Nhận 40% - 62% bệnh nhân từ các tỉnh
* TPHCM là một trong những địa phương có số lượng bác sĩ khá nhiều nhưng cũng chỉ đạt tỷ lệ 12,2 bác sĩ/10.000 dân. Thấp hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới (33 bác sĩ/10.000 dân). Điều này tạo nên một sức ép lớn đối với cả thầy thuốc và gây ra nhiều nguy cơ cho người bệnh. Theo quy định, một bác sĩ chỉ có thể khám tối đa từ 30-40 bệnh nhân/ngày, nhưng thực tế, hiện nay, mỗi bác sĩ phải khám cho 90-100 bệnh nhân. Trong khi đó, trình độ chuyên môn của nhiều bác sĩ tuyến dưới còn yếu, dẫn đến việc người bệnh từ tuyến dưới vượt lên tuyến trên.
4 giờ sáng, trời còn se lạnh, tại khu vực đường Tân Thành, Hồng Bàng hàng loạt xe du lịch, xe vận tải hành khách 16, 24 chỗ của các doanh nghiệp tư nhân từ các tỉnh miền Tây như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và các tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai, Đắc Lắc… liên tục ghé tới để trả khách.
Hầu hết những người này đều về TPHCM để khám chữa bệnh tại các BV Đại học Y Dược, Chợ Rẫy, phụ sản Từ Dũ, Hùng Vương, Mắt TPHCM, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2.
Mệt mỏi sau chuyến hành trình suốt đêm từ Cà Mau về TPHCM, chị Phạm Thị Tú cho biết, chị có thai 7 tháng nhưng mấy hôm nay tình trạng sức khỏe không ổn. Đi khám, bác sĩ ở Cà Mau cho biết chị có dấu hiệu có khối u ở tử cung. Để chắc ăn chị cùng người thân đã đón xe về TPHCM kiểm tra lại.
Ngoài những trường hợp đón xe đi lẻ tẻ như chị Tú, chúng tôi cũng gặp không ít đoàn người ở chung trong xóm, xã cùng rủ nhau thuê xe và không ít người vượt tuyến về TPHCM khám chữa bệnh. Anh Nguyễn Mạnh Hà ở Đắc Lắc cho biết, con anh bị viêm Amidan được bác sĩ BV tỉnh chỉ định mổ nhưng vì muốn chắc ăn nên đưa cháu lên BV Nhi đồng 1 để phẫu thuật...
Đó là những trường hợp chuyển bệnh điển hình khiến mỗi năm lượng bệnh nhân tới khám và điều trị tại BV Nhi đồng 1 tăng khoảng 5-10%/năm. Còn các BV Chấn thương chỉnh hình, BV Chợ Rẫy, BV Ung bướu TPHCM mỗi năm ước tính số bệnh nhân tới khám và điều trị tăng lên 10%. Trong khi đó, thực tế cho thấy cơ sở vật chất, số giường bệnh, phòng bệnh của các BV này trong những năm qua vẫn không thay đổi.
Bệnh viện tuyến trên luôn trong tình trạng quá tải. Ảnh: MAI HẢI
Theo bác sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, đáng chú ý là tỷ lệ bệnh nhân ở tỉnh về TPHCM khám và điều trị tại các BV chuyên khoa và tuyến trên như phụ sản Từ Dũ, Hùng Vương, BV Mắt TPHCM, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 chiếm từ 40% đến 62%. 2 - 3 bệnh nhân phải nằm 1 giường, hành lang, cầu thang cũng chật cứng.
Tuyến dưới đìu hiu
Trong khi BV tuyến trên đang trong tình trạng quá tải trầm trọng thì nhiều BV tuyến quận, huyện của TPHCM vẫn còn dư giường bệnh. Trái với cảnh tượng ở BV Nhi đồng 1, 2, BV Chấn thương chỉnh hình, Bình Dân, là khu vực khoa nhi và khoa ngoại tổng hợp BV huyện Nhà Bè với 5 phòng, hơn 20 giường bệnh đều trống trơn, không có bóng dáng một bệnh nhân nào.
Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Thơ, Giám đốc BV huyện Nhà Bè bác sĩ BV thiếu nghiêm trọng, dù BV đã có sẵn khoa phòng nhưng chỉ có 1 bác sĩ gánh vác công việc khám ngoại trú vừa điều trị nội trú. Chủ yếu vẫn là điều trị những bệnh thông thường, còn những ca nặng thì phải chuyển viện. Ngay cả khoa Ngoại tổng hợp cũng chủ yếu là thực hiện phẫu thuật nhỏ như mắt, chấn thương do tai nạn, mà phần lớn đều do bác sĩ tuyến trên về thực hiện.
Thực ra, thời gian qua BV Nhà Bè đã tổ chức đào tạo được các bác sĩ về Gây mê hồi sức, Nhi, Ngoại khoa, tuy nhiên sau khi được cử đi học xong những bác sĩ này liền kiếm cớ xin nghỉ việc chuyển đi nơi khác chấp nhận đền bù hợp đồng, kinh phí học tập. Khiến cho mọi kế hoạch của BV bị phá sản.
