Thức khuya
Những người thức khuya sẽ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn những người đi ngủ sớm, ngay cả khi đã ngủ đủ 7-8 giờ/ngày. Đây là kết quả từ công trình nghiên cứu do các nhà khoa học Hàn Quốc công bố.
Người ngủ muộn sẽ có chất lượng ngủ thấp hơn, phá vỡ sự trao đổi chất và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Hơn nữa, khi thức khuya, nhiều người thường tìm đến những thói quen không tốt cho sức khỏe như: hút thuốc, không tập thể dục, ăn muộn... làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Thêm vào đó, xu hướng tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo như: TV, màn hình điện thoại... có thể làm giảm độ nhạy cảm insulin và điều chỉnh lượng đường trong máu.
Bỏ bữa sáng
Bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày đặc biệt đối với lượng đường trong máu. Bỏ bữa sáng làm gián đoạn các chức năng của insulin, khiến lượng đường trong máu thất thường. Nó cũng có thể gây ra sự suy giảm chức năng của tế bào beta - cần để biến glucose thành năng lượng. Một nghiên cứu cho thấy, bỏ bữa sáng 4 - 5 ngày/tuần sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường lên 55%.
Lười vận động
Khoa học chứng minh rằng thói quen lười vận động sẽ khiến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 gia tăng. Khi cơ thể được cung cấp quá nhiều dinh dưỡng mà không vận động, đốt cháy dinh dưỡng, tác động tới tuyến tụy và gây áp lực, ép tuyến tụy phải sản xuất insulin trong một thời gian dài sẽ khiến tuyến tụy suy yếu và mất dần khả năng sản xuất insulin, gây nên bệnh tiểu đường.
Những hệ lụy nguy hiểm từ việc lười biếng, ít vận động sẽ làm gia tăng stress. Làm chậm quá trình trao đổi chất, gây huyết áp cao và tăng nguy cơ béo phì,… Tất cả đều là các yếu tố hàng đầu khiến bệnh tiểu đường ngày càng trầm trọng hơn và xuất hiện những biến chứng tiểu đường khó kiểm soát.
Hút thuốc lá
Hút thuốc lá là một thói quen xấu. Người hít phải khói thuốc lá có nguy cơ cao bị tiểu đường. Chất nicotine có trong thuốc lá sẽ làm tăng nồng độ hemoglobin A1C, làm tăng khả năng kháng insulin, làm mất kiểm soát lượng đường huyết trong máu.
Uống nhiều rượu
Những người thường xuyên uống rượu có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao hơn người không uống. Trong những cuộc nhậu nhẹt lượng thức ăn chúng ta nạp vào cơ thể sẽ chuyển ngay sang chất béo dự trữ. Nếu tình trạng này kéo dài thường xuyên sẽ khiến bạn bị bệnh tiểu đường.
Không ăn rau, quả
Nhiều loại rau trong chế độ ăn uống của bạn giúp kiểm soát lượng đường trong máu và giảm cân, đặc biệt là bí, cà chua và bông cải xanh. Bạn nên bổ sung rau vào các bữa ăn hàng ngày, điều này không chỉ giúp bạn ngăn ngừa tiểu đường mà còn phòng chống các bệnh nguy hiểm khác. Khi ăn rau nhiều cơ thể sẽ nhận được lượng chất xơ cần thiết để cảm thấy no và nó không gây tăng lượng đường trong máu của bạn.
Ngoài rau, thì có rất nhiều trái cây cũng giúp tăng cường sức khỏe như dâu tây, táo, kiwi,… chứa nhiều chất chống oxy hóa chống lại bệnh tật. Mặt khác, theo nhiều nghiên cứu ăn trái cây tươi còn giúp bạn giảm huyết áp, giảm viêm nhiễm, đồng thời ngăn ngừa bệnh tiểu đường đặc biệt là tiểu đường tuýp 2.
Uống ít nước
Uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày có rất nhiều lợi ích. Một trong số đó là bạn cắt giảm nguy cơ mắc bệnh đường huyết cao. Việc uống ít nhất 8 cốc nước mỗi ngày sẽ giúp bạn giảm được 21% nguy cơ tăng đường huyết. Nước rất quan trọng đối với các chức năng của gan và thận để thải các chất độc ra ngoài. Nếu cơ thể bạn không được cung cấp đủ nước, nó sẽ không thể hoạt động tốt. Kết quả là lượng đường trong máu của bạn có thể tăng lên.
Dùng đồ nhựa để hâm nóng thức ăn
Các chuyên gia tại trung tâm Y tế Langone của Đại học New York cho biết, những hộp nhựa dùng để đựng và hâm nóng thức ăn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Những hộp nhựa này có chứa một số hóa chất có thể ảnh hưởng đến việc kháng insulin.
Uống nước ngọt có gas
Các loại nước có gas thường chứa hàm lượng đường cao. Nếu sử dụng thường xuyên sẽ không tốt cho sức khỏe. Thay vì uống nước có gas, bạn nên uống nhiều nước lọc để thúc đẩy quá trình lọc máu, ngăn chặn nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Ăn nhiều muối
Tiêu thụ nhiều natri khiến cơ thể bị tích nước, làm tăng huyết áp. Chúng gây áp lực lên thành động mạnh khiến mạch dày hơn, làm tăng nguy cơ vỡ hoặc tắc nghẽn. Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ cũng lưu ý rằng huyết áp cao có liên quan đến nguy cơ gia tăng khả năng mắc bệnh tiểu đường.