Cho đến nay, cựu phó tổng thống chính quyền Sài Gòn Nguyễn Cao Kỳ vẫn khiến thế hệ sau giật mình khi nghe ông chơi trội... lái máy bay tán tỉnh, cầu hôn người đẹp; còn công tử Bạc Liêu sẵn sàng đốt tiền nấu chè... nhằm "ra oai" với mỹ nhân.
Ông Nguyễn Cao Kỳ trở về quê hương lần đầu sau gần 30 năm chiến tranh kết thúc, vào năm 2004.
Ông Nguyễn Cao Kỳ qua đời lúc 1h sáng ngày 23/7/2011 tại một bệnh viện ở Kuala Lumpur (Malaysia), thọ 81 tuổi.
Ông Nguyễn Cao Kỳ sinh năm 1930; là chính khách của chính quyền Sài Gòn và từng giữ chức vụ thủ tướng, phó tổng thống. Ông có 3 người vợ và 6 người con. Vợ thứ nhất là một phụ nữ Pháp, ông lấy trong thời gian được huấn luyện phi công ở Bắc Phi. Vợ thứ hai là bà Đặng Tuyết Mai, cưới năm 1963. Và vợ thứ ba là bà Lê Kim.
Về giai thoại "tình trường" của ông Kỳ, có lẽ ấn tượng nhất là với bà Đặng Tuyết Mai. Lúc đó, cựu phó tổng thống chính quyền Sài Gòn đã trải qua một đời vợ người Pháp, có 5 người con riêng, nhưng hoa khôi Đặng Tuyết Mai vẫn bị ông "đốn ngã".
Nhắc lại chuyện tình xưa (bà Mai và ông Kỳ sau đó đã ly dị), bà Đặng Tuyết Mai thổ lộ: “Đến nay, tình xưa đã tắt nhưng tôi vẫn còn nhớ anh Kỳ có đôi mắt rất đàn ông. Người đàn bà nào nhìn vào cũng sụm chân run rẩy. Tôi cũng từng ngụp lặn trong ánh mắt ấy. Ở anh Kỳ có nét phong trần, phóng khoáng, ngang tàng nhưng đầy nghệ sĩ”.
Theo bà Tuyết Mai, hồi đó, bà là một trong 4 tiếp viên đầu tiên của hãng Air Vietnam. Bà gặp Cao Kỳ trên chuyến bay định mệnh từ Manila về Việt Nam. Nguyện vọng đầu tiên của bà là nhờ ông can thiệp để cấp dưới của ông không quấy rối, vì người này đang theo đuổi bà khá cuồng nhiệt. Do cự tuyệt nên bà đã gặp khá nhiều rắc rối từ người đàn ông này… Và sau lần gặp gỡ đó, Tướng Kỳ mời Tuyết Mai đến dự một buổi dạ vũ.
“Có một vài lần đi bay, anh Kỳ lấy F5 hay là 116 hay gì đó tôi cũng không rành… Anh ấy một bên, đại tá Lưu Kim Cương một bên, hai bên bay sát cánh máy bay. Đuôi nối đuôi. Tôi bận làm việc nên không để ý, nhưng một phi công đã gọi tôi lên và bảo: Cô Mai nhìn bên tay phải đó là Thiếu tướng, bên này là anh Lưu Kim Cương. Tôi nhìn qua phía này, anh ấy biểu diễn, quay quay quay, ba vòng. Bên này, ông Lưu Kim Cương lại quay quay quay quay, bốn vòng... Cứ thế, hai ông đua, ganh nhau mà biểu diễn, bay máy bay lật lại. Đương nhiên, hành khách đã nhìn thấy, đổ xô ào sang bên này, xong rồi lại chạy sang bên kia để xem…”, bà Mai kể.
Tuy nhiên, điều khó quên nhất vẫn là chuyện “rước nàng về dinh” làm tốn bao giấy mực của báo giới thời đó: ông Nguyễn Cao Kỳ chơi trội tới mức dùng máy bay trực thăng riêng đậu trên sân thượng khách sạn Carvelle để tỏ tình, cầu hôn cô tiếp viên hàng không Đặng Tuyết Mai, rồi đưa bà đi ăn tối ở Singapore, ăn sáng ở Đà Lạt.
Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy
Không kém cạnh "nghệ sĩ giang hồ, mãnh tướng trên bầu trời" Nguyễn Cao Kỳ, đất Nam Kỳ còn có nhiều "tay chơi" ngất trời khác. Và chuyện rằng, vào thời đó, sắc đẹp "khuynh nước khuynh thành" của cô Ba Trà (Trần Ngọc Trà) đã gây ra cuộc đối đầu của hai "tay chơi" nổi tiếng là Bạch công tử (tức Lê Công Phước hay còn gọi là George Phước), con trai của đốc phủ Lê Công Sủng, tỉnh Mỹ Tho và Hắc công tử (tức công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy).
Để giành cảm tình của người đẹp, không cần cô Ba Trà mở lời, hễ Bạch công tử nghe nói Hắc công tử tặng cô Ba Trà món đồ gì quý, ông hỏi giá và tìm mua cho kỳ được món quà đắt hơn để tặng. Đến lượt Hắc công tử cũng làm tương tự, vì vậy cô Ba Trà sở hữu không biết bao nhiêu quà tặng quý giá của hai ông, từ túi xánh tay, quần áo hàng hiệu, dây chuyền, nhẫn hột xoàn, nhà cửa, xe cộ…
Một bữa, Georges Phước lái một chiếc xe bốn bánh thuộc loại lộng lẫy đương thời đến rước Trà xuống Cần Thơ đổi gió. Khi hai người vào khách sạn Bungalow, Georges Phước lột chiếc nhẫn kim cương trị giá hơn 3.000 đồng (thời đó vàng chỉ 60 đồng một lượng) đặt lên bàn để vào phòng tắm. Khi bước ra thấy Yvette Trà đang lấy chiếc nhẫn của mình đeo thử vào tay ngắm nghía, Georges Phước liền buột miệng nói chiếc nhẫn coi vừa ngón tay Trà quá, vậy Trà đeo luôn đi. Chỉ trong nháy mắt, chiếc nhẫn kim cương "nặng ký" kia đổi chủ nằm ôm ngón tay thon đẹp của cô Ba Trà.
Biết chuyện, công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy, cũng đang theo đuổi Yvette Trà, liền đến gặp và tặng cô một chiếc nhẫn khác trị giá gấp đôi chiếc nhẫn của Georges Phước.
Ngoài ra, trong việc “giành gái”, có giai thoại được nhắc đến nhiều nhất là cuộc thi đốt tiền, không phải 1 lần, mà đến 2 lần. Bạch công tử là người bị động, không tham gia, chính Hắc công tử đã chứng tỏ là người "sành đời", đã tung độc chiêu hạ gục đối thủ. Cụ thể, nội dung thách đấu là mỗi người dùng giấy bạc, đốt từng tờ nấu nồi chè 1kg đậu xanh, ai nấu nồi chè sôi trước người ấy thắng. Địa điểm được tổ chức là trước sảnh nhà của Hắc công tử và người làm chứng là cô Ba Trà.
Lửa của tiền giấy rất kém nhiệt, chỉ cháy nhỏ, vì thế nấu chè rất lâu trong sự căng thẳng của nhiều người chứng kiến. Cuối cùng, nồi chè của Bạch công tử sôi trước, Công tử Bạc Liêu đành thua cuộc nhưng ông tuyên bố là đã thua trong danh dự…
Thời đó, theo tính toán của nhiều người, để nấu sôi được nồi chè có 1kg đậu xanh, trong thời gian gần 1 giờ, mỗi công tử đã đốt gần 100 tờ giấy bạc. Nếu Hắc công tử đã đốt toàn giấy 50 đồng trở lên, thì chí ít ông cũng phải đốt 5 ngàn đồng Đông Dương, số tiền có thể mua được 3 ngàn tạ lúa lúc đó, tương đương với khoảng 300 triệu đồng hiện nay.
Như vậy, so với đám cưới của thiếu gia Hà Tĩnh khoe với thiên hạ khối tiền "khủng", bị đồn đoán lên tới 50 tỷ đồng, có sự tham gia của dàn sao Việt đình đám như: Đàm Vĩnh Hưng, Phi Nhung...; hay đám cưới siêu xe của con trai bà Diệu Hiền diễu hành phố phường, khiến người dân "mắt tròn mắt dẹt", thì độ chơi ngông, độc của ông Nguyễn Cao Kỳ và Hắc - Bạch công tử ai hơn ai?