Dù đôi mắt không nhìn thấy ánh sáng đã nhiều năm nay, nhưng cô Đoàn Thị Tuệ (53 tuổi, quê Hưng Yên) vẫn ngày ngày bám trụ với công việc bán tôm, cá, chỉ mong mỗi ngày kiếm được vài chục nghìn trả tiền thuê trọ, tiền ăn uống, thuốc men.
Số phận không may
Quê gốc ở huyện Kim Động, Hưng Yên, cô Tuệ lên Hà Nội kiếm sống đã gần chục năm nay. Những ngày đầu mưu sinh ở đô thị, cô Tuệ mắt vẫn nhìn mờ mờ, nên chạy ngược chạy xuôi để buôn bán. Vài năm sau đó, đôi mắt kém dần rồi tới khi không nhìn thấy gì nữa, cô Tuệ mới dọn hàng về bán ở khu chợ Hàm Tử Quan.
Cô tâm sự: “Hơn chục năm trước mắt đã mờ rồi, nhưng tôi không có điều kiện đi chữa trị, tới nay thì mù hẳn. Cũng chẳng rõ vì sao đôi mắt lại bị như vậy, nhưng tôi nghĩ mình cũng già rồi, lại 1 thân 1 mình nên cũng chẳng đi thăm khám, chữa trị làm gì cả”.
Cô Tuệ bán cá cho khách
Cô Tuệ sinh ra trong gia đình có 5 người con. Hiện tại, cô chỉ còn có mẹ, bố đã mất từ lâu, các anh chị em đều đã lập gia đình nhưng không mấy khá giả. “Bây giờ ở quê tôi đô thị hóa nhiều, ruộng đồng thành khu công nghiệp, tôi chẳng thể làm được công nhân nên đành thoát ly lên thành phố mưu sinh vậy. Dù bị mù, nhưng mình không thể trở thành gánh nặng cho người khác được”.
Nhiều người dân trong khu chợ nghĩ cô Tuệ có gia đình riêng, chồng đã mất, nhưng cô Tuệ cười bảo: “Mọi người nhầm đấy, tôi bị mù thế này, chẳng lập gia đình. Không chăm sóc được cho chồng con lại làm khổ người khác. Mưu sinh thêm vài năm nữa, tới khi yếu thì lại về quê, ở với bà với mẹ”.
Những lúc không có khách, nghĩ về tháng ngày sau này, cô Tuệ lại thở dài: “Nói thế chứ sợ tuổi già lắm, con cái chẳng có, chẳng biết lúc đau ốm thì lấy ai chăm mình”.
Nhiều lần đi lạc, bị lừa vì mù
Một ngày làm việc của người phụ nữ mù bắt đầu từ 3 giờ sáng. “Với tôi, ngày hay đêm, sáng hay tối cũng chẳng quan trọng, bởi tôi đã sống trong bóng tối nhiều năm nay, lúc nào cũng chỉ thấy một màu, đâu cứ phải chờ tới khi trời rạng sáng mới đi chợ”.
Dậy từ sáng sớm, cô Tuệ men theo con đường quen thuộc đi ra chợ Long Biên gánh từng gánh cá, tôm về bán ở chợ Hàm Tử Quan. Đôi tay thô ráp, sần sùi của người phụ nữ này cẩn thận xoa từng mảng tường, từng gốc cây để đi theo con đường quen thuộc từ phòng trọ tới chợ, từ chợ đầu mối tới chợ Hàm Tử Quan ngồi bán.
Cô bùi ngùi kể lại: “Có hôm trời mưa, con đường đi quen mọi ngày khang khác, thế là tôi đi lạc ra bãi Giữa sông Hồng. May có vợ chồng nhà nọ tốt bụng, thấy tôi cứ lần mò đi, rồi loay hoay lội nước nên giúp tôi”.
Đều đặn ngày nắng cũng như mưa, người phụ nữ này còm cõi gánh hàng cá bán từ sáng tới tận trưa. Gánh hàng của cô chỉ vỏn vẹn một thau đựng tôm, một thau đựng cá và thau đựng ngao.
