Người phụ nữ ấy chỉ vừa bước qua tuổi 30 nhưng khuôn mặt khô gầy, héo úa, già nua ấy khiến ai cũng nghĩ chị đã ngoài 40. Ôm hai đứa con vào lòng, chị đau đớn không nói thành lời, chỉ có những giọt nước mắt là thi nhau rơi xuống. Có lẽ, người mẹ ấy đã quá bất lực trước số phận nghiệt ngã mà các con của chị đang phải chịu đựng.
Chị là Nguyễn Thị Huê, thôn Phú Nhuận, huyện Như Thanh (Thanh Hóa). Vượt qua con đường đất ngoằn ngoèo trơn trượt sau những trận mưa dài ngày, chúng tôi mới đến được gia đình chị. Ngôi nhà cấp 4 nằm sâu hun hút trong một con hẻm của xóm nghèo ven núi.
Trong góc tối căn nhà, đập vào mắt chúng tôi là cảnh tượng đến đau lòng, hai bé trai nằm trong góc giường ú ớ, nước dãi chảy lem nhem trên miệng, đôi mắt vô hồn ngước lên trần nhà.
Nghẹn ngào, chị Huệ nhớ lại cách đây 8 năm, niềm hạnh phúc của đôi vợ chồng nghèo như nhân lên gấp bội phần khi cậu con trai đầu lòng tên là Quách Ngọc Minh ra đời khỏe mạnh, kháu khỉnh. Dù vất vả, đói nghèo nhưng căn nhà luôn ấm áp vì có thêm thành viên mới. Thế mà, niềm hạnh phúc ấy ngắn chẳng tày gang khi anh chị nhận ra, cùng tuổi với con hàng xóm mà con họ biết bi bô tập nói, biết cười còn con chị thì chỉ nằm một chỗ. Mỗi tuổi của con trôi qua, niềm hy vọng con sẽ biết nói, biết cười, biết đi càng tắt dần trong thâm tâm anh chị.
Dù Ngọc Minh đã 8 tuổi và Ngọc Nam 3 tuổi nhưng cả hai bé đều nằm một chỗ, chẳng nói, chẳng cười
Đưa con đi bệnh viện, anh chị như không tin vào tai mình khi biết con bị bại não. Gom góp, vay mượn được ít tiền chị lại mang con ra Bệnh viện Nhi TW nhưng để con điều trị được ít ngày chị lại phải mang con về vì hết tiền. Mỗi khi vay mượn được tiền chị lại mang con đi dù là hy vọng mong manh nhất. Nhưng rồi, tiền thì hết mà bệnh con chẳng thể cứu chữa, niềm hy vọng ấy cũng lụi tàn.
5 năm sau ngày con trai đầu ra đời, năm 2010, anh chị lại sinh thêm một bé trai nữa với hy vọng bé là niềm động viên an ủi, xoa dịu những nỗi đớn đau của cuộc đời. Vậy mà, bất hạnh lại tiếp tục giáng xuống đôi vợ chồng nghèo khổ này.
Bé Quách Ngọc Nam ra đời cũng khỏe mạnh, bụ bẫm nhưng chỉ một năm sau đó, những biểu hiện cũng giống hệt người anh. Trong hoang mang, anh chị đưa con đi khám và bác sĩ cũng kết luận bé cũng mang chứng bệnh bại não. Người mẹ ấy chết lặng khi biết cuộc đời của vợ chồng chị giờ đây chỉ có đớn đau và nghiệt ngã.
Bác sĩ khuyên chị hàng tuần đưa con đến bệnh viện để điều trị cho con, chị cũng đã kiên trì lắm rồi, nhưng bệnh tình con chị chẳng có chuyển biến gì. Bao nhiêu năm trôi qua, chị khát khao được nghe tiếng con gọi “mẹ ơi”, “bố ơi” nhưng với chị điều đó mãi mãi không bao giờ có được.
Người mẹ khốn khổ khát khao được một lần các con gọi "mẹ ơi"
Từ ngày sinh hai con đều mang bệnh, đôi vai người cha càng oằn nặng hơn. Chị thì quẩn quanh với hai con còn anh cứ tối ngày đi phụ hồ để kiếm vài đồng bạc về mua gạo cho cả 3 mẹ con ở nhà. Chắt chiu lắm cũng chẳng dư được đồng nào. Có ngày đến hẹn cho con đi bệnh viện anh chị cũng chẳng có tiền. Bất lực, anh chị lại đành để con ở nhà.
Chị nghẹn ngào: “Bệnh viện cách nhà mấy chục cây số, bác sĩ dặn mỗi tuần ra một lần, phải kiên trì, còn nước còn tát nhưng khốn nỗi chi phí đi lại không có, lại càng không có tiền để thuê trọ nên tôi đành đưa con về”.
“Những tưởng sinh con ra là niềm vui, niềm hạnh phúc nhưng cuộc đời vợ chồng tôi nghiệt ngã quá. Chẳng biết rồi những ngày tiếp theo với gia đình tôi sẽ ra sao nữa. Thật sự tôi không dám nghĩ đến..”- nói rồi nước mắt người mẹ ấy lại lăn dài trên khuôn mặt xạm đen, gầy guộc.
Từ khi các con ra đời, người mẹ ấy chỉ quẩn quanh trong nhà chăm các con bệnh tật
Khi được hỏi chị có sinh thêm nữa không, chị lặng lẽ quyệt nước mắt rồi lắc đầu. Tôi hiểu, bởi trái tim người mẹ ấy đã quá nhiều vết thương, đã quá nhiều đớn đau để chẳng thể đủ sức chịu đựng thêm một nỗi bất hạnh nào khác nữa...
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về: Chị Nguyễn Thị Huê, thôn Phú Quang, xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá. Điện thoại: 01656.363098.