65 năm đã trôi qua kể từ ngày diễn ra hội nghị Chính phủ và các đoàn thể chính trị tại xã Phú Minh, huyện Ðại Từ, tỉnh Thái nguyên quyết định lấy ngày 27/7 làm ngày Thương binh toàn quốc. Kể từ thời điểm đó, cứ đến ngày 27/7 hàng năm, toàn thể nhân dân Việt Nam đều dành tình cảm thiêng liêng nhất cho những người con đã hi sinh hoặc để lại một phần xương máu vì độc lập dân tộc.
Nhân dịp này, chúng tôi xin mời bạn đọc cùng xem lại những bức ảnh xúc động nhất về một thế hệ anh hùng của dân tộc.
Tháng 5 năm 1954, Điện Biên Phủ vốn là một bản quê hẻo lánh ở vùng núi rừng Tây Bắc Việt Nam bỗng trở thành một địa danh “lừng lẫy năm châu”. Với nhân dân ta, chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những trang chói lọi nhất trong lịch sử chống ngoại xâm. Trong bức ảnh là khoảnh khắc vô cùng xúc động, trước khi bước vào trận đánh lớn, những người lính cụ Hồ đã đọc cho nhau nghe bức thư được gửi từ quê nhà.
Đây là bức ảnh Nụ cười chiến thắng dưới chân Thành cổ Quảng Trị được cựu phóng viên chiến trường chụp năm 1972. Trong bức ảnh là nhân vật trẻ tuổi, đẹp trai tên Lê Xuân Chinh (ảnh đăng vào đúng ngày lễ 2/9 năm 1972 trên báo Nhân Dân) khi cuộc chiến 80 ngày đêm tại Thành cổ Quảng Trị vẫn đang tiếp diễn ác liệt – đêm 16/9 quân ta mới rút khỏi địa danh này. Bức ảnh đã tồn tại hơn 40 năm nhưng cho đến tận bây giờ, đây vẫn là một trong những bức ảnh gây xúc động mạnh về người lính cụ Hồ.
Bức ảnh Nụ cười hào sảng trên sông Thạch Hãn đã gắn với một câu chuyện ly kỳ về cuộc hành trình đi tìm nhân vật trong bức ảnh suốt 35 năm của một nhà báo chiến trường. Tác phẩm ghi lại khỏanh khắc Cha con ông già ngư dân Quảng Trị không quản ngày đêm đưa bộ đội vào thành cổ chiến đấu năm 1972 của Đoàn Công Tính. Khi nhìn lại bức ảnh, cô du kích 18 tuổi năm nào nay đã có cháu nội, cháu ngoại đã không khỏi xúc động được gặp lại chính mình trong bức ảnh trưng bày tại bảo tàng.
Trong ảnh là những bức thư thiêng ở Thành cổ Quảng Trị. Sau mấy chục năm, dưới sâu trong lòng đất người dân vẫn thường tìm được hiện vật này của những người lính chưa kịp gửi về gia đình trước ngày bước vào trận đánh cuối cùng. Rất nhiều người đã xúc động khi đọc những dòng thư: “Ngày thống nhất, em hãy vào Nam tìm anh. Đường đi như sau: Đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh hy sinh... Nếu tính xuôi theo dòng nước thì mộ anh ở cuối làng”.
Hơn 20 năm, không biết bao lần trèo đèo, vượt suối, lắm phen thất lạc giữa rừng, ông Nguyễn Đình Tham (trú quận Thanh Khê, Đà Nẵng) - cựu chiến binh đơn vị đặc công 489 chuyên trách Hậu cứ Đà Nẵng - đã lặn lội đi khắp chiến trường Quảng - Đà xưa, tìm được hơn 300 hài cốt đồng đội. Trong ảnh là ông Tham (thứ 2, từ trái sang) trong một lần đi tìm kiếm hài cốt của đồng đội.
Ngày 7/10/2010, 1.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động tham gia chương trình "1.000 Anh hùng thời đại Hồ Chí Minh về dự Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội" đã đến Phú Thọ và dâng hương các vua Hùng. Trước đó, đoàn đã khởi hành từ Đồng Tháp ngày 27/9 và đã có cuộc hành trình xuyên Việt về nguồn. Đây là một sự kiện giáo dục truyền thống đầy ý nghĩa.
Đúng 10h sáng ngày 3/4/2012, cựu binh Úc Laurens Wildeboer - người lưu giữ cuốn sổ ghi chép và khăn quàng của liệt sĩ Phan Văn Ban (tên khác là Phan Thành Nhơn và Phan Thanh Hưng, quê ở ấp 2, xã Long An, Long Thành, Đồng Nai) - đã trao những kỷ vật đó cho người thân liệt sĩ. Những kỷ vật ấy đã được ông gìn giữ suốt 40 năm qua. Câu chuyện suốt một thời gian dài đã gây xúc động cho những người dân quê hương liệt sĩ Phan Văn Ban. Trong giấy phút nghẹn ngào, cảm động, người thân liệt sĩ Ban cũng bày tỏ lời cảm ơn tới nghĩa cử đẹp của người cựu binh Úc. “Thật xúc động khi chiến tranh qua đi đã lâu mà các ông vẫn giữ lại những gì của con trai tôi. Tất cả đã là quá khứ nhưng tình cảm giữa con người thì mãi vẫn còn” - mẹ liệt sĩ Ban xúc động.
Bức ảnh lịch sử về Đại tướng Võ Nguyên Giáp đứng trên nóc hầm của tướng De Castries, nhớ về những chiến công hào hùng của chiến dịch Điện Biên Phủ hơn 50 năm trước.
(Nguồn ảnh: Ảnh tư liệu, Internet)