“Quái nhân" thích ăn… máy bay

Một chiếc máy bay, 8 chiếc xe đạp, 7 chiếc tivi, 2 chiếc giường... và hàng nghìn đồ kim loại khác là những thứ mà Michel Lotito đã ăn từ 1966-2007.

Một chiếc máy bay, 8 chiếc xe đạp, 7 chiếc tivi, 7 chiếc xe đẩy hàng trong siêu thị, 2 chiếc giường, hàng nghìn lưỡi dao cạo râu, thủy tinh, nhựa, kim loại… đó là những thứ mà Michel Lotito đã ăn ngon lành từ năm 1966 đến 2007. Thành tích đáng nể của ông được ghi danh vào Kỷ lục Guiness vì đã ăn hết một chiếc máy bay Cessna 150.

Khoái khẩu gặm máy bay, tivi, xe đạp...

Michel Lotito được biết đến với danh hiệu Monsieur Mangetout (tạm dịch là: Ngài ăn tuốt!) bởi khả năng có thể nhét vào dạ dày bất kỳ đồ vật gì, ngay cả những thứ chẳng một chút liên quan đến thực phẩm. Ông sinh sống tại Grenoble, Pháp là người chuyên biểu diễn các trò mua vui tại các hộp đêm trong và ngoài nước. Nhìn bề ngoài, Lotito trông giống như bao người đàn ông khác, không phải là người ngoài hành tinh, chỉ trừ việc ông có thể ăn những thứ có thể gây chết người như kim loại nặng hay thủy tinh. Bữa ăn xa xỉ nhất của “Ngài ăn tuốt” là một… chiếc máy bay, tuy nhiên tivi, xe đạp mới thực sự là những món khoái khẩu đạm bạc, diễn ra thường xuyên hơn, thậm chí có thể xác định là khẩu phần hàng ngày không thể thiếu của ông.

Những màn trình diễn của Michel Lotito bao gồm ăn kim loại, kính, cốc thủy tinh, cao su… và nuốt các bộ phận được tháo ra và cắt nhỏ của xe đạp, vô tuyến... Hiện tại, ông Michel Lotito cũng là người đang nắm giữ kỷ lục về bữa ăn lớn nhất thế giới, và rất có thể là mọi thời đại. Thực đơn trong món ăn của ông không phải là những thực phẩm thông thường dành cho con người ăn hàng ngày mà đó là một chiếc máy bay Cessna 150! Dĩ nhiên, một thực đơn khổng lồ đó khiến ông đã phải mất 2 năm mới dùng hết một cách ngon lành. Ông Michel Lotito tự hào chia sẻ: “Thứ lớn nhất mà tôi từng đánh chén là chiếc máy bay Cessna 150 - cũng chính nhờ sự kiện này mà tôi được ghi danh vào Kỷ lục Guiness. Đến giờ tính ra tôi ăn được 18 chiếc xe đạp, còn vô tuyến, xe đẩy hàng trong siêu thị thì không biết bao nhiêu mà kể”.

Khoái khẩu ăn kim loại, thủy tinh của ông bắt đầu từ năm lên 9. Theo lời kể lại của ông, thì hôm đó là vào buổi chiều muộn sau khi vừa tập đi xe đạp vòng quanh sân nhà. Ông xuống xe, dựng xe và ngồi bệt xuống nền sân ở vị trí đối diện với chiếc xe. Như một phản xạ tự nhiên, do chiếc xe ở vị trí đối diện nên ông cứ thẳng mắt nhìn ngắm mắt. Rồi tự nhiên ông cảm thấy thèm ăn. Không phải ông thèm ăn đồ ăn gì mà thèm ăn… chiếc xe đạp này. Ban đầu, ông hoảng hốt, cho rằng, đầu óc mình không bình thường, mê muội. Đứng phắt dậy, Michel Lotito chạy vài vòng sân để tỉnh táo lại đầu óc. Nhưng vẫn thèm… Michel Lotito lại chạy vào nhà lấy đồ ăn trong tủ nhưng lại không muốn ăn chúng. Lúc này, cơn thèm được ăn chiếc xe đạp kia trong Michel Lotito mỗi lúc thêm cồn cào. Không thể nhịn được nữa, ông chạy lên nhà tìm chiếc kìm, vài cái tuốc-nơ-vít. Và rồi, Michel Lotito nén dựng chiếc xe ở góc sân, dùng kìm vặn từng đốt nan hoa. Ăn hết những chiếc nan hoa, Michel Lotito quay sang ăn các ốc vít. Sau cùng chiếc xe nhỏ tập đi đó chỉ còn trơ lại những mảnh vụn cao su, nhựa. Bữa ăn đánh chén hoàng tráng đầu tiên khiến Michel Lotito no bụng, nên bỏ bữa ăn tối với cả gia đình như thường ngày. Từ đó, Michel Lotito bắt đầu lại thích ăn tất cả những vật gì là kim loại hay đồ thủy tinh. Michel Lotito giấu không cho ai biết điều “quái dị” này xảy ra đối với mình. Michel Lotito vẫn khỏe mạnh, không bệnh tật, quá trình phát triển diễn ra bình thường như bao trẻ khác. Mọi người trong gia đình Michel Lotito không hề một chút nghi ngờ, thậm chí trong tưởng tượng họ cũng không nghĩ ra được điều kỳ quái này ở ông. 