Cô vẫn đùa: “Chẳng ai bán hàng lại nhàn như cái thân tôi cả. Mắt mũi chẳng nhìn được gì nên chỉ dùng cái cân cũ, sờ được vạch, biết được bao nhiêu cân, bao nhiêu lạng. Tính tiền thì chỉ có thể tin tưởng vào khách, vào bạn hàng ngồi bên, hết bao nhiêu họ trả đủ, tiền thừa thì tôi đưa túi cho khách lấy lại”.
Nhiều người ở chợ, nhiều khách hàng quen biết được hoàn cảnh của cô Tuệ nên giúp đỡ, động viên cô rất nhiều.
Nhưng nhiều người tốt thì cũng lắm kẻ xấu. Không ít lần cô Tuệ bị lừa mất hết tiền hàng. “Đợt tháng sáu vừa rồi, có anh thanh niên bán hải sản biết tôi bị mù cũng lân la hỏi chuyện. Tới chiều tối tôi dọn hàng về thì bị chặn đường lấy mất tiền. Bị vài lần như thế tôi nhận ra tiếng, mới biết là anh thanh niên bán hải sản”.
Lần khác, một phụ nữ tầm 40 tuổi tới mua hàng, đưa tờ 20 nghìn cho cô Tuệ nhưng lại nói là 200 nghìn và chờ cô Tuệ trả tiền thừa. May mà mấy người bán hàng gần đó nhìn thấy, liền ra phân xử giúp. “Nếu không bữa đó chắc tôi lỗ to rồi”, cô Tuệ cười lớn.
Mỗi ngày 10 nghìn tiền ở trọ, ăn bánh mỳ qua bữa
Đến hơn 12 giờ trưa, khi chợ đã vãn dần, mặt trời đã lên cao, cô mang đồ đạc ra lau rửa sạch sẽ rồi gánh hàng về. Theo chân cô về phòng trọ nhỏ ở ngõ 277 Phúc Tân (Hoàn Kiếm) chúng tôi mới thấy con ngõ ngoằn nghèo, nhỏ hẹp khiến việc di chuyển với gánh hàng của cô thật khó khăn. Ngõ 277 Phúc Tân chỉ cần đi một con đường thẳng là tới, nhưng cô Tuệ lần mò đi theo đường vòng, xa hơn và khó đi hơn. Khi chúng tôi dẫn cô đi con đường mới, cô bảo: “Tôi đi mãi quen một đường này, sợ đi đường khác lại quên đường, lạc mất thì khổ”.
Phòng trọ cô Tuệ ở chung với 3 người nữa
Trong phòng trọ chưa đầy 10m2, cô Tuệ sống cùng 4 người nữa, mỗi tháng, tiền phòng 1 người hết 300 nghìn đồng. Cả 4 người đều đi mưu sinh, tối về chỉ một cái chiếu, một cái gối ngủ một giấc tới 2, 3 giờ sáng rồi ai nấy lại bắt đầu ngày lao động. Trong phòng trọ của cô Tuệ, người đi lượm ve chai, người bán hàng rau, hàng cá, người lại làm giúp việc… “Phòng bé thế này thôi nhưng cũng chẳng rẻ, trừ tiền phòng, tiền ăn hàng tháng, tôi cũng chỉ để dư được vài trăm nghìn, thỉnh thoảng về quê mua thuốc cho mẹ già. Ngày nào kiếm được ít, chỉ dám ăn tạm bánh mỳ cho qua bữa”.
Bươn chải cuộc sống với đủ mọi lo toan nhưng những người ở chung nhà, cùng xóm với cô Tuệ luôn yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. “May mà có họ, nên dù không có gia đình, con cái, tôi cũng vơi bớt nỗi buồn. Trong cái rủi, cũng có cái may. Mình bị mù nên trời thương tình cho nhiều người tốt giúp đỡ. Tôi cũng chỉ mong làm ăn thêm vài năm nữa, rồi về quê chăm mẹ già. Cứ sống như thế tới hết cuộc đời…”.
Cô Tuệ đã bán cá 7 năm nay
Nụ cười lạc quan trong cuộc sống
Khách hàng của cô chủ yếu là khách quen
Việc trả tiền hàng, lấy lại tiền thừa chủ yếu dựa trên sự tin tưởng vào khách hàng
Dù mắt không nhìn thấy gì nhưng cô Tuệ làm cá, làm tôm vẫn nhanh thoăn thoắt
Bữa sáng của cô là 2 quả chuối được người dân gần chợ cho