Những chuyện “độc nhất vô nhị” trong lịch sử trại giam Việt Nam
Thứ tư, 26/06/2013 10:04

Phạm nhân, họ vốn dĩ là những đứa con buốt xót, gai ngạnh của bà mẹ cuộc đời. Dù muốn dù không, họ cũng đã hiện diện trên thế gian này.

Bà Nguyễn Thị Ốc, “phạm nhân bất đắc dĩ” ở Trại giam số 5

Bà Nguyễn Thị Ốc, “phạm nhân bất đắc dĩ” ở Trại giam số 5

Điều quan trọng là chúng ta cũng có ít nhiều những khoảng cách vô hình đối với họ. Nhưng suy cho cùng, ở mỗi thân phận con người, khi lầm lỡ, khi đứng giữa mất còn quá mong manh, người ta đều cần một nơi an lành và sáng trong để trở về, để rũ bỏ quá khứ làm lại cuộc đời.

Từ người đàn ông “ nghiện”… đi tù

Tôi đã từng có dịp đến một số trại giam của Bộ Công an, đã từng phải nghe, viết về quá nhiều nỗi đau từ hành vi, tội ác mà “thế giới người tù” đã gây nên. Mỗi lần như thế, tôi lại chợt nghĩ rằng, phải có cách gì để giảm bớt những nỗi đau, làm sao để những người trẻ, thậm chí là rất trẻ thôi lao vào tội ác để rồi khoác lên mình chiếc áo sọc phạm nhân? Và điều quan trọng nữa là phải ngăn chặn thế nào để tội ác đó, nỗi đau đó không kéo dài, lặp lại?

Bởi, trong hàng ngàn, hàng vạn phạm nhân đang thụ án ở các trại giam trên khắp đất nước ta, không ít người đã từng phạm tội nhiều lần. Mặc dù mấy năm gần đây, nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các trại giam đều nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sỹ cũng như toàn thể phạm nhân. Phần lớn các trại đều có những tổ đội, sản xuất, dạy nghề để vừa tăng thu nhập, vừa tạo lập cho phạm nhân một nghề ổn định để sau này ra đời lập nghiệp. Thế nhưng, đâu đó trong những dáng áo sọc mà tôi từng gặp, có không ít phạm nhân mà câu chuyện “ở tù” của họ khiến nhiều người phải bật lên cay xót…

Ví như Phạm Văn Quyền (ở Diễn Châu, Nghệ An), một “cựu tù” của Trại giam số 3 – Bộ Công an. Mới ngoài 40 tuổi mà Quyền đã 7 lần “chạm” vành móng ngựa. Cả 7 lần đó, Quyền toàn “dính” án ăn cắp vặt. Và lần nào cũng vậy, Quyền đều khai vanh vách, khai tồng tộc trước cơ quan điều tra, khai trước tòa tất thảy nguồn cơn phạm tội của mình. Nó giống như cái kiểu: “Tôi phạm tội rành rành ra đấy, các vị cứ bỏ tù đi”! Đằng sau vẻ bề ngoài phớt đời ấy, đằng sau cái vâm vam, sức vóc của người đàn ông quê kiểng kia, người ta còn nhận ra một nỗi đau: Anh ta “nghiện”… đi tù!

Khi được hỏi, trong ngàn vạn con đường sống, cơn cớ gì mà cứ nhất định phải chọn con đường đi tới… nhà giam, Quyền đã “rút ruột” rằng, những lần đầu ra trại, anh cũng cố gắng tìm một công việc lương thiện để tu chí làm ăn. Ấy nhưng, với bản lý lịch “không mấy sáng sủa” của mình, anh chạy đôn đáo khắp nơi kiếm việc làm vẫn chẳng chỗ nào chịu nhận. Vốn liếng làm ăn không có, mảnh đất cắm dùi cũng không, sợ chết đói, thế là anh lại kiếm cớ đi tù. Bởi, chỉ ở tù anh ta mới có cơm ăn.

Các phạm nhân đều mong nhận được sự bao dung của gia đình và xã hội

Ngẫm cái chuyện Quyền đi ăn cắp mà lúc nào cũng tâm tâm niệm niệm, cố gắng bằng mọi giá… để bị bắt rồi “được” đi tù nó mới đớn đau, buốt xót làm sao. Vì đâu mà một người đàn ông sức vóc nhường kia cứ phải làm mỗi cái việc ôm máy bơm, con gà, con lợn nhà người ta rồi quầy quẫy ra giữa đường giữa chợ mà rao: Mua cho tôi đi, đây là đồ ăn trộm của nhà ông A, bà B ở thôn C, xã D đấy?!

Hỏi ra mới biết, nhà Quyền nổi tiếng… nghèo. Từ bố đẻ, ông nội đến cụ kị mấy đời nhà Quyền đều bám biển mưu sinh. Biển bạc đầu cho con người tôm cá, nhưng biển cũng dữ dằn lấy đi của gia đình Quyền đến gần một nửa số đàn ông. Đàn ông quê biển “hồn treo cột buồm”, thế nên mỗi lần ra tù, Quyền đều hướng mình về phía trùng khơi. Thế nhưng, mảnh chèo, nan thuyền không có, loay hoay mãi Quyền lại đành tìm cách trở lại trại giam. Câu chuyện về miếng cơm manh áo, về cuộc đời Quyền nó giống như một thước phim buồn không hồi kết…

Thế mới thấy được chuyện tái hòa nhập cộng đồng của “cựu tù” nó quan trọng nhường nào. Bởi đối với đa số phạm nhân như Phạm Văn Quyền, điều họ mong mỏi nhất sau khi bước chân ra khỏi trại giam đó là được sống trong một không gian có sự đổ bóng chan hòa của tình người, tình đồng loại, được tưới đẫm lòng nhân ái, đắp bù cho thân phận tủi hờn của họ. Điều đó nó không chỉ thể hiện tính nhân văn cao cả của cộng đồng xã hội, mà nó còn khiến những người một thời lầm lỗi có cơ hội làm lại cuộc đời. Đồng thời, xã hội vì thế cũng sẽ bớt đi những mầm mống tội ác sau này.

