Những món bún đậu mê hoặc thực khách Sài Gòn

Biến tấu lạ nhất là sự kết hợp cái thanh, mát, dịu nhẹ của món thuần Bắc với những cuốn chả giò được chế biến theo công thức đặc biệt thơm lừng, béo ngậy.

Một năm gần đây, khi du nhập vào làng ẩm thực phương Nam, món này ăn mùa nào cũng ngon, cũng hợp nhanh chóng trở thành trào lưu ẩm thực "công phá" thực khách mọi lứa tuổi.

Bún đậu mắm tôm không cầu kỳ trong khâu nguyên liệu với dăm miếng bún lá xinh xinh, đĩa đậu hũ chiên vàng, kèm theo bát mắm tôm pha chanh, ớt và ăn kèm các loại rau thơm như tía tô, húng quế, xà lách... hay đòi hỏi cao về khâu chế biến nhưng có một sức hút kỳ lạ.. Bằng chứng là chỉ sau một thời gian ngắn đã có rất nhiều hàng quán lớn nhỏ khắp các quận huyện mọc lên.

Như một quy tắc tất yếu của ẩm thực, các món đặc sản khi đến vùng đất mới đều làm mới mình về nguyên liệu, thành phần hay gia vị để phù hợp với khẩu vị của người dân nơi ấy.. Bún đậu mắm tôm cũng không lạ. Dễ nhận biết nhất là vị ngọt trong chén mắm tôm. Cao hơn là từng hàng lại gia giảm, thêm bớt nguyên liệu ăn kèm khiến trào lưu này càng sôi động và náo nhiệt hơn.

Bún tá lả

Ngoài mục đích đặt tên oách cho sản phẩm của mình thì thành phần lạ nhất của bún tá lả là chả rươi, một nguyên liệu được chủ quán tự hào là nhập rươi tươi về và chế biến tại chỗ.

Bún tá lả có nhiều điểm cộng. Đầu tiên tất cả nguyên vật liệu chính và phụ đều được bài trí khá bắt mắt trong một chiếc mâm tre nhỏ với lượng vừa đủ cho một người dùng. Tiếp theo là chả rươi ngon đúng vị, cuối cùng là phần lòng và thịt ghi điểm với với những lát gừng mỏng, thơm lừng, hứa hẹn ngon miệng.

Ngoài bún tá lả, đến quán, bạn còn được thưởng thức các món nước thuần Bắc hay chè khúc bạch với hoa lài đắng nhẹ, thơm dịu.

Địa chỉ: Quán Lâm Bô, 146B Nguyễn Đình Chính, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM.

Bún đậu chả giò

Nếu bún tá lả "thêm thắt" một trong những đặc sản của miền Bắc cho một món ăn Bắc, thì sư xuất hiện của những khối chả giò vàng ươm, tươm mỡ được chế biến đặc biệt trong mâm bún đậu của quán Ngõ phố cổ khiến món ăn trở nên lạ lẫm hơn rất nhiều về bố cục và hương vị.

Chia sẻ về điểm nhấn khác lạ này của món ăn, chủ quán cho biết: “Trong một lần vô tình kết hợp giữa bún đậu và chả giò do hết phụ liệu, tôi phát hiện sự hài hòa đến bất ngờ của hai món ăn này. Để khẳng định lại cảm nhận của mình, tôi mời những người bạn thân vốn cũng thích bún đậu và cũng khá sành ăn thẩm định lại. Ai cũng gật gù khen ngon và khuyên tôi đưa vào thực đơn. Sau rất nhiều ngày đắn đo suy nghĩ, tôi mới quyết định làm mới món ăn của mình. Lúc đầu thực khách cũng thấy lạ, sau đâm ghiền nên khi thưởng thức thường kêu thêm đĩa chả giò riêng ăn cho đã miệng”.

Địa chỉ: Ngõ Phố Cổ, 100/7 Nguyễn Công Trứ, Q. 1, TP. HCM.

Bún đậu thập cẩm

Bún đậu thập cẩm có sự khác nhau giữa nguyên liệu ở các quán. Có quán dùng giò bắp...

... Có quán dùng thịt ba chỉ

... Quán dùng thịt đùi

... Quán lại thêm nem và lòng heo luộc.

Bún đậu thập cẩm là hình ảnh quen thuộc của món bún đậu mắm tôm hiện nay tại tất cả các quán bún đậu của Sài thành. Gọi là thập cẩm bởi ngoài bún, đậu, mắm tôm, rau thơm, phần ăn sẽ “bao thầu” thêm đĩa thịt luộc xắt mỏng, lòng heo trắng phau, chả cốm vàng ươm. Để cạnh tranh, mỗi quán thường có một điểm nhấn riêng cho món ăn của mình. Điểm sơ một số quán bún đậu được đánh giá ngon nhất Sài Gòn ta sẽ dễ dàng nhận thấy. Cụ thể Bún đậu Homemade, điểm nhấn là đậu được làm bằng tay, tại chỗ; Bún đậu A Vừng là mắm tôm theo khẩu vị Nam bộ với giấm và rượu; Anh Em Quán là những miếng đậu vàng giòn lớp vỏ bên ngoài, mềm và béo ngậy phần đậu hũ trắng cùng hương thơm thanh nhẹ của đậu nành; Mẹt là món chả cốm ăn kèm, vừa béo ngậy, thơm mùi cốm.

Một phần bún đậu mắm tôm thập cẩm như thế thường có giá từ 70.000 – 100.000 đồng.

Bún đậu Homemade – Số 6 Hồng Hà, phường 2, quận Tân Bình; Bún đậu A Vừng, 53 Lương Hữu Khánh, P. Phạm Ngũ Lão, Quận 1;3. Anh em quán, 220/50A/47C Xô Viết Nghệ Tĩnh, Q. Bình Thạnh; Mẹt, PP 14A Đồng Nai, Cư xá Bắc Hải, P.15, Quận 10; 72 Quán, 72 Lý Tự Trọng, Q.1; Ngõ nhỏ phố nhỏ, 156C Pasteur, P. Bến Nghé, Q. 1, TP. HCM.