Phở, bún chả được công nhận Kỷ lục châu Á

Chương trình Hội ngộ Kỷ lục gia Việt Nam lần thứ 23 đã diễn ra tại TP HCM do Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam - Vietkings tổ chức.

Tại cuộc hội ngộ lần này, ông Biswaroop Roy Chowdhury (người Ấn Độ, Tổng giám đốc Tổ chức Kỷ lục châu Á) đã trao bằng chứng nhận Kỷ lục châu Á cho 12 món ăn độc đáo của Việt Nam, bao gồm phở Hà Nội, bún chả Hà Nội, bún thang Hà Nội, bánh đa cua Hải Phòng, cơm cháy Ninh Bình, miến lươn Nghệ An, bún bò Huế, mỳ Quảng, phở khô Gia Lai, bánh Khọt Vũng Tàu, gỏi cuốn Sài Gòn, cơm tấm Sài Gòn.

Tổ chức Kỷ lục châu Á đã căn cứ vào tiêu chí giá trị ẩm thực châu Á xác lập kỷ lục châu Á cho 12 món ăn này.

Bên cạnh đó, sáu kỷ lục châu Á mới dành cho các kỷ lục gia, đơn vị sở hữu kỷ lục Việt Nam cũng được xác lập và công bố. Đó là nhà soạn nhạc Lê Văn Tuấn - người sáng tạo ra âm nhạc CROR đã thực hiện thành công Quyển sách âm nhạc CROR độc đáo và sáng tạo được ấn loát với kích thước lớn nhất; nghệ nhân Tôn Nữ Thị Hà và thạc sỹ Phan Tôn Tịnh Hải với tác phẩm Phượng Hoàng vũ bằng bánh lớn nhất; nghệ nhân Ý Lan - người tìm ra nhiều màu cát tự nhiên nhất; nghệ sỹ Mai Đình Tới - người có nhiều nhạc cụ tự chế độc đáo nhất...

Tại chương trình, cộng đồng kỷ lục gia Việt Nam tiếp tục chào đón 43 kỷ lục gia và đơn vị sở hữu kỷ lục mới, trong đó có 7 kỷ lục về môi trường. Các kỷ lục về văn hóa chiếm đa số, trong đó nổi bật là pho tượng Phật mẫu Đại Tuệ bằng đồng lớn nhất; công trình “Thuyết nhân quả” xây dựng trong Khu du lịch hồ Núi Cốc...

Giáo sư-tiến sỹ Trần Quang Hải và Anh hùng Lao động, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Đức Thìn (Bắc Ninh) được xác lập hai kỷ lục mới là người Việt Nam đầu tiên phổ biến (giảng dạy, biểu diễn) đàn môi tại nhiều nước trên thế giới và người đầu tiên phát động phong trào “Nghìn việc tốt” cho thiếu nhi vào năm 1963.

Nghệ sỹ ưu tú Nguyễn Văn Lượng, sinh năm 1957 tại Hải Phòng xác lập kỷ lục khi thực hiện 206 bộ phim truyền hình nhiều thể loại để nói về đề tài đất nước-con người biển đảo.

Anh Nguyễn Sơn Lâm, nạn nhân chất độc da cam (chỉ cao 90cm, nặng 27kg, đi lại bằng nạng gỗ) nhưng đã lên đến đỉnh núi Fansipan; nhiếp ảnh gia Nguyễn Á với quyển sách “Họ đã sống như thế” - quyển sách tập hợp nhiều ảnh nhất về người khuyết tật với 836 bức ảnh, 94 câu chuyện về 102 con người khuyết tật đáng kính về ý chí, về nghị lực cũng xác lập kỷ lục.