Trong khi đó, theo Phó Chủ tịch UB ATGT Quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp, nếu không tiến hành thu phí lưu hành phương tiện ngay, thì 3 năm nữa thôi Hà Nội và TP.HCM không còn chỗ để xe.
Xung quanh vấn đề thu một số loại phí giao thông, PV có cuộc trao đổi ngắn với Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Chủ tịch UB ATGT Quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp.
Phải lấy ý kiến người dân
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Bộ Giao thông Vận tải đang trình Chính phủ thu phí lưu hành phương tiện (Phí hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ). Nhiều người lo ngại việc này sẽ dẫn đến việc phí chồng phí? Quan điểm của Phó Thủ tướng như thế nào?
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Một chủ trương nào cũng có hai mặt của nó. Ở một đất nước mà quá nhiều phương tiện giao thông cá nhân trong khi tai nạn giao thông tăng phải có những biện pháp hữu hiệu. Chính vì vậy chúng ta đang lấy ý kiến, quyết định cuối cùng vẫn là Quốc hội.
Thưa Phó Thủ tướng, có nhiều ý kiến cho rằng phí lưu hành phương tiện không thích hợp khi thu ở các địa phương nhất là vùng sâu vùng xa, nó sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người dân nghèo?
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Về vấn đề này, tôi nghĩ rằng một quyết định quan trọng mà liên quan đến nhân dân đều phải lấy ý kiến của nhân dân. Tất cả những biện pháp chúng ta đưa ra đều phục vụ nhân dân, lo cho tính mạng của nhân dân, tài sản của nhân dân, điều đó là quan trọng nhất.
Không thu ngay, 3 năm nữa không còn chỗ để xe
Nhiều ý kiến cho rằng thu nhiều loại phí như vậy là đổ trách nhiệm cho dân, ông đánh giá thế nào?
Phó Chủ tịch UB ATGT Quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp: Đúng là có nhiều loại phí, giá ô tô ở Việt Nam cũng cao hơn các nước khác rất nhiều lần. Hà Nội và TP.HCM cần có lộ trình để cấm hẳn xe máy, điều đó là chắc chắn rồi, một quốc gia phát triển phải vậy, và người dân cũng phải chia sẻ.
Nhưng cùng với cấm xe thì cũng cần đồng bộ với hạ tầng, vận tải công cộng để đảm bảo cho người dân đi lại. Đây là chiến lược lâu dài, phải có lộ trình và thông báo trước cho người dân.
Mỗi loại phí đều có mục tiêu của nó, ví dụ phí Quỹ bảo trì thì thu để duy trì bảo dưỡng đường bộ. Hiện nay đầu tư cho bảo trì đường bộ có 17 triệu đồng/1km mỗi năm, số tiền này chưa đủ trả lương cho công nhân chứ chưa nói đến sửa chữa, người tham gia giao thông phải có trách nhiệm đóng phí bảo trì. Phí hạn chế phương tiện cá nhân đánh đúng vào khu vực cần hạn chế phương tiện.
Thu phí lưu hành (Phí Hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ) ở các tỉnh miền núi vùng sâu có hợp lý không thưa ông?
Phó Chủ tịch UB ATGT Quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp: Sẽ thu ở những chỗ cần hạn chế phương tiện.
Thực tế người dân chưa có phương tiện thay thế mà cứ đánh phí thì có phải là tức thời chứ chưa đồng bộ?
Phó Chủ tịch UB ATGT Quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp: Thế mới nói là phải có lộ trình và đồng bộ, trước mắt phí vào trung tâm nội đô, phí hạn chế phương tiện cá nhân phải làm ngay.
Phí Hạn chế phương tiện giao thông cá nhân đường bộ cũng sẽ được thông qua?
Nếu không tiến hành ngay, với tốc độ này thì 3 năm nữa thôi Hà Nội và TP.HCM không còn chỗ để xe chứ không nói là để đi.
Theo đề xuất đáng nhẽ phải thu cách đây 10 năm rồi, mà nếu thu cách đây 10 năm thì tình trạng ùn tắc đã không như thế này.
Về nguyên tắc thu phí đường bộ anh đi nhiều thu nhiều, anh đi ít thì thu ít, không đi thì không thu vì tôi có phá đường đâu. Nhưng chúng ta chưa đủ yếu tố để thu như thế. Ví dụ, mỗi xe có con chip, chủ xe có tài khoản thì nó đơn giản. Giờ mà làm thế tốn kém nhiều, thậm chí tốn hơn phí thu được.
Nếu lấy ý kiến người dân về đề xuất thu phí lưu hành phương tiện giao thông đường bộ thì nguy cơ gặp sự phản đối của người dân là rất cao. Vậy chúng ta có lường trước điều đó không?
Phó Chủ tịch UB ATGT Quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp: Vẫn lấy ý kiến người dân nhưng cái nào cần trưng cầu thì Quốc hội sẽ cho phép. Trước hết, tiếp thu một là thu như thế nào, mức thu bao nhiêu, thu ở đâu, đối tượng nào thu chủ yếu. Còn khẳng định là sẽ thu.