Theo tổng kết, từ năm 1966 đến năm 2007, Michel Lotito đã ăn ngon lành hết: một chiếc máy bay, 8 chiếc xe đạp, 7 chiếc tivi, 7 chiếc xe đẩy hàng trong siêu thị, 2 chiếc giường, hàng nghìn lưỡi dao cạo râu. Người ta ước tính rằng trong khoảng thời gian từ 1959 - 1997, Lotito đã ăn khoảng 9 tấn kim loại. Michel Lotito cho biết, mỗi lần thưởng thức những “món” khác người như thế, ông chỉ cần hơi tập trung một chút cùng với ít dầu và nước uống. Cho vào miệng, nhai, nuốt, tiêu hóa và “thải” ra ngoài theo đúng chu trình ăn uống thông thường. Chỉ cần não phát tín hiệu đòi ăn là dạ dày mở cửa nghiền nát tất cả những gì trôi vào bụng.

“Ngài ăn tuốt” vẫn khỏe mạnh bình thường

Theo những lý chứng về y học đáng tin cậy nếu cơ thể của Michel Lotito đã chịu được các thứ trên đây thì đúng là một chuyện may mắn và là một “kỳ công”. Bởi lẽ, thủy tinh, nhựa, kim loại… bị biến thành từng mảnh vụn và được đưa vào dạ dày của ông. Một khi đi qua thực quản, các thứ thực phẩm đầy sắc bén này trộn lẫn vào nhau và bất cứ khi nào cũng có thể đâm thủng dạ dày hoặc dồn cục trong ruột. Đó là chưa nói đến nguy cơ bị ngộ độc do các thứ kim loại và các chất độc chứa trong các đồ vật. Bác sĩ Bernard Morzol - người đã liên tục theo dõi trường hợp Michel Lotito trong suốt những năm qua chỉ ra rằng, đối với một người có cấu tạo cơ thể bình thường thì không thể ngốn và chứa một khối lượng lớn kim loại trong suốt gần 40 chục năm như thế. Bởi lẽ, kim loại nặng là loại có độc tính cao. Khi nhiễm vào cơ thể, kim loại nặng tích tụ trong các mô. Cơ thể cũng có cơ chế đào thải, nhưng tốc độ tích tụ lớn hơn gấp nhiều lần. 

Ví dụ để đào thải một nửa lượng thủy ngân tích tụ trong mô mất chừng 80 ngày, với cadimi mất 10 năm. Kim loại nặng có thể tích tụ vào nội tạng như gan, thận, thần kinh, xương khớp gây nhiều căn bệnh nguy hiểm như ung thư, thiếu máu, ngộ độc kim loại nặng... Có thể nói kim loại nặng hủy hoại đời sống của con người nói chung. Con người có nhiều cách phản ứng khác nhau đối với sự có mặt của các kim loại nặng trong môi trường. Hầu hết con người rất nhạy cảm với sự có mặt của các chất độc hại này, thậm chí ở nồng độ rất thấp. Tuy nhiên, vẫn có một số người không chỉ có khả năng sống được trong môi trường bị ô nhiễm bởi các kim loại độc hại mà còn có khả năng hấp thụ và tích tụ các kim loại này trong các bộ phận khác nhau của cơ thể. Nghĩa là đối với họ thứ chất độc này lại là “món ăn” hợp khẩu vị, nhưng điều này vô cùng hiếm xảy ra. Trường hợp của Michel Lotito  tính tới thời điểm này là độc nhất vô nhị trên thế giới.

