Nhà chồng tôi làm kinh tế tư nhân nhưng phát triển rất tốt, trong nhà cả giúp việc nhà, người làm công ở xưởng lên tới hàng trăm người.
Bố mẹ, anh chị em chồng tôi đều coi những người làm thuê ở dưới mình một bậc nên đối xử với họ có phần trịch thượng. Họ có những quy định như người giúp việc phải ăn riêng với người làm công; phải gọi ông, bà, cô cậu chủ (mà thời nay tôi chẳng còn thấy ở đâu dùng); phải dạ vâng... khiến tôi, khi mới về làm dâu cứ ngỡ mình bước nhầm vào một gia đình phong kiến trong phim Trung Quốc.
Tôi xuất thân bần hàn, nhà công chức nghèo, hơn nữa sống trong thời buổi quyền con người được coi trọng như thế này thấy rất chướng mắt với cách sống của nhà chồng nhưng không dám có ý kiến.
Tôi đã tưởng mình biết phận mình là đủ, ai dè, nhà chồng tôi muốn tôi cũng sống như họ. Bố mẹ chồng tôi khó chịu ra mặt khi tôi dạ vâng với người giúp việc lớn tuổi trong nhà; trách tôi không biết tự tôn trọng mình khi tôi ngồi bệt ở dưới xưởng giờ giải lao ăn quả dưa chuột với mấy chị công nhân... Thậm chí mẹ chồng tôi còn nói kháy rằng tôi muốn thể hiện mình là cô chủ mới nhân hậu, gần gũi để đổ tất tiếng ác cho nhà chồng.
Tôi không biết thanh minh thế nào. Tôi sợ sự lạnh lùng, hợm hĩnh, cậy tiền, gia trưởng của gia đình nhà chồng quá. Tôi muốn được ra ở riêng cho thoải mái nhưng chồng tôi không đồng ý.
Tôi mới về làm dâu thôi, vợ chồng tôi cưới nhau qua mai mối nên thời gian tìm hiểu cũng ngắn ngủi, trước đó tôi không hề biết những chuyện này. Tôi chưa có con. Cô bạn thân tôi khuyên nên tự giải phóng mình trước khi có con ràng buộc với lý lẽ rằng một gia đình như thế sẽ không thể sống tốt với dâu.
Nhưng ngoài cái chuyện trên, chồng tôi vẫn tốt với tôi. Anh ấy chiều chuộng tôi, quý trọng bố mẹ tôi, cho tôi tự do đi làm công việc tôi muốn (các chị dâu nhà anh đều phải nghỉ việc nhà nước để làm ở gia đình). Liệu tôi có nên cố gắng thêm để thử thay đổi chồng và gia đình chồng? hay tôi nên như cô bạn kia khuyên: cao chạy xa bay khi còn rộng đường?
Nguyễn Thị Mai (Hà Nội)
Mẹ chồng khó chịu nhắc nhở khi tôi thân với người làm công. Ảnh minh hoạ
Qua câu chuyện của chị có thể thấy rõ sự khác biệt về quan niệm, giá trị sống giữa chị và gia đình nhà chồng. Chị coi trọng sự bình đẳng, quan tâm, sự yêu thương thân mật giữa con người với nhau, bất chấp sang hèn, nhưng gia đình chồng chị lại không như vậy. Khi người ta không cùng chung giá trị, thực sự khó để có sự thông hiểu và đồng điệu, chị cũng khó sống đúng với con người và giá trị của mình, chưa nói đến việc bị ép buộc sống theo cách của gia đình chồng.
Tuy vậy, trước khi vội vã đưa ra một quyết định nào đó, chẳng hạn như cao chạy xa bay theo gợi ý cô bạn thân, chị có thể dành thêm nhiều thời gian để cân nhắc và hiểu rõ về mọi thứ. Điều quan trọng nhất vẫn là mối quan hệ giữa chị với chồng. Quan điểm của anh ấy về việc chị thân mật với người làm công như thế nào? Anh ấy có tôn trọng và bình đẳng với họ không? Việc hai người cùng chia sẻ cùng một giá trị là rất quan trọng. Chị nghĩ thế nào nếu tận sâu trong lòng, anh ấy cũng có quan niệm như bố mẹ mình? Khi chị vẫn còn cảm thấy bất an, hoang mang, chưa hiểu rõ, việc chưa có con có thể là một lựa chọn hợp lý và thực tế.
Việc thay đổi gia đình nhà chồng là điều vô cùng khó khăn, bởi quan điểm và lối sống đó đã được cố kết mạnh mẽ theo thời gian. Để làm được điều đó, trước hết chị phải có được mối quan hệ đồng thuận, yêu thương và hỗ trợ với chính chồng mình.
Chuyên viên tư vấn tâm lý, Ths Nguyễn Hồng Minh