Những việc bà bầu tuyệt đối không được làm trước ngày cận sinh

Vào những ngày cận sinh, nhiều bà bầu có tâm trạng bất an, lo lắng, không ít bà bầu đã vướng những sai lầm nghiêm trọng.

Lo lắng, căng thẳng

Theo Sức khỏe và Đời sống, sắp tới ngày dự sinh mà các bà mẹ vẫn chưa thấy có dấu hiệu của việc em bé sắp ra đời, hoặc tới ngày rồi mà vẫn không có dấu hiệu chuyển dạ, điều này khiến các mẹ cảm thấy lo lắng bất an, không biết có chuyện gì xảy ra hay không?

Chính tâm trạng này khiến các mẹ bị đau bụng và dễ bị nhầm tưởng việc em bé sắp ra đời. Các mẹ bầu nên biết rằng, ngày dự kiến sinh nở chỉ mang tính tương đối chứ không phải tuyệt đối, việc chênh lệch ngày sinh với ngày dự kiến sinh có thể lên tới 10 ngày cũng là điều bình thường, vì thế các mẹ không nên quá lo lắng căng thẳng vì tâm trạng căng thẳng lo lắng có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của cả mẹ và bé.

Nhưng nếu quá ngày dự kiến sinh quá lâu mà vẫn không thấy có dấu hiệu chuyển dạ thì các mẹ bầu nên tới bác sĩ chuyên khoa sản để khám xét tìm ra nguyên nhân của việc này.

Những việc bà bầu tuyệt đối không được làm trước ngày cận sinh

Không cẩn thận

Không chỉ cần giữ gìn vào 3 tháng đầu, thậm chí đến cuối thai kỳ bạn vẫn có thể bị hư thai nếu không cẩn thận hoặc làm việc quá sức, đặc biệt là khi bạn lao động chân tay, điều này rất dễ xảy ra tai nạn ngoài ý muốn.

Một số ít bà bầu đã gần đến ngày dự kiến sinh vẫn còn rất thích đi đây đó mà không hiểu rằng sự căng thẳng và những va chạm giao thông có thể đe dọa đến cuộc sống của mẹ và bé. Bạn hãy tranh thủ đi chơi xa vào khoảng thời gian trong 3 tháng giữa thì tốt hơn.

Vội vàng

Nhiều mẹ bầu chưa đến ngày sinh nhưng luôn có cảm giác nôn nóng và mong ngóng em bé ra đời. Đây là một điều hoàn toàn bình thường bởi 9 tháng mang thai đâu phải là khoảng thời gian ngắn.

Tuy nhiên, mẹ đừng dùng các biện pháp để sinh con trước ngày dự sinh như: dùng thuốc kích thích sinh sớm, sinh con bằng phương pháp mổ …. Những biện pháp này vô tình sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và chính em bé sau khi ra đời.

Chủ quan

Nhiều mẹ bầu đến sát ngày sinh rồi vẫn chủ quan và chưa chuẩn bị được gì cho em bé chuẩn bị chào đời gây ra những thiếu sót ngoài ý muốn.

Bên cạnh đó cũng không ít mẹ bầu “tham công tiếc việc” đi làm đến tận ngày gần sinh mới chịu nghỉ hoặc đi tàu xe đường dài gây ra sự mệt mỏi cho cơ thể khiến quá trình sinh con khó khăn hơn.

Do đó, trước ngày dự sinh, bạn nên nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, tạm gác lại công việc tại cơ quan, từ bỏ những chuyến đi xa để tập trung hoàn toàn cho việc sinh con ra an toàn và khỏe mạnh.

Làm việc nặng, vận động quá sức

Càng đến ngày sinh, cơ thể người mẹ càng nặng nề, lúc này em bé đã tụt hẳn xuống bụng dưới khiến cho việc đi lại, vận động trở nên khó khăn hơn.

Ở giai đoạn này, chị em tránh làm việc nặng, vận động quá sức, vì có thể xảy ra những tai nạn ngoài ý muốn, ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và thai nhi, gây khó khăn cho việc sinh sau này.

Lười vận động

Gần đến ngày sinh con, mẹ cần phải vận động nhẹ nhàng đừng vì lo lắng thái quá mà chỉ nằm im một chỗ, “treo chân” tại giường. Các chuyên gia khoa sản cho rằng, việc mẹ bầu lười biếng, ít hoạt động sẽ có thể gặp khó khăn nhiều hơn trong quá trình sinh nở. Vì vậy nếu mẹ có sức khỏe thai kỳ bình thường nên vận động nhẹ nhàng cho đến ngày sinh con.

Quan hệ vợ chồng

Quan hệ vợ chồng tháng cuối của thai kỳ tuy không cấm nhưng không được khuyến khích và cần có các tư thế phù hợp. Vì sự kích thích quá đà khiến cho tử cung co bóp mạnh và gây ra sinh non.

Không quan tâm tới sức khỏe

Có những bà bầu nghĩ rằng sắp tới ngày sinh nở nên không cần phải quá chú tâm tới việc ăn uống sinh hoạt, có khi ăn uống ít đi để giảm cân sau sinh con sẽ giữ được dáng đẹp như xưa, nhưng điều đó thật sai lầm.

Nếu như bạn ăn uống không đủ chất, ngủ không đủ giấc thì sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của bé, thậm chí cả khi sinh cũng trở nên khó khăn hơn. Vì thế bạn cần luôn chú ý đến chế độ dinh dưỡng, thường xuyên ăn thêm những bữa phụ, uống thêm nhiều nước, ngủ đủ giấc để có đủ năng lượng hoàn thành nghĩa vụ của một người mẹ.