Trước sự lây lan nhanh của biến thể Omicron, nhiều quốc gia đang trong tình trạng cảnh giác cao độ chỉ vài ngày trước lễ Giáng sinh và năm mới 2022.
Số ca nhiễm biến thể Omicron đang nhân lên nhanh chóng trên khắp châu Âu, Mỹ và châu Á, bao gồm cả Nhật Bản, nơi chùm ca bệnh tại một căn cứ quân sự đã tăng lên ít nhất 180 trường hợp.
Ngày hôm nay 21/12, New Zealand đã trì hoãn kế hoạch mở cửa lại biên giới cho khách quốc tế vì sự lây lan của Omicron trên khắp thế giới.
Bộ trưởng Ứng phó COVID-19 của New Zealand, Chris Hipkins, cho biết New Zealand sẽ dời lịch mở cửa biên giới đến cuối tháng 2 năm 2022. New Zealand trước đó cho biết sẽ mở cửa biên giới và miễn cách ly vào giữa tháng 1 cho người New Zealand ở Úc và vào tháng 4 cho khách nước ngoài.
Du khách mặc thiết bị bảo hộ cá nhân chuyển hành lý vào taxi bên ngoài nhà ga quốc tế
tại Sân bay Sydney, Australia, ngày 29 tháng 11 năm 2021. Ảnh: REUTERS / Loren Elliott
"Không nghi ngờ gì, điều này đáng thất vọng và sẽ làm đảo lộn nhiều kế hoạch nghỉ lễ, nhưng điều quan trọng là phải đưa ra những thay đổi này ngay hôm nay để người dân có thời gian xem xét kế hoạch nghỉ lễ", ông Hipkins nói tại một cuộc họp báo.
Tại Singapore, Bộ Y tế đang tiến hành nghiên cứu để xác định xem liệu Omicron có phải là nguyên nhân gây ra một ổ dịch một phòng tập gym hay không.
Bộ Y tế Singapore cho biết hôm 21/12: "Với khả năng lây truyền cao và lan rộng ra nhiều nơi trên thế giới, chúng tôi dự kiến sẽ phát hiện nhiều trường hợp Omicron hơn ở biên giới của chúng tôi và cả trong cộng đồng của chúng tôi".
Các quan chức Mỹ cho biết biến thể Omicron đã trở thành chủng thống trị ở nước này với tốc độ lây lan cực nhanh và cướp đi mạng sống của một người đàn ông chưa được tiêm chủng ở Texas. Hàng dài người xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại New York, Washington và các thành phố khác của Mỹ trước khi trở về nghỉ lễ Giáng sinh với gia đình.
Người dân xếp hàng để được xét nghiệm COVID-19 ở Quảng trường Thời đại,
Thành phố New York,Mỹ, ngày 20 tháng 12 năm 2021 khi biến thể Omicron
tiếp tục lây lan ở đây. Ảnh: REUTERS / Andrew Kelly
Một số nhà lãnh đạo và quan chức y tế Mỹ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm liều vaccine COVID-19 tăng cường để chống lại biến thể này.
"HÃY ĐI TIÊM LIỀU TĂNG CƯỜNG NGAY BÂY GIỜ. Cơn sóng thần của Omicron có thể sớm đổ bộ vào bệnh viện ở gần bạn", Tiến sĩ Tom Frieden, cựu giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, cảnh báo trên Twitter.
Hàn Quốc, Hà Lan, Đức và Ireland là một trong số các quốc gia tái áp dụng phong tỏa một phần hoặc toàn quốc và các biện pháp giãn cách xã hội khác trong những ngày gần đây.
Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 20/12 cho biết tình hình đang "cực kỳ khó khăn" khi số người nhập viện tăng mạnh ở London.
Khi được hỏi về liệu chính phủ Anh có cấm giao lưu trong nhà và hạn chế du lịch, ông Johnson nói: "Chúng tôi đang xem xét mọi thứ... chúng tôi sẽ không loại trừ điều gì".
Tại Australia, số ca nhiễm biến thể Omicron tăng cao nhưng số ca nhập viện vẫn tương đối thấp. Thủ tướng Australia Scott Morrison kêu gọi các nhà lãnh đạo tiểu bang và vùng lãnh thổ tránh phong tỏa lần nữa, đồng thời nói rằng việc hạn chế sự lây lan của virus thuộc về trách nhiệm cá nhân.
Ông Morrison nói: "Chúng ta sẽ không phong tỏa trở lại. Chúng ta sẽ tiếp tục chung sống với loại virus này bằng ý thức và trách nhiệm chung".
Biến thể Omicron lần đầu tiên được phát hiện vào tháng trước ở miền nam châu Phi và cho đến nay đã được phát hiện ở ít nhất 89 quốc gia.
Hiện chưa rõ biến thể Omicron có gây ra bệnh nặng hơn hay không, nhưng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng nó đang lây lan nhanh hơn so với biến thể Delta và lây nhiễm cho cả những người đã được tiêm chủng hoặc những người từng mắc COVID-19.
Dữ liệu sơ bộ ở Nam Phi cho thấy biến thể Omicron gây ra bệnh nhẹ hơn so với biến thể Delta. Nhưng một nghiên cứu của Anh được công bố vào thứ Sáu tuần trước cho thấy không có sự khác biệt về mức độ nghiêm trọng giữa hai biến thể.
Dù bằng cách nào, mức độ lây nhiễm bất thường của Omicron có nghĩa là nó có thể gây ra nhiều ca tử vong hơn, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, Tiến sĩ Anthony Fauci, cho biết hôm thứ Sáu.
Tiến sĩ Fauci nói với CNBC: "Khi có nhiều người bị nhiễm bệnh hơn, tổng số ca nhập viện sẽ nhiều hơn. Đó là một phép toán đơn giản".