Chiều 22/6, Sở Y tế TP. HCM thanh tra phòng khám Trung Quốc. Lần này, phòng khám không “diễn” lại “kịch bản” bác sĩ “tháo chạy” mà thực hiện chiêu mới: “vườn không nhà trống” và “đang chờ thẩm định”.
|
Cơ sở y tế Trung Quốc được thanh tra chiều nay là Phòng khám đa khoa Quốc tế Trung Nam (số 1503-1509, đường 3 Tháng 2, phường 16, Q. 11), với hàng loạt sai phạm.
“Chờ thẩm định” vẫn sử dụng “vô tư”?!
Khi đoàn thanh tra đến, phòng khám đang mở cửa hoạt động nhưng chủ cơ sở vắng mặt. Không có một bác sĩ nào trực ở phòng khám và phòng khám cũng hoàn toàn vắng bóng bệnh nhân, chỉ có các nhân viên tiếp tân, một vài điều dưỡng.
Kể cả... quạt cũng được "niêm phong" - Ảnh: Nguyên Mi
Đặt biệt là theo giấy phép đăng ký doanh nghiệp thì cơ sở này được hoạt động phòng khám đa khoa từ 15/10/2010 và đăng ký thay đổi lần 1 vào ngày 10/10/2011. Thế nhưng tại thời điểm thanh tra, tất cả các thiết bị y tế dùng để chẩn đoán, điều trị bệnh đều được dán giấy “Đang chờ thẩm định”, kể cả… máy quạt.
Trong khi đó, theo hồ sơ bệnh án được phòng khám trình cho thanh tra thì phòng khám đã thực hiện phẫu thuật trĩ cho bệnh nhân từ ngày 4/4/2012, tức đã phẫu thuật trước khi trang thiết bị khám chữa được cơ quan y tế thẩm định.
Trong khi đó, qua hồ sơ bệnh án của bệnh nhân trình cho thanh tra thì cơ sở này đã thực hiện phẫu thuật cho bệnh nhân từ tháng 3, tháng 4 bằng những máy móc “đang chờ thẩm định” trên.
Cụ thể, bệnh nhân B.V.T. (ngụ Gò Vấp, TP. HCM) đã được phẫu thuật cắt trĩ bằng máy HCPT vào ngày 4/4. Bệnh nhân T.D.C. (ngụ Q. Bình Tân, TP. HCM) nhập viện lúc 16h, ngày 8/4 thì đến 16h30 bệnh nhân đã được cơ sở đưa lên bàn mổ cắt trĩ cũng với máy HCPT mà không có xét nghiệm.
Giải thích sự việc trên, người đại diện cơ sở cho rằng, cơ sở sử dụng máy này để điều trị cho bệnh nhân vì… thời gian chờ thẩm định quá lâu.
Ghi nhận của thanh tra Sở Y tế TP. HCM, cơ sở đang triển khai các hoạt động gồm: đông y, khoa nội, khoa ngoại, sản phụ khoa, siêu âm, phòng thuốc, phòng xét nghiệm, phòng truyền dịch. Phòng khám báo cáo có 6 bác sĩ điều trị. Đồng thời, người đại diện tại đây cho biết, có 5 bác sĩ Trung Quốc đang làm thủ tục xin phép hoạt động.
“Loạn” điều trị
Kiểm tra sổ sách, bệnh án của Phòng khám đa khoa Quốc tế Trung Nam, hàng loạt sai phạm trong điều trị đã “lộ mặt”.
Theo sổ theo dõi truyền dịch cho bệnh nhân thì cơ sở vẫn truyền dịch cho bệnh nhân vào sáng 21/6. Điều đáng nói là bệnh nhân được truyền dịch là thuốc kháng sinh thế hệ mới như Levofloxacine 0,2g/100ml, Ceftriaxone 1g,...
Theo đánh giá của một thanh tra viên, các loại thuốc này phải là các bệnh viện, cơ sở y tế tuyến thành phố, trung ương mới được phép chỉ định sử dụng.
Một lưu ý khó hiểu tại phòng khám: "Nghiêm cấm quan hệ tình dục bất hợp pháp" (?!) - Ảnh: Nguyên Mi
Thế mà cơ sở vẫn vô tư truyền dịch cho bệnh nhân với lời giải thích của người đại diện là “do bệnh nhân đem đến nhờ truyền”. Sổ lưu hoàn toàn không có chẩn đoán, chỉ định của bác sĩ cũng như thông tin theo dõi bệnh nhân.
Phòng dịch cũng hoàn toàn vắng bóng bác sĩ mà chỉ có điều dưỡng.
Trong giấy phép hoạt động, cơ sở không có chức năng lưu bệnh nhưng nhiều hồ sơ bệnh án có ngày nhập viện, ngày xuất viện cách nhau đến hơn 4 ngày.
Theo giải thích của bác sĩ Phạm Tân Vũ (người được nhân viên phòng khám gọi về để tiếp đoàn thanh tra), hồ sơ làm sai sót thôi chứ cơ sở không lưu bệnh.
Mặt khác, một số bệnh án còn không ghi cả giờ điều trị, theo dõi bệnh.
“Có cảm nhận là những bệnh án này “vẽ” ra cho có thôi chứ không phải bệnh án điều trị thật”, một thanh tra viên trong đoàn nhận xét.
Bất chấp quy định
Qua đợt thanh tra phòng khám Trung Quốc nhiều ngày qua, điều đáng nói là dường như những phòng khám không hề tôn trọng sức khỏe bệnh nhân, các quy định khám chữa bệnh cũng như cơ quan quản lý y tế.
Tất cả các phòng khám được thanh tra đều không có mặt chủ cơ sở cũng như người có trách nhiệm quản lý, điều hành phòng khám làm việc với thanh tra. Hầu như đoàn thanh tra rơi vào thế, có mặt ai tại cơ sở thì làm việc với người đó.
Phòng khám hoàn toàn "trống vắng" người chịu trách nhiệm quản lý, bác sĩ và bệnh nhân khi cơ quan chức năng đến thanh tra - Ảnh: Nguyên Mi
Như tại Phòng khám Trung Nam chiều cùng ngày, đại diện tiếp đoàn lúc là một người xưng tên Thọ, lúc là một thanh niên không xưng tên. Thậm chí khi phóng viên hỏi họ tên đầy đủ và chức danh của ông Thọ tại phòng khám thì người này trả lời là “tôi không có chức danh gì ở đây”.
Trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, hành nghề y của Phòng khám Quốc tế Trung Nam, đại diện pháp luật tại Việt Nam là bác sĩ Nguyễn Vĩnh Thanh. Thế nhưng, khi thanh tra năm lần bảy lượt yêu cầu nhân viên phòng khám gọi điện thoại cho bác sĩ Thanh về làm việc với đoàn thì được giải thích bác sĩ Thanh bận đi hỗ trợ cấp cứu ở một bệnh viện khác.
Tại những phòng khám Trung Quốc khác được thanh tra vào những ngày trước thì các bác sĩ lại “tháo chạy” khi đoàn đến, chỉ để lại nhân viên điều dưỡng, phiên dịch hay tiếp tân làm việc.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?