Vào hôm 29/9, Hạ viện Mỹ, vốn do đảng Cộng hòa kiểm soát, đã thêm vào dự thảo luật ngân sách hai bổ sung sửa đổi, bao gồm trì hoãn một năm việc thực thi luật y tế Obamacare và bãi bỏ thuế đánh lên thiết bị y tế.
Thượng viện Mỹ, với đại đa số ghế do nghị sĩ đảng Dân chủ nắm giữa, tuyên bố sẽ bác bỏ bổ sung này của Hạ viện.
Được biết, chính phủ Mỹ từng hai lần lâm vào tình trạng đóng cửa, gồm sáu ngày trong tháng 11/1995 và 21 ngày từ tháng 12/1995 đến đầu năm 1996.
Đã có khoảng 800.000 nhân viên liên bang phải nghỉ việc trong hai khoảng thời gian nói trên, AFP cho hay.
Sau đây là hậu quả nước Mỹ có thể phải hứng chịu trong trường hợp Quốc hội không thông qua được dự thảo luật ngân sách năm tài khóa 2014 trước khi năm tài khóa 2013 kết thúc vào cuối ngày 30/9.
Nhà Trắng và Quốc hội: Trụ sở và các văn phòng trực thuộc vẫn mở cửa hoạt động, nhưng một số nhân viên thuộc Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ sẽ bị buộc phải nghỉ việc.
Bộ Ngoại giao cũng sẽ phải cho nghỉ việc tạm thời những nhân sự không quan trọng. Một số nhà làm luật Mỹ, chẳng hạn như nữ nghị sĩ Tulsi Gabbard của bang Hawaii, đã cam kết hoàn lại tiền lương cho kho bạc hoặc đem làm từ thiện nếu chính phủ đóng cửa.
Lầu Năm Góc: Binh sĩ Mỹ vẫn tiếp tục tại ngũ, nhưng sẽ có khả năng bị trễ lương.
Hơn phân nửa trong tổng số 800.000 nhân viên của Bộ quốc phòng Mỹ sẽ bị cho thôi việc và Lầu Năm Góc cảnh báo rằng những nhân viên ở lại sẽ phải làm việc “gian khổ”.
An ninh quốc gia: Những dịch vụ công liên quan đến an ninh quốc gia, bao gồm cả tuần tra biên giới và hải quan cảng hàng không, vẫn sẽ được duy trì.
Những người làm trong các ngành “bảo vệ mạng sống và tài sản người dân”, chẳng hạn như nhân viên trực tổng đài báo các trường hợp khẩn cấp vẫn được duy trì.
Nghiên cứu y khoa: Viện Y tế Quốc gia Mỹ sẽ không cấp phép cho các đợt thử nghiệm lâm sàng.
Bảo tàng và công viên: Các viện bảo tàng trực thuộc Smithsonian, một học viện nghiên cứu và bảo tàng viện nổi tiếng của chính phủ Mỹ, và toàn bộ 368 địa điểm trực thuộc hệ thống dịch vụ công viên quốc gia sẽ bị đóng cửa.
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA): Hoạt động của Trạm không gian Quốc tế (ISS), hiện đang là nơi cư ngụ của sáu phi hành gia, gồm hai người Mỹ, vẫn sẽ được duy trì.
Tuy nhiên, hầu hết nhân viên của NASA, tổng số 18.000 người, sẽ phải nghỉ ở nhà không lương.
Cơ quan bảo vệ môi trường (EPA): Gần như sẽ không có ai kiểm soát chất lượng không khí và nước hoặc đảm bảo việc tuân thủ các quy định về ô nhiễm dầu.
Dịch vụ bưu chính: Dịch vụ bưu chính Mỹ vẫn sẽ hoạt động bình thường vì cơ quan này đã độc lập về tài chính.
Thủ đô Washington: Quốc hội Mỹ giữ quyền hành pháp tối cao tại thủ đô Washington. Trong thời gian hoạt động của chính phủ bị gián đoạn lần cuối cùng vào năm 1996, thành phố này gặp phải một vấn đề đáng xấu hổ, đó là dịch vụ thu gom rác bị ngưng trệ, theo AFP.
Thị trưởng Washington Vincent Gray mới đây cho biết sẽ công nhận tất cả nhân viên của thành phố là “nhân sự quan trọng” trong trường hợp chính phủ ngưng hoạt động và hứa sẽ dùng quỹ dự trữ tiền mặt dự phòng để trả lương.
Nền kinh tế: Ông Harry Reid, lãnh tụ phe đa số tại Thượng viện Mỹ, từng cảnh báo rằng việc chính phủ tạm ngưng hoạt động sẽ “làm tan nát nền kinh tế”.
Giới phân tích cho rằng tuyên bố này có thể hơi cường điệu, nhưng tác động của tình huống nói trên là rất đáng kể.
Theo báo cáo của Macroeconomic Advisers (Mỹ), hãng tư vấn chuyên nghiên cứu kinh tế Mỹ, việc chính phủ đóng cửa hai tuần lễ sẽ làm tốc độ tăng trưởng GDP trong ba tháng cuối năm 2013 giảm 0,3 điểm phần trăm.