Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng hồ sơ khởi kiện Trung Quốc
Sáng 24/5, bên hàng lang Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã có cuộc trao đổi với báo chí về tình hình căng thẳng hiện nay ở biển Đông.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc nói:
Như chúng ta đã biết là ngay từ ngày đầu, giờ đầu của kỳ họp lần này, trong phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nêu rõ tình hình ở Biển Đông đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường do các hành động sai trái của phía Trung Quốc.
Quốc hội cũng đã bố trí thời gian để nghe báo cáo của Chính phủ về tình hình, về chủ trương, giải pháp. Sau đó Quốc hội tiến hành thảo luận ở các Đoàn về tình hình hiện nay ở biển Đông và các giải pháp, trên cơ sở đó Quốc hội ra thông cáo lập trường 4 điểm đối với việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, chủ trương và giải pháp của Việt Nam.
Đến nay, chúng ta tiếp tục kiên quyết phản đối việc làm sai trái của Trung Quốc, tiếp tục dùng biện pháp hoà bình phù hợp với luật pháp quốc tế để đấu tranh với Trung Quốc, với tinh thần kiên quyết nhưng cũng hết sức bình tĩnh tuỳ theo mức độ tình hình.
Chúng ta cũng bày tỏ cảm ơn đối với nghị viện, nghị sĩ các nước đã lên tiếng ủng hộ lập trường chính nghĩa của Việt Nam, phản đối hành động sai trái của Trung Quốc.
Tàu Kiểm ngư Việt Nam áp sát giàn khoan với cự ly 3,7 hải lý
Dưới sự bảo vệ của tàu Cảnh sát biển và tàu Kiểm ngư Việt Nam, tàu đánh cá của ngư dân ta vẫn tiếp tục hoạt động tại khu vực này.
Tàu Kiểm ngư Việt Nam theo nhóm đồng loạt cơ động, kiên trì đấu tranh, tiến vào gần và áp sát giàn khoan Hải Dương-981(Haiyang Shiyou 981) ở khoảng cách 5,5-6,5 hải lý và có lúc đã áp sát giàn khoan ở khoảng cách 3,7 hải lý để thực hiện công tác tuyên truyền yêu cầu phía Trung Quốc rút toàn bộ tàu và giàn khoan ra khỏi khu vực chủ quyền của Việt Nam.
Đó là thông tin mới cập nhật của Cục Kiểm Ngư thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chiều ngày hôm qua (24/5).
Cựu Thủ tướng Thái Lan bị bắt
Quân đội Thái Lan đã bắt giữ cựu thủ tướng Yingluck Shinawatra và một số thành viên gia đình bà hôm 23/5, BBC đưa tin.
BàYingluck, một số thành viên gia tộc Shinawatra và các chính trị gia chính phủ bị lật đổ đã tới trình diện tại câu lạc bộ lục quân tại Bangkok theo đúng lệnh triệu tập 1 ngày trước đó của chính quyền quân sự mới.
Tuy nhiên, nữ thủ tướng bị lật đổ đã bị giữ lại vài giờ rồi sau đó bị đưa tới một địa điểm bí mật.
Cùng ngày Tư lệnh lục quân Prayuth Chan-ocha cũng gặp một số quan chức chủ chốt và tuyên bố rằng cần thực hiện cải cách trước bất cứ cuộc bầu cử nào.
Theo một số nguồn tin, Tướng Prayut sẽ diện kiến nhà vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej ở cung điện tại Hua Hin, phía nam Bangkok, để giải thích cuộc đảo chính.
Bầu Kiên yêu cầu cơ quan điều tra trả tài liệu
Ngày 24/5, phiên tòa xét xử bầu Kiên bước sang ngày thứ 5 với nội dung tập trung vào việc làm rõ nguồn vốn để KienLong Bank và VietBank mua trái phiếu ACBS và ACBI...
Theo đại diện KienLong Bank, KienLong Bank và ACB là mối quan hệ về đối tác phải thường xuyên giao dịch với nhau bởi đây là hoạt động hàng ngày, bình thường của các ngân hàng. Năm 2010, KienLongBank phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ thì có thêm các cổ đông thuộc ACB như ông Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Quang, Trịnh Kim Cang, còn ông Nguyễn Đức Kiên không phải là cổ đông của KienLongBank.
Người đại diện này cũng cho biết KienLong Bank không cho ACBS vay. Việc ACBS phát hành trái phiếu thì là do nhu cầu vốn của họ. Sau 8 hợp đồng, KienLongBank đã mua 1.500 tỉ trái phiếu của ACBS.
Còn đại diện VietBank cho biết, khi ACBS phát hành trái phiếu, không nhớ VietBank mua bao nhiêu. "Việc ACB có hỗ trợ VietBank mua trái phiếu hay không, tôi không rõ" - người đại diện cho biết.
Để làm rõ nội dung này, tòa đã dẫn lại lời khai của phó chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ VietBank, đại diện cho 10% vốn góp của ACB tại VietBank khai có trao đổi với ông Lý Xuân Hải và một số lãnh đạo của ACB là khi ACBS phát hành trái phiếu, VietBank mua. Nếu không có đủ vốn thì ACB sẽ hỗ trợ. Còn Phó phòng nguồn vốn VietBank thì cho biết nếu không có tiền ACB chuyển đến thì VietBank không thể mua trái phiếu của ACBS được.
Liên quan đến các tài sản, tài liệu của mình, phát biểu trước toà, "Bầu" Kiên nêu "trong cáo trạng có nói CQĐT yêu cầu ACB phong tỏa tài sản của tôi và gia đình tại ACB thì đó là trái pháp luật. Tôi được biết cơ quan điều tra đã thu giữ rất nhiều tài liệu ở nhà tôi nhưng không đưa vào hồ sơ điều tra vì không phải là tài liệu liên quan. Tôi yêu cầu trả lại cho tôi".