… Đến “lá đơn xin ở trại suốt đời”

Không có đủ bản lĩnh để “tái phạm” liên tục như Quyền, nhưng bà Nguyễn Thị Ốc ở Trại giam số 5 – Bộ Công an lại có cách lựa chọn hoàn toàn khác để được… ở tù. Khi nghe hết câu chuyện về cuộc đời bà Ốc, rất nhiều người phải bật lên thương cảm. Ngay cả tôi, người viết bài này, cũng không muốn tin trên đời lại có thân phận đớn đau đến vậy. Ông trời gần như lấy đi hết tất thảy những gì bà Ốc có, ngoài số kiếp làm người. Lần giở cuộc đời bà, từ nhỏ tới giờ là lớp lang những bi kịch mà quãng khúc nào cũng đầy ăm ắp. Con người ta, dù cả đời chỉ cần hứng chịu một trong những tấn bi kịch đó cũng đủ thê thiết, cơ khổ lắm rồi. Ấy vậy mà cuộc đời bà Ốc cứ lặng lẽ đón nhận hết trận cuồng phong này đến cơn giông tố khác tràn qua, như thể bi kịch, oan khiên nó cứ nhất định phải tìm đến bà để vận vào.

Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, không người thân, không tấc đất cắm dùi, hai anh em bà Ốc dắt díu nhau lang thang đầu đường xó chợ, đói rách rã rời. Ngoài cái tên cha mẹ đặt cho, bà Ốc tuyệt nhiên không nhớ được gì thêm về bản thân mình. Ngay cả nơi chôn nhau cắt rốn, bà cũng chỉ nhớ mang máng là “ở đâu đó trong tỉnh Hà Nam Ninh (cũ)”. Đến giờ, khi nhắc nhớ về “tuổi thơ dữ dội” của mình, bà chả nói được gì nhiều.

Có chăng cũng chỉ là những ký ức nhập nhòa kiểu như: “Đận đó nhà cháu đói lắm, sâu còn chả có mà ăn”, hay: “Đêm cháu ngủ ngoài gốc đa, rét đắp bằng lá chuối. Nửa đêm, gió thổi lá bay…!”.

Một lần, vì đói quá nên bà Ốc đã phải đi ăn trộm. Bị bắt rồi lĩnh án 3 năm tù, bà được đưa về cải tạo tại Trại giam số 5 từ cuối những năm 1970. Khi mãn hạn, bà nằn nì xin ở lại trại vì “đây là quê hương của tôi” và “có về tôi cũng chả biết đi đâu!”. Bà xin thống thiết đễn nỗi ban lãnh đạo trại lúc bấy giờ phải tổ chức họp rồi xin ý kiến của cấp trên về cái “nguyện vọng ở tù” hy hữu ấy. Sau đó, vì cảm thông cho hoàn cảnh đáng thương của bà, người ta đã “chiếu cố” cho bà ở lại. Và từ đó, người đàn bà không chốn dung thân ấy lặng lẽ sống nương nhờ sau khu K4 của Trại giam số 5, lặng lẽ viết lên câu chuyện thấm đẫm tình người ở chốn lao tù. Và có lẽ, đó cũng là câu chuyện hy hữu, “độc nhất vô nhị” trong lịch sử trại giam Việt Nam.

Giờ đây, mỗi khi hoàng hôn trập trùng treo đầu núi, bà Ốc lại bỏm bẻm ngồi giữa xanh rì hoa lá để cho mấy “đứa con áo sọc” bắt chấy, nhổ tóc sâu. Nhìn cảnh đó người ta mới thấy nó yên bình, thơi thoáng làm sao, như thể đây không phải là trại giam, không phải nhà tù, vì nó êm đềm quá đỗi.

Thế nhưng, Phạm Văn Quyền hay Nguyễn Thị Ốc chỉ là số ít những thân phận, cảnh đời éo le của “cựu tù”. Trên khắp dải đất hình chữ S, còn có rất nhiều những con người một thời lầm lỡ, trót sa chân vào vòng lao lý mà trại giam thường là nơi để họ bắt đầu cho hành trình phục thiện của mình. Sau những tháng ngày trả giá sau song sắt, họ bắt đầu làm lại cuộc đời. Bằng sự kiên trì, nỗ lực phi thường, họ đã vượt qua được khó khăn, vất vả, cám dỗ để đi đến thành công, làm giàu cho mình và làm giàu cho xã hội.

Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp ở ngoài xã hội những con người một thời lầm lỡ đang nỗ lực trên con đường phục thiện. Họ có thể là tên tướng cướp khét tiếng lừng lẫy một thời, nay “rửa đao gác kiếm”; hay cũng có thể là một đàn anh, đàn chị chán sống kiếp “giang hồ đao búa”, giờ “giải nghệ” làm người lương thiện, tất cả họ đều có chung một niềm mong mỏi, đó là nhận được từ cộng đồng xã hội sự sẻ chia và những tấm lòng nhân ái. Từ đó, họ sẽ dần tự tin để rũ bỏ quá khứ lầm bụi và thoát ra khỏi những tiếng ru hồn tội lỗi.

Trung Thành

Clip đang được xem nhiều nhất: Nhóm thanh niên ngăn cô gái nhảy cầu

Tag: Trại giam , Nhà tù , Chuyện trong tù , Tù nhân , Phạm nhân , Nguyễn Thị Ốc , Hy Hữu