Thượng tướng Phùng Thế Tài - Người vệ sĩ đầu tiên của Bác Hồ, Vị Tư lệnh đầu tiên của Quân chủng Phòng không-Không quân đã vĩnh biệt chúng ta.
Người vệ sĩ đầu tiên của Bác Hồ - Thượng tướng Phùng Thế Tài |
Thượng tướng Phùng Thế Tài - Người vệ sĩ đầu tiên của Bác Hồ, Vị Tư lệnh đầu tiên của Quân chủng Phòng không-Không quân đã vĩnh biệt chúng ta. Một nhà quân sự, một chiến sĩ lão thành cách mạng, một lão tướng đã về thế giới của những người hiền.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Đoàn không quân Sao Vàng nhân dịp Tết Đinh Mùi (9/2/1967). Đại tá Phùng Thế Tài-Tư lệnh quân chủng Phòng không-Không quân (người đi bên phải Bác). Ảnh tư liệu
Thượng tướng Phùng Thế Tài không còn nữa. Nhưng những người đồng chí, đồng đội sẽ còn nhắc đến ông trong niềm cảm phục và thương tiếc. Thượng tướng Phùng Thế Tài tên thật là Phùng Văn Thụ, ông sinh năm 1920 tại xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội. Vì nhà nghèo, nên 13 tuổi, Phùng Văn Thụ không được học hành và cũng chẳng có nghề nghiệp gì để mưu sinh. Mong kiếm kế sinh nhai, gia đình nhờ cậy một người bà con ở Vân Nam, Trung Quốc đưa sang tìm việc làm và kiếm sống.
Mặc dù nai lưng cật lực, toát mồ hôi làm việc nhưng vẫn không đủ sống, lại bị lũ con gia chủ ức hiếp nên Phùng Văn Thụ bỏ lên Côn Minh - thủ phủ tỉnh Vân Nam giữa năm 1934.
Vào năm 1936, Phùng Văn Thụ được đồng chí Vũ Anh - một đảng viên Cộng sản hoạt động tại Vân Nam (Trung Quốc) giác ngộ theo cách mạng và đến năm 1939 vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Đầu năm 1940, Phùng Văn Thụ được cử làm bảo vệ cho Nguyễn Ái Quốc đang đóng vai Thiếu tá Bát lộ quân Hồng Quang. Thời gian này, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đặt cho ông bí danh Phùng Hữu Tài.
Mùa xuân 1941, ông theo Nguyễn Ái Quốc về nước tham gia xây dựng cơ sở Việt Minh tại Cao Bằng. Tháng 4/1944, ông tham gia tổ chức vận chuyển vũ khí từ Trung Quốc về Việt Nam để tổ chức lực lượng vũ trang kháng Nhật. Khi Nguyễn Ái Quốc với tên mới Hồ Chí Minh thoát khỏi sự quản thúc của Quốc dân Đảng trở về nước tháng 9/1944, ông lại được phân công bảo vệ lãnh tụ Việt Minh. Tháng 4/1945 khi lực lượng Cứu Quốc quân và Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân sát nhập thành Giải phóng quân, ông được cử làm Tiểu đội trưởng Tiểu đội Giải phóng quân Thất Khê, tham gia giành chính quyền tại Thất Khê tháng 8/1945.
Sau khi giành chính quyền, ông được cử làm Ủy viên Quân sự Việt Minh tại Lạng Sơn kiêm chức Chi đội phó Chi đội Lạng Sơn. Vệ Quốc đoàn được chính quy hóa, Chi đội Lạng Sơn trở thành Trung đoàn 28, ông được giao giữ chức Trung đoàn trưởng. Năm 1947, ông được cử làm Ủy viên Quân sự trong Ủy ban Hành chính Kháng chiến Hà Nội và Trung đoàn 37 do ông làm Trung đoàn trưởng đã tập kích vào Thị xã Hà Đông làm cho địch vô cùng khiếp sợ. Năm 1950, ông lại chỉ huy đơn vị tập kích sân bay Bạch Mai làm chấn động cả Thủ đô Pa-ri. Khi Đại đoàn 320 được thành lập, ông được cử giữ chức Tham mưu trưởng Đại đoàn.
