Đắt mấy cũng ở nhà nghỉ
Ngày 2/7, khảo sát tại một số khu vực gần điểm thi ở các trường đại học tại Hà Nội, các nhà nghỉ đã hết phòng dù giá nhà nghỉ tăng đến chóng mặt. Các nhà nghỉ đã độn giá lên gấp 2-3 lần bình thường, thậm chí lên mức 700.000 đồng/phòng/ngày.
Trong vai sĩ tử đi tìm phòng trong nhà nghỉ, PV tiếp cận một nhà nghỉ bình dân tại khu vực phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy). Bà chủ nhà nghỉ này cho biết, hiện nhà nghỉ đã kín phòng, dù giá 500.000 đồng/phòng/ngày.
“Giá cả như thế đâu có cao nên 15 phòng đều đã kín khách. Tất nhiên giá cả phải đắt hơn ngày thường, vì một năm chỉ có vài ngày thi đại học”, bà chủ nhà cởi mở.
Thấy nhiều đôi nam nữ khoác tay nhau đi ra, đi vào, PV thắc mắc đây có phải là sĩ tử đi ôn thi, bà chủ "soi" PV và cho biết, khác với mọi năm, năm nay nhiều sĩ tử đến thuê phòng đều không có người thân trong gia đình đi cùng mà đi hai người nam nữ vào thuê, nhiều em thuê trước cả vài ngày với lý do để ôn thi đại học.
“Họ đến thuê phòng, cứ có chứng minh thư và giấy dự thi là chúng tôi đều chấp nhận. Vì nhà nghỉ để kinh doanh phòng nên không thể để trống. Mà không biết họ có thuê để ôn thi không vì cả ngày đôi nam nữ bắt taxi đi chơi ở Hà Nội, đến tối mới về phòng để… luyện thi”, bà chủ nhà nghỉ nói.
Nhiều nhà nghỉ trên đường Xuân Thủy, Giáp Bát, Cổ Nhuế, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Khánh Toàn, khu vực Mỹ Đình 1…đều đã thông báo hết phòng. Trong khi đó không ít nhà nghỉ có tình trạng đôi nam nữ thuê chung một phòng để... luyện thi.
Đi thi chỉ để…chăm sóc người yêu
Dù giá nhà nghỉ gấp 2-3 lần giá thuê phòng trọ bình dân, tuy nhiên rất nhiều sĩ tử vẫn chọn nhà nghỉ để có không gian riêng, đỡ ồn ào, tập trung ôn luyện. Tuy nhiên, không ít sĩ tử thuê phòng ở nhà nghỉ chỉ với mục đích có không gian riêng để được ở bên cạnh người mình yêu.
Nhiều thí sinh hồ hởi chuẩn bị bước vào đợt một, kỳ thi ĐH-CĐ 2013
Nữ sinh Nguyễn Thị Anh (quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng) thi ở trường Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết: “Em đi thi cùng với bạn học cấp 3, đồng thời cũng là bạn trai của em. Bản thân em đã xác định không thi đỗ đại học thì cũng sẽ có con đường khác nên cũng không quan trọng chuyện đỗ hay trượt. Vì em tự mình nhận biết được khả năng của mình đến đâu. Biết là không thể đỗ với học lực của mình thì cần gì phải cố gắng”.
Khi PV hỏi “không xác định đỗ đại học, sao em vẫn đi thi để tốn kém thêm cho gia đình”, nữ sinh Anh trả lời ngay mà không cần phải do dự: “Chi phí do bạn trai em lo. Bọn em ở nhà nghỉ đã mấy hôm rồi, phần là để có không gian riêng, phần để chăm sóc bạn em ôn thi tốt để đỗ đạt. Chứ bản thân em thì không hi vọng nhiều vào được đại học”.
Gia đình nhiều em ở quê do kỳ vọng quá nhiều vào con cái nên đã không tiếc tiền giắt túi cho các sĩ tử lai kinh với điều kiện tốt nhất, thậm chí nhiều gia đình kinh tế khó khăn phải vay mượn, bán lúa non để có tiền cho con đi thi đại học. Tuy nhiên không phải sĩ tử nào cũng thấu hiểu lòng cha mẹ mà cố gắng học hành.