Những nơi sẽ xuất hiện sóng thần như Nhật Bản

Liệu tấn thảm kịch như Nhật Bản cách đây 1 năm có tái diễn ở nơi nào đó trên Trái Đất? Trong thực tế, các chuyên gia cho biết, có ít nhất 6 địa điểm trên thế giới đang đứng trước nguy cơ trở thành Nhật Bản tiếp theo.

Một năm trước, vào ngày 11/3/2011, một trận động đất mạnh hơn 9 độ richter kèm theo sóng thần dâng cao hàng chục mét ở Nhật Bản đã cướp đi sinh mạng của khoảng 20.000 người dân Kisenuma và một số thành phố khác. Đó chắc chắn sẽ là ngày kinh hoàng không thể nào quên trong lịch sử Nhật Bản.

1. Khu vực tây bắc của lục địa Bắc Mỹ

Khi nói đến sóng thần, nơi tiềm ẩn nguy cơ cao nhất ở Bắc Mỹ chính là vùng lún Cascadia, khu vực trải dài từ Bắc California đến Canada. Đới hút chìm ở Cascadia tương tự khu vực Tohoku của Nhật Bản.

Các nhà địa chất tin rằng, cứ vài trăm năm, nơi đây sẽ lại xảy ra một trận động đất lớn, bằng hoặc thậm chí mạnh hơn sức tàn phá của trận động đất tại Nhật Bản ngày 11/3/2011. Theo phân tích vòng tăng trưởng ở những cây bị chết do động đất, cơn địa chấn gần đây nhất xảy ra trong khu vực này vào năm 1700.

Ước tính có khoảng 100.000 người sẽ gặp nguy hiểm nếu động đất xuất hiện tại đây.

 

Sóng thần cuốn phăng nhà cửa...(Ảnh theo theage)

2. Phía đông Địa Trung Hải

Vùng lún ít được biết đến nhất trên thế giới là khu vực hình vòng cung có tên “Hellenic arc”, phần chạy qua phía đông Địa Trung Hải, phía nam của Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Đây là nơi có nguy cơ rất cao của động đất và sóng thần, đặc biệt là đảo Síp và Lemesos (một thành phố cảng ở miền nam đảo Síp).

Trung bình, vùng Địa Trung Hải thường xảy ra một hoặc hai đợt sóng thần trong mỗi thế kỷ và lịch sử rất dễ lặp lại ở những thời gian tiếp theo.

Trong 2.000 năm qua, khu vực phía đông Địa Trung Hải đã từng xuất hiện hai cơn địa chấn cực kỳ mạnh vào năm 365 sau Công nguyên và năm 1303 với cường độ ước tính vượt quá 8.5 độ richter. Trước đó, một cơn sóng thần cũng từng tàn phá thành phố Alexandria thời Ai Cập cổ đại, Emile Okal, giáo sư địa chất của Đại học Northwestern (Mỹ) cung cấp thêm.

Dọc bờ biển Địa Trung Hải là nơi sinh sống của nhiều người, chưa kể hàng triệu khách du lịch mỗi năm vào mùa hè. Trong khi đó, nơi đây lại không có trung tâm cảnh báo sóng thần mà nhận thức người dân cũng còn hạn chế. Điều này tiềm ẩn những hậu quả khôn lường.

3. Peru

Peru cũng là một khu vực đới hút chìm khác trên thế giới với không ít trận động đất lớn đã được lịch sử ghi lại. Trong số đó, thành phố Lima là ví dụ điển hình.

Kể từ năm 1543, Lima từng bị phá hủy ba lần bởi một trận động đất lớn với các đợt sóng thần. “Ngày nay, tuy Lima đã xây dựng được một hệ thống cơ sở hạ tầng khá tốt nhưng nó vẫn nằm trong top những thành phố trên thế giới có nguy cơ động đất và sóng thần cao nhất”, Okal nói

...hàng loạt các phương tiện ngập trong biển nước. (Ảnh theo theage)

4. Vùng Caribbean

Ở một số nơi bao gồm cả vùng biển Caribbean, sóng thần có thể được kích hoạt bởi các trận động đất nhỏ, đặc biệt là khi nó gây ra những vụ lở đất dưới đáy biển.

Nhà địa vật lý Matthew Hornbach đã phát hiện ra rằng, trong năm 2010, trận động đất cường độ 7.0 ở Haiti đủ lớn để tạo ra những đợt sóng cao 3 mét. Vào năm 1876, quần đảo US Virgin cũng từng phải hứng chịu cơn địa chấn mạnh 7,5 độ richter kèm sóng thần.

Vậy nhưng, “Caribbean lại là khu vực quan trọng thường bị bỏ qua khi nghiên cứu về động đất. Caribbean là cái bẫy sóng thần, chỉ cần một trận động đất 7 độ richter cũng đủ gây nên thảm họa”, các nhà khoa học cảnh báo. Khu vực này luôn tiềm ẩn những rủi ro lớn đối với hàng ngàn hành khách và phi hành đoàn trên các con tàu du lịch.

5. Thổ Nhĩ Kỳ

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, vùng đất phía bắc Anatolia cũng là địa điểm có nguy cơ cao. Kể từ năm 1939, nó đã dần bị nứt gãy từng phần, bắt đầu từ phía đông. Đây là nguyên nhân gây ra các trận động đất chính trong nhiều năm gần đây.

Sau trận động đất Erzincan năm 1939, nơi đây từng xuất hiện khoảng 7 trận có cường độ trên 7.0, chúng đã xảy ra ở một điểm xa về phía tây. Năm 1999, cơn địa chấn mạnh 7,4 độ richter ở Izmit (tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ) đã giết chết khoảng 17.000 người. Nó cũng tạo ra đợt sóng thần nhỏ ở biển Marmara, khu vực nằm giữa Biển Đen và Aegean.

Indonesia là một trong những điểm đến quen thuộc của các trận động đất dữ dội. Tháng 12/2004, cơn sóng thần khổng lồ ở Ấn Độ Dương đã giết chết hơn 200.000 người, vài tháng sau lại xuất hiện cơn địa chấn 8,7 độ richter tại eo biển Sunda.

Khu vực đảo Sumatra, vùng ngoài khơi thành phố Padang vẫn tiếp tục nhận được rất nhiều cảnh báo về nguy cơ xảy ra động đất, sóng thần mạnh.