Cuối năm 1952, ông đổi tên là Phùng Thế Tài với lý do như ông đã nhiều lần tâm sự: “Hồi đó, Bác Hồ đặt Hữu Tài cho mình là có ý của Bác, nhưng mình nghe người ta bảo gọi Hữu Tài dễ sinh ra kiêu căng, tự phụ, thiếu khiêm tốn nên cuối năm 1952 mình xin Bác đổi lại là Phùng Thế Tài và Bác đã đồng ý”.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông được cử làm Đại đoàn trưởng Đại đoàn Pháo binh 349. Năm 1958, ông được phong quân hàm Thượng tá. Từ 11-1961 đến 11-1962, ông giữ chức Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Pháo binh kiêm Tham mưu trưởng Binh chủng Pháo binh. Từ tháng 12/1962, ông là Tư lệnh Binh chủng Phòng không. Năm 1963, Quân chủng Phòng không-Không quân thành lập, ông được giữ chức Tư lệnh đầu tiên của Quân chủng. Năm 1967, ông được phong quân hàm Đại tá và giữ chức Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội. Và trong suốt 20 năm (từ 1967 đến 1987) ông đảm nhiệm chức vụ này.
Mỗi khi nghe ông kể về cuộc đời quân ngũ, kể về các trận đánh, chiến dịch mà ông trực tiếp tham gia, chúng tôi thấy ở ông toát lên sự quyết đoán, mạnh mẽ, khí khái, đậm chất của một nhà quân sự. Trong cuộc đời binh nghiệp hơn 40 năm, bao trùm lên tất cả, sống động hơn tất cả là những ngày đêm cuối tháng Chạp năm 1972. Đó là những ngày đêm hào hùng nhất của dân tộc ta. Trong những ngày tháng lịch sử đó, với cương vị Phó tổng tham mưu trưởng, đặc trách cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Mỹ đối với miền Bắc, ông là một trong những người đã cùng Tổng Tư lệnh, Bộ Tổng tham mưu chỉ đạo, chỉ huy toàn quân mà trực tiếp là Quân chủng Phòng không-Không quân đánh thắng cuộc tập kích chiến lược bằng B-52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng, làm nên Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không".
Về nhiệm vụ nặng nề, quan trọng và khó khăn này, ông đã có những đóng góp tích cực và được coi là linh hồn của cuộc chiến. Nhận chức Tư lệnh Phòng không năm 1961-1962, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở: “Chú là Tư lệnh Phòng không, vậy chú đã biết gì về B-52 chưa?”. Thấy ông lúng túng, Bác nói tiếp: “Nói thế thôi chứ chú có biết cũng chưa làm gì được nó. Nó bay cao hơn 10 cây số mà trong tay chú hiện chỉ có cao xạ thôi… Nhưng ngay từ nay, là Tư lệnh Bộ đội Phòng không, chú phải theo dõi chặt chẽ và phải thường xuyên quan tâm đến loại máy bay B-52 này”.
Tháng 10-1963, làm Tư lệnh của Quân chủng Phòng không-Không quân, nhớ lời Bác dạy, ông chỉ thị cho cơ quan tác chiến, quân báo, bằng mọi cách thu thập toàn bộ tính năng, tác dụng của loại pháo đài bay B-52. Và một câu hỏi luôn bám chắc trong đầu ông, cả trong bữa ăn, trong giấc ngủ: “Liệu B-52 nó vào Hà Nội thì sẽ ra sao?”.
