Người dân “nhờ cậy” báo chí, sợ nhất điều gì?

Câu hỏi trên đây liên quan đến lòng tin của công chúng đối với người làm báo. Tôi xin kể câu chuyện sau đây liên quan đến câu hỏi vừa đặt ra.

Một lần, ngồi tán gẫu với một ông bạn đồng nghiệp phụ trách mảng bạn đọc ở một tòa soạn nọ, tôi “nhặm lẹ” được một tư liệu hay. Chuyện trên trời dưới biển, chuyện nào của chúng tôi cũng “nóng hổi” xôm trò cả. Bỗng tôi hỏi: “Dạo này có nhận được nhiều đơn kiện không ?”. “Có. Nhưng ít thôi”. “Thế xử lý thế nào ?”. “Ôi dào, không giải quyết được thì lấy cớ làm cái quảng cáo”(!?). Rồi ông bảo, qua nội dung đơn thư, ông đến nơi bị kiện, hỏi han “bị đơn”, rồi không quên đặt vấn đề quảng cáo đối với họ, không quảng cáo thì làm PR trên báo.  Nghe ông nói vậy tôi thấy “sởn da gà !”.

Một lần khác, tôi nghe lỏm được chuyện gẫu của hai bà hàng xóm về việc nhờ một tờ báo bảo vệ họ. Một bà dặn bạn: “Bà cẩn thận khi gửi đơn đến báo đấy, không khéo báo họ “ăn hai mang” là chết. Họ làm việc với mình, mình phải có “cái gì”; đến gặp nơi bị người dân kiện, nhà báo cũng ra “điều kiện” này nọ, “bị đơn” phải có cái gì cho nhà báo chứ. Rốt cuộc, mình đi kiện “củ khoai”, người bị mình kiện chẳng bị sao. Con kiến mà kiện củ khoai, oan vẫn hoàn oan! Nhà báo “ăn hai mang” là vậy. Sợ lắm!"

Tất nhiên, những “nhà báo hai mang” như vừa nói, chỉ là số ít. Ít, nhưng họ gieo rắc nỗi sợ hãi cho người dân đến nhờ cậy cơ quan báo chí là không ít. Lâu nay, Hội Nhà báo Việt Nam vẫn lên tiếng phê phán một số phóng viên hoặc người giả danh nhà báo lợi dụng nghề nghiệp để làm quảng cáo, PR, làm xấu đi hình ảnh đẹp của nhà báo trong lòng công chúng. Họ lợi dụng nghề báo để hù dọa doanh nghiệp. Tiếc thay, thảm trạng này đến nay không thuyên giảm. Đấy là một bài toán khó giải trong tình hình các báo hiện nay, vừa phải đảm bảo tính tư tưởng, tôn chỉ mục đích, vừa phải tự lo thu chi của tòa soạn, đời sống của cán bộ, phóng viên.

Nhân nói về những hiện tượng làm ảnh hưởng đến hình ảnh nhà báo, chúng ta cần thẳng thắn trao đổi với nhau về vấn đề này. Chúng tôi nghĩ, bản thân quảng cáo và báo chí quảng cáo không có lỗi, thậm chí, như các nhà doanh nghiệp vẫn ca ngợi “báo chí và doanh nghiệp luôn song hành ”trên con đường vì lợi ích chung”. Có không ít doanh nghiệp thăng hoa, phát triển nhờ báo chí quảng cáo, thông tin. Ngược lại cũng có nhiều doanh nghiệp đã lụn bại, sập tiệm vì những thông tin sai lệch của nhà báo. Không có gì sai khi cơ quan báo chí và nhà báo đề nghị doanh nghiệp hợp tác tham gia quảng bá doanh nghiệp trên báo, đài. Ở đây, có sự “gặp nhau” giữa hai mục đích, yêu cầu, của doanh nghiệp và cơ quan báo chí. Hai bên cùng có lợi từ việc làm quảng cáo đàng hoàng, có văn hóa. Trong nền kinh tế thị trường, điều này là bình thường, là tốt đẹp, có tác dụng thúc đẩy sự phát triển cả doanh nghiệp và báo chí. Nhiều nước trên thế giới đã cho ta thấy lợi ích to lớn của mối quan hệ này. Bản thân người làm báo đi khai thác thông tin, làm PR, tìm đối tác kinh tế cho tờ báo, cũng là chính đáng, cần khuyến khích. Chỉ có điều người làm báo làm việc này sao cho có văn hóa mà thôi.

Như vậy, việc một số phóng viên lợi dụng đơn thư khiếu nại để làm quảng cáo, mà không lo tập trung  giải tỏa nỗi oan của người dân, bệnh vực họ, gây nên nỗi quan ngại, làm giảm lòng tin của công chúng đối với báo chí. Đó là điều không thể chấp nhận được, vi phạm nghiêm trọng đạo đức người làm báo. Để xua đi nỗi “sợ hãi” này, thì không ai làm thay chính nhà báo và cơ quan báo chí. Xin nhắc lại câu nói của một ký giả Úc: “Đừng vào nghề báo với mục đích làm giàu”. Đừng vì mối lợi trước mắt mà đánh mất lợi ích lâu dài của người làm báo - lòng tin của công chúng.