Vừa chuẩn bị đồ nhậu để đón xem trận Anh – Pháp cho “sung”, anh Bùi Duy Hoàng (phố Lương Khánh Thiện) nói: “Về độ máu bóng đá thì Hải Phòng là nhất vì yếu tố màu cờ sắc áo. Chuyện câu lạc bộ của chúng tôi xuống hạng nhất thì buồn rồi, nhưng chẳng tránh được. Bóng đá là câu chuyện của thắng thua, thế mới tạo nên sự kịch tính bất ngờ và cả chất chiến đấu nữa”.
Hình ảnh cá biệt này đã làm vấy bẩn tình yêu bóng đá chân chính của người đất Cảng.
Về chuyện bạo lực sân cỏ thì anh Hoàng cũng... biện bạch: “Đấy các anh xem, mấy bác Nga nổi tiếng là người điềm tĩnh, thế mà còn sang tận Ba Lan choảng nhau. Chỉ khác là, chuyện bạo lực bên Tây họ xử nghiêm hơn bên ta nên vụ này không bị chìm xuồng”.
Anh Bùi Văn Bình hàng xóm anh Hoàng, làm công nhân trong Cảng Hải Phòng chia sẻ: “Chuyện mấy cổ động viên Nga gây hấn, chúng tôi rất thông cảm với những cổ động viên lành mạnh nước... Nga. Chính người Hải Phòng chúng tôi cũng đã từng bị bạn bè khắp cả nước nhìn bằng con mắt nghi ngờ khi đi theo đội nhà tới sân khách”.
Ông Trần Văn Thái (61 tuổi), nhà ở phố Lương Khánh Thiện nói: “Nhìn cách làm bóng đá của Tây, nghĩ đến kiểu tổ chức bóng đá của ta mà tôi thèm quá. Người Đức nổi tiếng khắp cả thế giới về một dân tộc đầy kiêu hãnh và trí tuệ. Nhưng Bayern Munich thua Chelsea ở chung kết C1 vừa qua, không ai nhìn thấy một vật thể lạ nào ném xuống sân tấn công đội khách. Hay khi các cầu thủ khi thất thủ ngay trên sân nhà mà họ vẫn cảm ơn các cầu thủ đã mang đến cho những cổ động viên một bữa tiệc bóng đá thịnh soạn”.
Bà vợ ông Thái thở dài: “Ngay cả cổ động viên của Anh nổi tiếng hay bạo lực nhưng sân bóng của họ chẳng lấy có một hàng rào chắn nào. Mà cũng chẳng thấy cổ động viên nào nhảy vào sân tấn công trọng tài. Nếu Việt Nam mà không có hàng rào, thì ngay cả công an cũng chẳng dám nhận thổi còi những trận bóng ở giải vô địch quốc gia chứ chẳng nói gì đến trọng tài”.