Vào thăm ngôi nhà nhỏ của gia đình Nguyễn Thị Thanh Phúc ở thôn Hòa Khê, xã Hòa Vang, Đà Nẵng, mẹ cô hào hứng khoe: "Gia đình tôi có nhiều vàng bạc lắm đó". Nói rồi bà tất tưởi vào trong bê ra một thùng lớn, chứa đầy những tấm huy chương của cô con gái 24 tuổi.
Ở trong nước lúc này Thanh Phúc không có đối thủ ở môn đi bộ. Dự giải quốc nội nào cô cũng giành HC vàng. Ở đấu trường quốc tế, cô gái có vóc người nhỏ nhắn cũng sưu tầm được vô khối danh hiệu như HC vàng SEA Games, HC bạc và đồng châu Á…Vì số lượng huy chương quá nhiều không thể treo hết, mẹ cô phải bỏ vào thùng lớn cất trong buồng như báu vật.
"Nhìn thùng huy chương đó em lại thấy buồn. Em thi đấu lâu năm, giành nhiều thành tích nhưng vẫn chưa thể đưa gia đình thoát khỏi cảnh sống ở khu nghĩa địa đáng sợ này", Thanh Phúc buồn rầu chia sẻ với PV.
"Ngày trước quanh đây là rừng, toàn cây cối um tùm, không khí trong lành. Nhưng cách đây gần chục năm, Đà Nẵng quy hoạch nơi này thành nghĩa trang thành phố. Bỗng chốc nhà em lọt thỏm giữa hàng ngàn ngôi mộ. Từ cửa nhà bước ra khoảng năm mươi mét là chạm mộ. Sống ở đây đáng sợ vô cùng, mỗi ngày chứng kiến vài ba đám ma là bình thường. Mùa hè nắng nóng mùi bốc lên ghê sợ. Nước thì ô nhiễm trầm trọng. Nhà em phải cắn răng dùng nước giếng tắm, còn nước ăn uống phải mua về dùng. Cứ vài ngày em lại gọi tới cửa hàng nước, nhờ họ đưa lên hơn chục can loại hai mươi lít để gia đình ăn uống".
Quang cảnh khu nghĩa trang cách không xa trước mặt nhà Thanh Phúc. Ảnh: Lâm Thỏa.
Mức lương hiện tại của Thanh Phúc là 15 triệu đồng mỗi tháng. Tuy nhiên, con số trên chẳng thấm tháp vào đâu bởi cô còn phải lo toan cho cả một đại gia đình hơn chục người.
"Hiện, nhà em có mười bốn người, cùng sống trong căn nhà nhỏ ở thôn Hòa Sơn, trong đó là mười một người lớn và ba đứa nhỏ. Bố mẹ đã già, gần sáu mươi tuổi, làm nông nghiệp không được bao nhiêu. Một chị đang bầu bí, hai đứa em còn đi học. Kinh tế gia đình trông hoàn toàn vào em và một người anh trai làm việc xây mộ", Thanh Phúc chia sẻ tiếp với PV.
Bên cạnh gánh lo gia đình, Thanh Phúc còn phải dành tiền để trang trải tiền học. Tại SEA Games 27 vừa qua, nữ vận động viên sinh năm 1990 giành HC vàng, được thưởng hơn 30 triệu đồng. Thế nhưng, số tiền đó cũng chỉ đủ để Thanh Phúc nộp cho trường Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng. "Do đi tập huấn liên miên, em không thể theo học bình thường như chúng bạn, nợ tới hai mươi môn. Học lại môn rẻ nhất cũng 980.000 đồng, môn đắt nhất là hai triệu tư. Buồn hơn là sắp tới bạn bè cùng khóa có thể ra trường còn mình thì chưa biết đến khi nào", Thanh Phúc tâm sự mà mắt ngân ngấn nước.
Đó là lý do vì sao sau bao năm thi đấu "nữ hoàng đi bộ" mới để được khoản tiết kiệm 20 triệu đồng. Với số tiền ít ỏi đó, không biết đến bao giờ cô mới có thể thực hiện ước mơ chuyển gia đình đến nơi ở mới. "Em chỉ biết phải nỗ lực thi đấu thật tốt, giành thêm nhiều thành tích nữa để hy vọng được thành phố cấp cho một miếng đất nhỏ, tương tự các anh chị Bùi Thị Nhung, Hoàng Anh Tuấn…", Thanh Phúc nói.
Thanh Phúc ở SEA Games 2013. Ảnh: Lâm Thỏa.
Cũng vì gia cảnh quá nghèo mà Thanh Phúc bén duyên với điền kinh. Năm 15 tuổi, cô đại diện cho trường Trung học cơ sở Phạm Phú Thứ đi thi giải điền kinh toàn thành phố. Không ăn tập nhưng Thanh Phúc bất ngờ giành vị trí thứ ba, chỉ kém hai vận động viên chuyên nghiệp.
"Sau giải đó, em được thầy Trần Anh Hiệp gợi ý gia nhập đội tuyển thành phố. Em nhận lời ngay, đơn giản vì nghĩ mình đi tập thì sẽ bớt được một miệng ăn cho gia đình. Bố mẹ làm nông, kiếm chẳng được bao nhiêu, nuôi bảy đứa con vất vả vô cùng", Thanh Phúc nhớ lại.
Những ngày đầu đi tập, Thanh Phúc đi bộ gần chục kilomet từ nhà tới Hòa Khánh để bắt xe buýt lên thành phố tập luyện. Nhiều lần tiếc ba ngàn đồng tiền vé xe, cô gái nhỏ liều lĩnh đi bộ hơn ba mươi kilomet tới trung tâm. Mãi đến gần đây Thanh Phúc mới sắm được cho mình một chiếc xe máy để đi lại.
"Cứ bốn giờ sáng em lại từ nhà đi lên nơi tập luyện, tối lại về. Mỗi ngày em tập đi bộ khoảng ba mươi kilomet. Trời nắng hay trời mưa, 30 hay mùng Một Tết cũng không dừng tập. Môn này đòi hỏi phải luyện thường xuyên, không được phép nghỉ", Thanh Phúc chia sẻ.
Tâm sự về những kỷ niệm trong đời thi đấu, Thanh Phúc nhớ nhất là giải Đại hội thể dục thể thao toàn quốc năm 2006. Ở giải đấu đó cô giành HC vàng nhưng bị tước vì một đồng đội ở đội Đà Nẵng phạm lỗi chèn đối thủ. Chính từ sau cú vấp ngã đó cô gái sinh năm 1990 lao vào tập luyện không mệt mỏi, để rồi gặt hái được những thành tựu như ngày hôm nay.