CHUYỆN THỂ LỰC
PV: Chào Minh Phương! Buổi tập hôm nay có mệt lắm không.
Tiền vệ Minh Phương: Không có gì đâu anh, bởi những cầu thủ đá chính chỉ phải tập nhẹ.
Nếu tập nặng thì sao? Ở tuổi 33, Minh Phương có thể theo đầy đủ không nhỉ?
- Tôi có thể nói thế này, từ ngày ra Đà Nẵng, tôi chưa bỏ buổi tập nào. Mệt, đau cũng ráng vào tập.
Chẳng lẽ HLV Huỳnh Đức không có giáo án nào dành riêng cho các cầu thủ lớn tuổi như anh?
- HLV có thể gọi tôi ra ngoài khi nhận thấy chân cẳng tôi có vấn đề. Nhưng thật sự, tôi không bao giờ muốn mình là ngoại lệ ở đội bóng. Hơn thế nữa, với tôi, cảm giác nghỉ ngơi rất khó chịu. Tôi cảm thấy tự mình điều chỉnh được những vấn đề như chấn thương hay ốm.
Anh có bao giờ cảm giác rằng, mình tập rất nhiều nhưng thi đấu lại không được như ý?
- Tại sao các đội bóng hay có những trận đấu cọ xát? Bởi trong nhiều trường hợp, tập luyện không bằng thi đấu. Cầu thủ tích lũy thể lực từ chính những trận đấu. Khi thi đấu chỉ cần cố một chút là vượt qua. Trong khi tập chay thì tập mãi cũng không đạt được. Chính vì thế mà cầu thủ ít được ra sân thì phải tập nhiều hơn người khác để giữ phong độ và cảm giác bóng. Thường thì tập được 10, nhưng khi ra sân đấu thể hiện được 6-7 là may rồi. Chẳng khi nào có chuyện tập 6-7 mà khi thi đấu được 10 cả.
Ở trên sân, anh sẽ làm gì mỗi khi thấy thể lực không đảm bảo?
- Thường trước mỗi trận đấu, BHL luôn hỏi cầu thủ về tình trạng thể lực. Cảm nhận mình có khỏe hay không là ở lúc đó. Còn khi đã vào sân là quên hết nên tôi cũng không thể nói được gì khi ở trong sân. Bóng đá đôi khi rất kỳ lạ, đó là khỏe mà chơi không tốt, trong khi có hôm không khỏe lại chơi rất hay. Đó là chuyện của cái đầu chứ không phải đôi chân nữa.
CHUYỆN TƯ DUY
Những cầu thủ có phẩm chất kỹ thuật và tư duy bóng đá tốt như Minh Phương thì cách chơi cũng trí tuệ hơn?
- Cũng còn tùy vào hoàn cảnh, tình huống trên sân. Nhiều VĐV phá kỷ lục bởi ý chí, thời điểm phong độ quyết định khiến họ vượt ngưỡng. Ví dụ hơi buồn cười thế này nhưng có lẽ dễ hiểu hơn: anh có thấy thằng ăn trộm chạy nhanh ghê gớm? Đơn giản vì cái đầu nó nghĩ phải chạy để thoát thân nên đã tác động vào đôi chân, chứ bình thường sao chạy nhanh thế được.
Đồng ý rằng động lực làm người ta trở nên khác biệt. Nhưng thực tế đôi khi cầu thủ có tư duy tốt cũng biết cách tỏa sáng hơn. Chẳng hạn như Minh Phương, có những lúc không chạy nhiều, nhưng chỉ cần một tình huống đá phạt thành bàn là anh hoàn thành mục tiêu đấy thôi?
- Tôi không nghĩ đó là chuyện tư duy. Đấy đơn giản chỉ là cách giải quyết tình huống trên sân.
Nhưng nó mang tính quyết định?
- Thật ra bây giờ cũng nhiều đội muốn giải quyết bế tắc bằng những tình huống đá phạt cố định. Tuy nhiên, đối phương cũng đâu dễ để mình làm điều đó. Nếu mình có vài chân sút phạt tốt, thì họ sẽ nghiên cứu để không phạm lỗi ở cự ly đó. Bản thân tôi là người đá cũng phải nghiên cứu họ bắt bài mình kiểu gì thì mới hy vọng thành công được.
Tóm lại là phải hiểu đối thủ?
- Khi đá phạt thì anh em cầu thủ có nhiều ký hiệu lắm. Ví dụ đá góc ngắn thì kéo tất, đá tầm cao lại kéo quần… Cầu thủ ngoại đâu hiểu tiếng Việt nhưng họ hòa nhập được bởi bóng đá có ngôn ngữ, ký hiệu riêng.
Ngoài việc hiểu đối thủ thì đương nhiên còn phải hiểu đồng đội. Mình chuyền bóng cho cầu thủ có kỹ thuật khác, cầu thủ có tốc độ hay không có tốc độ cũng phải khác. Chính vì thế mới có chuyện cầu thủ ăn tập ở giải chuyên nghiệp đàng hoàng mà không đá được ở đội lão tướng. Vì sao? Mình phải biết sức đồng đội tới đâu, thuận chân nào… phải “đọc” được người khác thì mới chơi cùng họ được. Cái đó thuộc về kinh nghiệm thi đấu của mỗi người, không phải cứ mang mác chơi chuyên nghiệp ra mà hù doạ được cầu thủ ở giải phong trào đâu.
Trở lại với chuyện đá phạt. Một trận đấu có phần bế tắc nhưng nhờ pha đá phạt của Minh Phương mà chiến thắng, so với một trận đấu phối hợp đập nhả tốt, Minh Phương là người chuyền bóng hoặc ghi bàn thì anh thích trận nào hơn?
- Với tôi thì tình huống nào đội nhà hoàn thành mục đích chung là giành chiến thắng, đưa bóng vào lưới đối phương thì tôi thích.
Nhưng nếu hai trận ấy đều thắng?
- Thì tôi thích cả hai (cười). Tôi không nghĩ rằng chiến thắng ấy có công sức của ai cả để rồi chọn lựa đâu.
Ở ĐT.LA ngày xưa, Minh Phương đôi khi còn đá phạt ít hơn Santos. Anh có bao giờ buồn về điều đấy?
- Thật ra không phải nhiều hay ít mà tùy theo góc phạt, vị trí thuận lợi. Cự ly gần, tôi đá chuẩn thì sẽ giành quyền thực hiện. Còn Santos đá cự ly xa. Vấn đề là người đá tự tin ở góc sút và cự ly nào thôi. Ở ĐTQG, Vũ Phong sẽ đá cự ly xa.
SHB.ĐN đang tràn trề cơ hội vô địch, anh nghĩ thế nào?
- Cá nhân tôi khi về đây cũng luôn nghĩ đến chức vô địch. Năm ngoái, báo chí cứ bảo chúng tôi không thành công nhưng thật ra vẫn đạt chỉ tiêu Top 3 đặt ra. Đá bóng ai chẳng muốn vô địch. Tôi đang chờ đợi khoảnh khắc nâng cúp ở sân Chi Lăng.