Nhà mạng hạ giá cước 3G chiều doanh nghiệp vận tải?

Phương án gói cước chỉ 10.000 đồng/tháng đã được nhà mạng đưa ra nhằm giải quyết tình trạng khó khăn của các doanh nghiệp vận tải sau đợt tăng cước 3G vừa qua.

Doanh nghiệp: Bù thêm 10 triệu đồng mỗi ngày

Đợt đồng loạt tăng cước 3G hôm 16/10 vừa qua của các nhà mạng VinaPhone, MobiFone và Viettel không chỉ ảnh hưởng tới người dùng bình thường mà các doanh nghiệp vận tải cũng bị tác động rất lớn.

Cách tính cước mới đã khiến hàng vạn thiết bị giám sát hành trình của xe ôtô ngừng hoạt động do không kịp nạp tài khoản.

Điều này đồng nghĩa với việc hàng loạt các doanh nghiệp vận tải đang đứng trước nguy cơ bị thu hồi giấy phép kinh doanh, do không đảm bảo được thiết bị giám sát hành trình luôn hoạt động trên những xe thuộc đơn vị mình.

Thậm chí, hôm 25/10 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã có văn bản báo Thủ tướng Chính phủ để xin chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị kinh doanh vận tải.

Trong cuộc họp mới diễn ra sáng nay (30/10), giữa đại diện của Bộ TT&TT, Bộ GTVT, các nhà mạng và đại diện các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, các bên đã ngồi lại với nhau nhằm tìm giải pháp cho vấn đề hiện đang nổi cộm này.

Theo đại diện các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, hiện các đơn vị trong ngành đang lao đao với đợt tăng giá cước 3G vừa qua. Thậm chí có doanh nghiệp đã phải bù vào tới 10 triệu đồng/ngày để đảm bảo các thiết bị giám sát hành trình vẫn hoạt động đầy đủ.

Nguyên nhân không chỉ nằm ở mức cước tăng mà cách tính cước theo block thay đổi từ 10kb+10kb sang 50kb+50kb cũng ảnh hưởng rất lớn.

Với đặc điểm của các thiết bị giám sát hành trình trên xe thường xuyên ra vào các khu vực có sóng và không có sóng. Vì vậy mỗi khi mất sóng và kết nối lại thì sẽ bị tính luôn 50kb đó, điều này đồng nghĩa với việc xe càng di chuyển nhiều tài khoản sim card sẽ càng mau chóng hết tiền.

Phía doanh nghiệp kinh doanh vận tải cũng cho biết thêm, kể từ thời điểm phải lắp đặt các thiết bị giám sát hành trình, thay vì chọn các gói chuyên dụng cho dịch vụ này, họ đã chủ yếu chọn gói MI10 và Laptop Easy (của Viettel). Bởi đây không chỉ là những gói cước tối ưu nhất mà còn rẻ hơn các gói khác rất nhiều.

Tuy nhiên với việc thay đổi cước 3G từ hôm 16/10 vừa qua, mặc dù về cơ bản, nếu chỉ tính phí duy trì hàng tháng phải trả thì chi phí đội lên không đáng kể từ 3 - 4 lần. Nhưng với cách tính block mới 50kb+50kb tổng chi phí đã bị đội lên từ 20 - 30 lần trong thời điểm xe nghỉ. Đây hiện là mức phí quá cao mà doanh nghiệp có thể chịu để duy trì sự hoạt động của các hiết bị giám sát hành trình.

Qua trao đổi với các nhà mạng, đại diện các doanh nghiệp kinh doanh vận tải mong muốn có gói cước phù hợp hơn với đặc thù của ngành mình. Bên cạnh đó đề xuất gói cước mới với giá 10.000 đồng/tháng, miễn phí 50MB và vẫn tính theo block 10kb+10kb như cũ.

Ông Khuất Việt Hùng Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cũng hy vọng các nhà mạng phối hợp cùng các doanh nghiệp vận tải nhằm đưa ra các gói cước hợp lý hơn nhằm tháo gỡ tình trạng khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động kinh doanh của các đơn vị này.

Nhà mạng hạ giá cước

Trước ý kiến của đại diện doanh nghiệp kinh doanh vận tải, các nhà mạng VinaPhone, Mobifone và Viettel cũng đồng tình với việc sẽ tìm ra cách giải quyết nhằm hài hòa quyền lợi của đôi bên, đồng thời nghiên cứu để đưa vào gói cước 10.000 đồng/tháng nhằm áp dụng cho thiết bị giám sát hành trình.

Đại diện của Viettel cho biết, từ năm 2011, doanh nghiệp này đã cung cấp các gói cước chuyên biệt dành cho dịch vụ giám sát các phương tiện vận tải, tiêu biểu là gói V-Tracking. Sau đợt điều chỉnh giá hôm 16/10 vừa qua các gói này đều không có thay đổi vì vậy nếu khách hàng sử dụng đúng những gói trên đều không bị ảnh hưởng.

Cùng ý kiến với Viettel, đại diện của VinaPhone lý giải, ban đầu các doanh nghiệp chọn các gói cước 3G trả trước dành cho người dùng phổ thông vì mức cước rẻ. Chính bởi vậy ở lần thay đổi giá này, mức chi phí mới bị đội lên, trái ngược hẳn với nhiều đơn vị ngay từ đầu đã chọn các gói chuyên biệt tới hiện tại đều không bị ảnh hưởng gì.

Còn phía MobiFone đã đưa ra giải pháp, các doanh nghiệp giao thông vận tải nên trực tiếp làm việc với nhà mạng, thay vì đơn lẻ như hiện nay.

Nếu ký hợp đồng sử dụng dịch vụ trực tiếp, doanh nghiệp không những sẽ có hệ thống tư vấn riêng mà mỗi khi gặp vấn đề vướng mắc trong giá cước, cả đôi bên có thể dễ dàng ngồi lại với nhau nhằm đưa ra giải pháp phù hợp.

Cũng tại cuộc họp lần này, các nhà mạng và doanh nghiệp giao thông vận tải đã đi đến thống nhất sẽ cùng phối hợp để đưa ra cách giải quyết tốt nhất, hỗ trợ đầy đủ cho những đơn vị kinh doanh đặc thù này.

Nếu các gói cước hiện tại không phù hợp có thể tính đến phương án đưa ra một gói cước mới như phía các doanh nghiệp vận tải đề xuất.

Ông Nguyễn Đức Trung Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&T) cho biết, sẽ để các doanh nghiệp vận tải và nhà mạng cùng làm việc để đưa ra giải pháp thích hợp, hài hòa quyền lợi giữa các bên.

Về phía Cục, nếu phương án điều chỉnh giá cước hoặc đưa ra gói cước mới là hợp lý và đầy đủ các thủ tục, Cục sẽ mau chóng thông qua trong thời gian ngắn nhất có thể.