Phía sau cổ tích: Có những điều ta quên!

Truyện cổ tích thường theo một mô típ là đau khổ đến trước - hạnh phúc về sau. Nhưng chuyện cổ tích chỉ hướng đến điều đó, hay phía sau mỗi cốt truyện cổ tích còn ẩn chứa những điều khác?

Truyện cổ tích thường theo một mô típ là đau khổ đến trước - hạnh phúc về sau. Khi ta còn là đứa trẻ, những câu chuyện cổ tích nuôi tâm hồn ta lớn lên bằng sự nhiệm màu của phép thuật, của những điều kỳ diệu để bảo vệ cái đúng, cái đẹp trước những điều độc ác và sai trái. Nhưng chuyện cổ tích chỉ hướng đến điều đó, hay phía sau mỗi cốt truyện cổ tích còn ẩn chứa những điều khác?

Báo chí quan tâm đến “Điều ước thứ 7” về tình yêu của anh Nguyễn Hải Châu và chị Nguyễn Châu Loan đã nói khá nhiều về đám cưới đẹp như chuyện cổ tích của cặp đôi này. Họ cùng mắc bệnh thận, cùng bị tử thần rình rập từng ngày nhưng họ vẫn vươn lên bằng hy vọng sống, bằng tình yêu khi cùng chung tay "Vì Ngày Mai" (trung tâm chăm sóc sức khỏe, dạy nghề và tổ chức sản xuất cho trẻ em khuyết tật). Và hạnh phúc thay, họ cưới nhau trong sự xúc động của hàng triệu người. Cặp vợ chồng ấy đã dạy chúng ta một bài học về lòng yêu thương có thể vượt qua cả những rào cản của số phận hay tiếng đời mang lại.

Chị Loan và giọt nước mắt hạnh phúc trong ngày cưới

Rồi số phận ngỡ mỉm cười bỗng “trở mặt” cướp đi sinh mạng của anh Châu bằng một tai nạn giao thông. Chị Loan cũng qua đời sau đó không lâu vì bệnh nặng hơn và cả nỗi nhớ của người vợ mệnh bạc dành cho người chồng bạc mệnh. Sự hữu hạn của thọ nhân trong vòng tuần hoàn “sinh, lão, bệnh, tử” thật vô thường…

Có một câu hỏi nhảy múa trong đầu tôi, làm loạn trong đầu tôi nhiều ngày: Kết thúc ấy là bi kịch hay hạnh phúc?

Nếu nói đám cưới đặc biệt của đôi vợ chồng khổ mệnh ấy là tột đỉnh của hạnh phúc thì tai nạn của người chồng và nỗi đau của người vợ trước ngày chị ra đi có phải là tận cùng của khổ đau? Hay có những trạng thái, những lằn ranh mà ta buộc phải thừa nhận rằng không thể minh định đúng- sai, đen- trăng, hạnh phúc- khổ đau,…?

Không biết các bạn có rơi vào cảm giác ấy giống tôi? Cảm giác của người cần nhìn lại xung quanh để thấy rằng nhiều thứ mình đang quên.

Vội vã, tôi nhấc máy điện thoại để gọi hỏi thăm một người bạn lâu rồi chưa gặp, chủ động đặt một cuộc hẹn với một người quen từng trách móc “gặp mày khó quá”, leo lên xe bus về nhà ăn một bữa cơm mẹ nấu,… Người viết làm tất cả những điều đó ngay khi còn có thể kẻo cảm giác ấy bị vòng quay cuộc sống ồn ã cuốn đi mất không hay. Hoặc biết đâu trong một khoảnh khắc không may nào đó khiến tôi rời xa cõi tạm này mà không kịp gửi gắm điều gì.

Tôi sợ mình sẽ giống những người bất hạnh mà bà Agathan Christie, nữ nhà văn người Anh đã nói: “Người ta thường không nhận ra những khoảnh khắc quan trọng khi mình còn sống.”

Họ đều đã trở về với cát bụi

Có lẽ ở bên kia thế giới, anh Châu và chị Loan đã gặp nhau và mỉm cười khi lần cuối nhìn về cõi tạm mà họ gửi lại xác thân, là nơi chúng ta đang sống. Với người viết, tình yêu của họ là câu chuyện cổ tích có thật! Câu chuyện ấy không cần hư cấu về những hoàng tử, công chúa, bà tiên, ông bụt nào để cứu rỗi bản thân và cứu rỗi nhau khỏi đau khổ, muộn phiền, tuyệt vọng. Chính họ đã chủ động đem lại hy vọng cho mình, cho nhau…

Bằng TÌNH YÊU!