Ngày 18/6/1965, đế quốc Mỹ sử dụng B-52 ném bom Bến Cát, tây bắc Sài Gòn. Tiếp đó, ngày 12/ 4/1966, chúng cho B-52 đánh vào đèo Mụ Giạ, đường 12 Quảng Bình, rồi thường xuyên đánh phá Vĩnh Linh cũng như chiến trường miền Nam, sức phá hoại của B-52 cực kỳ ghê gớm… Tháng 10-1967, ông chính thức nhận nhiệm vụ Phó tổng tham mưu trưởng đặc trách cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Bác Hồ gọi ông lên báo cáo tình hình và nói: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng đưa B-52 ra đánh Hà Nội rồi có thua mới chịu thua. Phải dự kiến tình huống này càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ, chuẩn bị… ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.
Theo sự chỉ đạo của Bác, phương án đầu tiên đánh trả cuộc tập kích bằng B-52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng được ra đời. Trên cương vị Phó tổng tham mưu trưởng, ông tập trung trí lực và nỗ lực chỉ đạo cơ quan, đơn vị ra sức chuẩn bị mọi mặt cả vật chất lẫn tinh thần cho cuộc chiến đầy cam go với quyết tâm phải bắn rơi B-52 Mỹ nếu chúng liều lĩnh đánh phá Hà Nội, Hải Phòng... Ngày 6/4/1972, Mỹ huy động không quân, hải quân đánh phá trở lại miền Bắc và ngày 10/4 cho B-52 đánh phá TP Vinh, Nghệ An; ngày 16/4, đánh phá TP Hải Phòng; ngày 9/5, chúng thả thủy lôi phong tỏa các cảng ven biển và các cửa sông miền Bắc... Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đứng trước thử thách cực kỳ gay go và quyết liệt.
Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về tiếp tục chiến đấu và chiến thắng trong mọi tình huống, trong đó có việc chủ động đối phó với khả năng Mỹ sử dụng B-52 đánh phá Thủ đô Hà Nội; ngày 6/7/1972, Phó tổng tham mưu trưởng Phùng Thế Tài chủ trì Hội nghị chuyên đề đánh B-52 đã kết luận và chỉ thị cần phải đẩy mạnh nghiên cứu cách đánh B-52 bằng lực lượng và vũ khí hiện có của Quân chủng Phòng không-Không quân; đánh trúng, bắn rơi được B-52 là nhiệm vụ cấp bách, là yêu cầu cao về quân sự, chính trị, ngoại giao; Quân chủng Phòng không-Không quân phải được chuẩn bị chi tiết cả con người và vũ khí cho chiến thắng B-52...
Kết quả sự nỗ lực chỉ đạo của Bộ Tổng Tham mưu là chiến công oanh liệt của dân tộc ta trong 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, đã viết lên Bản Anh hùng ca của thời đại Hồ Chí Minh, quật ngã 34 pháo đài bay chiến lược của Mỹ, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Trong chiến công chung của dân tộc, có phần đóng góp to lớn của ông trên cương vị Phó tổng tham mưu trưởng... Bên cạnh các chức vụ trong Quân đội, Thượng tướng Phùng Thế Tài còn kiêm một số chức vụ dân sự: Trưởng Ban phòng chống bão lụt Trung ương trong chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của không quân Mỹ; năm 1976 kiêm chức Tổng cục trưởng Tổng cục Hàng không dân dụng Việt Nam đến năm 1978...
Người vệ sĩ đầu tiên của Bác Hồ, Vị Tư lệnh đầu tiên của Quân chủng Phòng không-Không quân đã ra đi. Bày tỏ lòng ngưỡng mộ và chia sẻ nỗi đau cùng gia đình Thượng tướng, xin thắp nén tâm nhang, kính cẩn nghiêng mình trước vong linh vị lão tướng, người đã suốt đời tận trung với Đảng, tận hiếu với dân trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của mình.
Clip đang được xem nhiều nhất: Clip: Kinh hoàng cảnh kính cường lực vỡ thành trăm mảnh, đổ ập lên người bé trai
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?