Người đàn ông gần 30 năm cứu người, vớt xác

Suốt 28 năm qua, anh Lê Văn Hiệu (49 tuổi, ở thôn 6, xã Hòa Phú, TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) âm thầm cứu người, vớt xác trên dòng Sêrêpôk.

Bỏ ngoài tai những lời đàm tiếu, bất chấp nguy hiểm, suốt 28 năm qua, anh Lê Văn Hiệu (49 tuổi, ở thôn 6, xã Hòa Phú, TP.Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) âm thầm cứu người, vớt xác trên dòng Sêrêpôk.

Đối mặt “tử thần”

Vụ cứu người anh Hiệu không thể nào quên diễn ra cách đây nhiều năm về trước. Giữa đêm tối, anh thấy một bóng phụ nữ đi qua đi lại trên cầu 14 rồi nhảy xuống sông. Không cần biết họ là ai, anh nhanh chóng kéo thuyền và cầm theo chiếc đèn pin bơi ra chỗ người vừa nhảy xuống. Khi tới nơi, đưa tay để người này bám vào. Giữa lúc chấp chới, người phụ nữ đã kéo cả anh xuống sông. “Do quá hoảng sợ, người phụ nữ liên tục vùng vẫy khiến tôi cũng bị chìm sâu dưới nước. Tôi lấy hết sức bình sinh ngoi lên mặt nước, cố gắng bảo cô gái không vùng vẫy nữa để tôi đưa vào bờ. Vào đến nơi, vẫn chưa hoàn hồn nhưng thấy cô gái vô sự, tôi quên hết mệt mỏi”, anh Hiệu kể.

Tiếp đó là “cuộc đối đầu sinh tử” khi anh cùng một lúc vừa phải cứu người vừa động viên, khuyên giải để những người tiếp theo không làm điều dại dột. Sự việc diễn ra khi một nhóm học sinh sáu người rủ nhau ra một cù lao trên sông Sêrêpôk dạo chơi, một người trong nhóm đã trượt chân ngã vào khu vực nước sâu. Đang đánh cá gần đó, anh Hiệu nghe tiếng kêu cứu liền chạy đến, nhảy xuống sông. Khu vực này nước sâu lại có nhiều gờ đá nguy hiểm nên việc tìm kiếm người bị nạn diễn ra hàng giờ đồng hồ vẫn vô vọng. Đám học sinh trên bờ nháo nhào kêu khóc và có ý định quyên sinh cùng bạn. Anh vội đến đám học sinh khuyên ngăn và đưa những người còn lại vào bờ để tránh sự việc đáng tiếc xảy ra. Quá đau xót trước cảnh bạn mình bị đuối nước, trong lúc ngồi trên thuyền để vào bờ, đám học sinh tiếp tục gào thét và đòi nhảy xuống sông. Lúc ấy, anh vừa phải gồng mình vững tay chèo vừa động viên các em bé bị kích động trước cái chết của bạn mình. “Đưa được đám trẻ vào bờ, tôi tiếp tục động viên các cháu ổn định tinh thần. Sau đó tôi kêu gọi người trợ giúp canh giữ các cháu và bơi ra sông để tìm thi thể cháu bé bị ngã. Việc cứu người, nhất là với những người có ý định tự tử thì phải hết sức bình tĩnh và kiên trì nếu không sẽ phản tác dụng. Trước tiên là từ từ tiếp cận họ rồi khuyên giải, động viên để người đó bình tĩnh không làm điều dại dột. Tuyệt nhiên không được nóng vội, hoặc sỗ sàng sẽ kích động đối tượng, dẫn đến hỏng việc”, anh Hiệu chia sẻ.

Nhận bằng khen của Thủ tướng

Anh Hiệu được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

Gia đình anh Hiệu rời quê ở Triệu Sơn, Thanh Hóa đến vùng kinh tế mới lập nghiệp từ năm 1986. Đến một vùng quê xa lạ, anh Hiệu chọn ngay vị trí gần chân cầu 14 giáp ranh hai tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk, nơi có con sông Sêrêpôk uốn quanh, mưu sinh bằng nghề chài lưới. Nơi anh ở cũng là nơi xảy ra nhiều biến cố đối với những cuộc đời, số phận khác nhau. Nơi ấy, gắn liền với “nghiệp” cứu người, vớt xác. Anh Hiệu đã gắn bó với sông Sêrêpôk 28 năm kể từ khi anh cùng gia đình vào Đắk Lắk sinh sống. Bấy nhiêu năm gắn bó bên sông là bấy nhiêu năm anh đối diện với nhiều giây phút sinh tử. Anh không thể nhớ đã cứu sống và vớt được bao nhiêu xác chết.

Điển hình nhất là vụ cứu người trong tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra ngay chân cầu 14 khiến 34 người thiệt mạng. Đêm hôm đó, khi đang xem tivi, anh nghe tiếng động mạnh từ phía cầu vọng vào. Anh đi ra thì thấy một xe khách nằm lật úp. Anh huy động vợ con mang hết vật dụng trong nhà như dao, cuốc, xẻng, xà beng... để cứu người, đồng thời kêu gọi bà con xung quanh hỗ trợ. Anh Hiệu kể: “Lúc đầu tôi nghe tiếng la thất thanh của một em nhỏ thì đập cửa chui vào cứu. Sau đó mới biết em nhỏ là con của vợ chồng tài xế xấu số trong vụ tai nạn thảm khốc. Cứu được em bé, tôi tiếp tục chui vào đưa những người khác ra ngoài. Sự việc xảy ra cho đến nay khiến tôi và gia đình vẫn chưa hết ám ảnh”. Hành động nghĩa hiệp của người đàn ông phố núi bị nhiều người cho là quái gở. Họ bảo không ai rảnh hơi bỏ thời gian đánh đổi cả mạng sống chỉ để vớt xác chết và những người đã có ý định tự tử. Họ còn nghĩ anh làm như vậy là vì danh lợi. “Nếu không cứu người bằng tâm huyết của mình thì tôi chẳng dại gì đối mặt với dòng nước lũ cuồn cuộn và những ghềnh đá nguy hiểm suốt 28 năm qua mà biết trước mình có thể chết bất cứ lúc nào” - anh Hiệu nói.

Anh Lê Văn Hiệu từng được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì đã có thành tích trong tham gia xây dựng giao thông và đảm bảo trật tự an toàn giao thông; được Bộ Giao thông vận tải tặng kỷ niệm chương vì sự nghiệp phát triển giao thông vận tải Việt Nam và được UBND tỉnh Đắk Lắk tặng bằng khen.