Bác sĩ Bernard Morzol cũng cho biết thêm: từ khi họ quen biết, ông chưa một lần thấy Mangetout bị xuất huyết, ngay cả khi các bức chụp X-quang cho thấy trong dạ dày ngài phàm ăn này vẫn còn nhiều mẩu dây xích và mấy miếng kính vỡ chưa tiêu hóa hết. Ngoài sở thích ăn kim loại ra, Michel Lotito cũng bình thường như bao người khác. Ông cũng hay bị bệnh vặt vãnh, nhưng những triệu chứng đó hoàn toàn không liên quan gì đến thói quen ăn uống kia.

Do có niêm mạc dạ dày?

Theo lời giả định của giới chuyên khoa thì sở dĩ Michel Lotito có thể ăn và tiêu hóa tất cả mọi thứ từ thuỷ tinh, kim loại thậm chí cả những hóa chất độc hại bởi Michel có niêm mạc dạ dày dày gấp hai lần người bình thường và đây chính là tác nhân cho phép ông làm nên điều kỳ diệu. Họ cũng cho rằng axit tiêu hóa của ông có lẽ cũng khác với người bình thường nên ông có thể tiêu hóa cả những chất độc hại mà không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Theo phán đoán, có lẽ đặc điểm khác người này đã hình thành ngay từ khi Ngài ăn tuốt còn nằm trong bụng mẹ. Các chuyên gia cũng từng phác họa pháp đồ về “đường đi của thức ăn” đặc biệt của Michel Lotito khá sinh động. Hệ tiêu hóa được tạo bởi ống tiêu hóa (là một chuỗi các cơ quan rỗng nối dài với nhau, thành một ống uốn lượn từ miệng cho đến hậu môn) và các cơ quan khác, giúp cơ thể cắt nhỏ và hấp thu thức ăn. 

Khi Michel Lotito ăn, đầu tiên, “thức ăn” nghiền tương đối nhuyễn hoặc sơ sơ bởi răng, rồi trộn men amylase từ các tuyến tiêu hóa tại miệng, giúp tiêu hóa các chất kim loại nặng, thủy tinh. Sau đó, “thức ăn” vào đến dạ dày, được các men tiêu hóa và axít dạ dày tiếp tục thực hiện quá trình tiêu hóa. Tại đây, vì Michel có niêm mạc dạ dày dày gấp hai lần người bình thường nên thức ăn được nghiền nhuyễn bởi sự co bóp của dạ dày.

Khi ra khỏi dạ dày, thức ăn vận chuyển xuống ruột non. Các cơ quan tham gia trong quá trình tiêu hóa tại ruột non bao gồm tuyến tụy và gan. Các men tiêu hóa các chất đặc biệt trên được sản xuất bởi tuyến tuỵ và tiết vào bên trong ruột non. Còn gan sản xuất dịch mật, dự trữ trong túi mật ở gan, rồi đưa vào ruột non để trộn “thức ăn”. Axít mật giúp hòa tan các chất, sau đó “thức ăn” được tiêu hóa bởi các men của tuyến tuỵ.

Một “đường đi” không khác mấy so với “đường đi” của các thực phẩm thông thường. Tuy nhiên, họ cũng chắc chắn khẳng định rằng, thời gian tiêu hóa “thức ăn” của Michel Lotito bao giờ cũng lâu hơn bình thường. 
Như vậy, ngay cả khi ăn những vật liệu được cho là độc hại thì sức khỏe của Michel Lotito cũng chẳng bị ảnh hưởng gì. Mỗi ngày, ông  tiêu thụ khoảng 1 kg vật liệu, trước và trong lúc biểu diễn, ông uống một chút dầu thô và một lượng nước khá nhiều. Ngoài việc Michel Lotito sở hữu một bộ ruột và chiếc dạ dày dầy gấp đôi người bình thường và các axít tiêu hóa trong người Michel Lotito phi thường đến nỗi có thể tiêu hóa được những “bữa ăn kim loại” thì cho tới thời điểm này vẫn chưa có thêm bất kỳ một lời giải thích nào xác đáng.