Bệnh viện huyện Cần Giờ cũng lao đao vì thiếu nhân lực, thiết bị. Cả BV chỉ có 16 bác sĩ. Không có bác sĩ chuyên khoa sâu. Nhiều loại thuốc đặc trị cũng không có. Do đó, hầu hết các công việc như mổ sanh đơn giản, u nang buồng trứng, mổ trĩ chấn thương, thoát vị bẹn, hồi sức cấp cứu… hiện đều do bác sĩ tuyến trên về thực hiện và cầm tay chỉ việc. Do đó, sau khi đoàn cán bộ y tế tuyến trên rút về thì BV cũng thưa thớt bệnh hẳn. Phần vì không có bác sĩ đủ chuyên môn để thực hiện công việc, phần vì người bệnh chưa tin tưởng ở bác sĩ của BV nên tìm cách đi thẳng lên tuyến trên. Theo khảo sát của Sở Y tế TPHCM, hiện công suất giường bệnh tại nhiều BV tuyến quận huyện ở TPHCM chỉ mới đạt 60%.
BV tuyến quận huyện ở TPHCM còn vậy thì tình trạng các BV tuyến quận huyện ở nhiều địa phương còn thua kém hơn cả về chuyên môn nghiệp vụ lẫn trang thiết bị. Hầu hết các BV quận huyện đều chưa có chuyên khoa sâu, chưa thể áp dụng những kỹ thuật, thủ thuật tiên tiến. Trang thiết bị thiếu thốn, thuốc đặc trị không có… khiến cho không ít bệnh nhân bị thiệt thòi, thậm chí là bị tử vong như ở Cà Mau, Phú Yên, Ninh Thuận...
Trong khi các bệnh viện tuyến trên quá tải, các bệnh viện quận, huyện lại hoạt động không hết công suất. Ảnh: Tấn Hiền
Chờ giảm tải?
Theo báo cáo của Sở Y tế TPHCM, hiện nay, ngành y tế TPHCM đã hoàn chỉnh quy hoạch và phát triển ngành y tế đến năm 2020, mục tiêu là đảm bảo chất lượng cho các bệnh viện (BV) được xây mới hoặc nâng cấp, sửa chữa đạt tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu khám và điều trị cho người dân TPHCM và các tỉnh phía Nam.
TPHCM đang thực hiện triển khai 7 dự án trọng điểm ở 4 cửa ngõ TPHCM nhằm giảm áp lực cho các BV khu vực nội thành với tổng quy mô tăng thêm 5.500 giường bệnh với tổng kinh phí là 13.000 tỷ đồng được huy động bằng nhiều nguồn vốn khác nhau như ngân sách, xã hội hóa, trái phiếu… Bên cạnh đó, từ nay đến năm 2015, theo dự kiến các BV khu vực trung tâm TPHCM cũng sẽ được mở rộng thêm 200.000 m2 sử dụng, phù hợp với quy mô của từng BV.
Từ năm 2011, các BV đã thống nhất với việc triển khai mô hình phòng khám vệ tinh, đưa một số chuyên khoa từ BV tuyến trên về tuyến dưới nhằm tận dụng tối đa công năng số giường bệnh dư thừa ở BV quận huyện. Đồng thời, đưa thương hiệu của các BV tuyến trên về tuyến dưới nhằm gây dựng niềm tin ở người dân. Năm 2012, bằng cách này, TPHCM sẽ có thêm 200 giường bệnh chuyên khoa về chấn thương chỉnh hình và ung bướu tại BV quận huyện như Tân Bình, Bình Tân, quận 2, quận 9…
Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương của Bộ Y tế, TPHCM đã có 24/31 BV trực thuộc tham gia thực hiện Đề án 1816 để hỗ trợ 64 BV thuộc 28 tỉnh thành trong khu vực. Chương trình đã huy động được hơn 2.700 y bác sĩ luân phiên về hỗ trợ tuyến dưới. Có tới 26 lĩnh vực chuyên môn và 1.859 kỹ thuật được chuyển giao trong thời gian qua, trong đó 90% được nghiệm thu đánh giá tốt.
Hiện TPHCM đã có chủ trương mở rộng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Năm 2010 Đại học Quốc gia TPHCM cũng đã thành lập khoa y. Như vậy cùng với Đại học Y Dược TPHCM thì 2 đơn vị trên sẽ góp phần không nhỏ vào việc cung cấp nguồn nhân lực cho ngành y trong thời gian tới. Bên cạnh đó, nhằm nâng cao chuyên môn cho bác sĩ, năm 2010 trung tâm đào tạo bác sĩ sau đại học BV Chợ Rẫy đã ra đời. Sau 2 năm triển khai, trung tâm này đang đào tạo cho gần 200 bác sĩ tại các BV ở TPHCM và khu vực phía Nam.
Để vận động bác sĩ về tuyến dưới công tác, TPHCM cũng đã có những chế độ chính sách cho bác sĩ tham gia hỗ trợ cho BV tuyến dưới. Đáng chú y là nhằm đảm bảo sự lâu dài cho nguồn nhân lực tuyến dưới, Sở Y tế TPHCM cũng có dự kiến cho BV tuyến trên tuyển dụng bác sĩ rồi sau đó bổ nhiệm về công tác ở BV tuyến dưới nhưng chính sách, chế độ thì được hưởng theo tuyến trên.