm lượng chất xám cao.

Tuổi Trẻ
Tag: Mức lương tối thiểu , Quy định về mức lương cơ bản , Chế độ thai sản , Kỳ họp thứ 3 , Đại biểu quốc hội