Đại đa số sai phạm liên quan đến chỉ số octan trong xăng và lưu huỳnh trong dầu diesel, các tác nhân được cho là sát thủ thầm lặng làm hỏng máy móc và dẫn đến cháy xe hàng loạt trong thời gian qua.
Chánh Thanh tra Bộ KH&CN Trần Minh Dũng cho biết, hai năm nay, tình trạng cháy xe cơ giới ở VN tăng nhanh khiến việc thanh tra chất lượng xăng dầu được đặc biệt quan tâm so với mọi năm.
“Năm 2008, chúng tôi chỉ lấy 100 mẫu xăng dầu để kiểm nghiệm chất lượng. Năm nay, chúng tôi kiểm nghiệm 836 mẫu xăng dầu lấy từ 61 tỉnh thành”, ông Dũng nói.
Theo TS Lê Cảnh Hòa, nguyên Phó Giám đốc Công ty Phụ gia Dầu mỏ, hiện nay đa phần động cơ mới được sản xuất tương thích với xăng A92. Nếu sử dụng xăng có chỉ số octan thấp hơn sẽ làm giảm khả năng chống mài mòn chi tiết máy, khiến cho động cơ xe bị hỏng nhanh hơn.
Tuy nhiên, quá trình này kéo dài trong một thời gian nhất định nên không dễ phát hiện. Trong điều kiện chỉ số octan quá thấp, có thể dẫn đến xe bị chết máy khi đang lưu thông.
Ông Trần Minh Dũng cho biết, hai năm qua, số lượng ô tô bị cháy nhiều hơn xe máy, trong khi 70% ô tô sử dụng dầu diesel.
Vì thế, năm nay, chúng tôi tăng cường số mẫu kiểm tra không chỉ trong xăng mà cả ở dầu diesel”, ông Dũng nói.
“Việc hàm lượng lưu huỳnh trong nhiều mẫu diesel là đáng quan ngại. Hàm lượng lưu huỳnh vượt mức cho phép sẽ làm nóng máy, hỏng bầu lọc, tăng nguy cơ rò rỉ dầu dẫn đến cháy xe”.
Đợt thanh kiểm tra này, tuy cỡ mẫu còn thấp xa so với lượng xăng, dầu tiêu thụ trên thực tế. Tuy nhiên, các nhà khoa học đều phát hiện sự hiện hiện bất thường của hai yếu tố nguy hiểm trên, chỉ số octan thấp và hàm lượng lưu huỳnh cao.
Bất ngờ octan và lưu huỳnh
Có 90 cơ sở vi phạm về chất lượng trong tổng số 4.339 cơ sở bị thanh tra. Trong số 90 mẫu sai phạm về chất lượng bị phát hiện và xử lý, chủ yếu là sai phạm về chỉ số octan.
Phương thức sai phạm chủ yếu là pha xăng có trị số octan thấp với xăng có trị số octan cao, sau đó bán với giá của xăng có trị số octan cao nhằm kiếm lời bất chính.
Bên cạnh đợt thanh tra xăng dầu toàn quốc mở rộng, Bộ KH&CN còn tổ chức kiểm nghiệm chất lượng xăng dầu thường kỳ.
Ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng Sản phẩm hàng hóa cho hay, từ ngày 1/2 đến 11/10 năm nay, trong tổng số 1087 mẫu kiểm nghiệm, có 127 mẫu vi phạm, chiếm 11,7%. Trên 92% tổng số mẫu vi phạm là về chỉ số octan.
Ngoài ra nhiều mẫu xăng vi phạm về hàm lượng olefin và chỉ tiêu áp suất hơi, hàm lượng mangan, vi phạm về ethanol và chỉ tiêu oxy.
Với nhiên liệu diesel, đáng lo ngại là có nhiều vi phạm về hàm lượng lưu huỳnh. Ông Tuấn nói, trong số 242 mẫu kiểm nghiệm, có 35 mẫu vi phạm, trong đó 30 mẫu có hàm lượng lưu huỳnh vượt quá tiêu chuẩn cho phép.
TS Lê Cảnh Hòa, nguyên Phó Giám đốc Công ty Phụ gia Dầu mỏ, cho biết với nhiều sai phạm về chỉ số octan được phát hiện, có thể thấy, nguy cơ pha trộn xăng A83 vào xăng A92 là có thực.
Cũng có thể đặt giả thiết, pha xăng A83 vào xăng A92 để được A86, A87. Sau đó cơ sở kinh doanh bổ sung thêm một lượng cồn để làm tăng chỉ số octan. Do hàm lượng cồn bổ sung chưa đủ nên mới xuất hiện xăng A90, A91 như kết quả thanh tra.
Để làm sáng tỏ chân dung các sát thủ thầm lặng, theo ông Trần Minh Dũng, cơ quan chức năng vẫn đang thực hiện một đề án nghiên cứu cấp nhà nước.
Đề án sẽ xác định nguyên nhân và đề xuất các giải pháp kỹ thuật phòng chống cháy nổ đối với ô tô và xe máy. Đề án do Bộ GTVT phối hợp với Bộ KH&CN và một số đơn vị khác thực hiện kéo dài 18 tháng và đến nay, đã đi được một phần ba chặng đường.
Vẫn chưa giải được nghi án methanol
Với nghi án methanol được pha vào trong xăng làm tăng nguy cơ cháy nổ xe máy, ô tô thời gian gần đây, ông Dũng cho biết, kết quả thanh tra toàn quốc cho thấy chỉ có hai mẫu xăng trong tổng số hơn 4.000 mẫu được kiểm nghiệm có chứa hàm lượng methanol vượt mức cho phép.
Ông Dũng cho hay Bộ KH&CN đang rà soát lại quy chuẩn, tiêu chuẩn để đảm bảo các chỉ tiêu tối thiểu đảm bảo an toàn xăng dầu phải có.
56 cơ sở bị tước giấy phép kinh doanh
Bên cạnh chất lượng xăng dầu, đợt thanh tra xăng dầu toàn quốc mở rộng lần này cũng tập trung vào việc thanh tra vi phạm về đo lường. Theo đó có 246 lượt vi phạm về đo lường.
Kết thúc đợt thanh tra kéo dài ba tháng có 678 cơ sở kinh doanh xăng dầu, khí hóa lỏng trên toàn quốc bị phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là hơn 5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, 56 cơ sở bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, 10 cơ sở bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận kiểm định phương tiện đo...