Người đàn bà cả đời làm vợ bên song sắt

Lấy nhau hơn 30 năm, nhưng mới chỉ sống với nhau vẻn vẹn chưa đầy 4 năm, cuộc hôn nhân của Nguyễn Bá Thanh và vợ là những ngày ly tán nhiều hơn những ngày được sum họp, gặp nhau, nhìn nhau và yêu thương nhau qua song sắt.

Đến tận bây giờ, người tù này đã có gần 20 năm được vợ thăm nuôi trong tù, và con số đó sẽ vẫn còn tiếp tăng lên, chưa biết bao giờ kết thúc. Nhưng có một người phụ nữ, bất chấp hành trình thăm nuôi rồi chờ đợi mệt mỏi ấy, vẫn ngày ngày cặm cụi bán thuốc lá trên một con hẻm nhỏ ở Q1, TP. HCM để lấy tiền chăm lo cho con khôn lớn và thăm nuôi người chồng tù tội. Dưới đây là những tâm sự về vợ của người chồng tên Nguyễn Bá Thanh đó.

Hai lần vào tù và một tình yêu gần 20 năm nhìn nhau qua song sắt

Những người ở trại giam như tôi mới biết, vào tù hầu hết đều bị vợ bỏ. Vậy mà vợ tôi đã có gần 20 năm yêu thương và chăm lo cho chồng qua song sắt, không một lời kêu ca, than thở.

Tôi chưa đến 60 tuổi, nhưng nhìn đã rất già. Nhiều năm ở tù, tinh thần suy nhược, lúc nào cũng day dứt về vợ con ở ngoài, tôi già sọp đi. Răng cửa bây giờ cũng rụng hết, chân tay đã bắt đầu run, chẳng làm được việc gì nặng. Sau này ra tù, tôi vẫn lo với sức khỏe thế này, chẳng biết có nuôi nổi vợ con không. Đến bây giờ, tôi vẫn không thôi nuối tiếc vì mình đã gây ra nhiều sai lầm quá, nên đã đánh mất gần như toàn bộ những năm tháng tuổi trẻ đẹp nhất của đời người trong chốn lao tù.

Năm 1977, khi còn là một chàng thanh niên khỏe mạnh, tôi đã tham gia một vụ đòi nợ thuê ở Sài Gòn. Trong lúc “dằn mặt” con nợ không được, tôi cùng đồng bọn đã dùng vũ lực giết chết nạn nhân. Sau khi gây chuyện, biết tội mình lớn, tôi bỏ đi biệt xứ, đến năm 1981 thì quen biết rồi lấy người vợ hiện tại. Lấy vợ xong, chưa sống được với nhau bao lâu, chưa kịp có con cái, vì sợ bị truy bắt và đền tội với pháp luật, tôi lại bỏ nhà đi mặc vợ tôi khuyên can hết nước mắt. Tôi theo một đoàn người vượt biên sang Thái Lan rồi ở đó mấy năm liền, hằng ngày làm đủ thứ việc để lao động và kiếm sống qua ngày, mệt mỏi đến nỗi chẳng có thời gian mà tin tức gì cho người vợ trẻ ở quê nhà.

Khoảng năm 1986 – 1987, do hiểu biết nông cạn, lại cần tiền, tôi tham gia một nhóm phỉ hoạt động ở biên giới Việt Nam – Campuchia, chuyên đi cướp bóc bà con dân lành sống dọc biên giới. Khi đó, tôi chỉ biết làm, chẳng hề nghĩ đến hậu quả cũng như tội ác mình gây ra. Được một thời gian thì tôi bị bắt và bị kết án 6 năm tù. Đến năm 1989, sau 8 năm cưới nhau, hai vợ chồng tôi mới gặp lại nhau, 8 năm trời bặt vô âm tín, không tin tức, đến lúc biết tôi đang ở tù với cái án 6 năm, vợ tôi vẫn lập tức lên thăm nuôi tôi, chăm lo cho tôi suốt mấy năm đó mà tuyệt nhiên không một lời oán trách. Đến giờ nghĩ lại, tôi nhận ra ngay từ ngày đó, vợ tôi đã hi sinh cho tôi vô điều kiện. Nếu không phải là cô ấy mà là một người phụ nữ khác, hẳn giờ tôi đã tay trắng, không gia đình, không vợ con, không người thân thích.

Năm 1995, sau khi hết hạn tù, được về với xã hội, việc đầu tiền hai vợ chồng làm là sinh một đứa con cho vui cửa vui nhà, rồi cùng nhau xây dựng kinh tế. Đứa con đầu lòng ra đời, cuộc sống cũng thong thả trôi đi, tuy nhiên, món nợ giết người mấy chục năm trước thì vẫn còn đeo đẳng bám theo cuộc sống của hai vợ chồng tôi. Đến năm 1999, tôi bị bắt lại và bị tòa xử mức án chung thân cho tội giết người của mình. Tôi bị bắt rồi đi tù như thế này, người đau đớn nhất, đáng thương nhất là vợ tôi. Tính từ lúc lấy nhau cho đến khi bị bắt rồi đến bây giờ, vợ chồng tôi mới chính thức được ở với nhau có 4 năm trời. Toàn bộ quãng thời gian còn lại, trừ mấy năm tôi phiêu bạt xứ người ra, còn thì chúng tôi toàn gặp nhau trong tù.

Tình yêu không bao giờ cạn kiệt

Khi biết tin mình bị mức án cao như thế, trong thâm tâm, tôi vẫn nghĩ vợ tôi sẽ rời bỏ tôi. Một lần chồng đi tù, 6 năm trời thăm nuôi ròng rã, thêm mấy năm trời chồng bỏ đi biệt xứ, những tưởng tất cả những điều đó đã đủ để khiến tình nghĩa vợ chồng cạn kiệt. Thế nhưng tình yêu, sự vị tha và đức hi sinh của vợ tôi thì năm ngoài quy luật thông thường ấy. Biết tin chồng bị bắt, rồi bị đi tù chẳng biết ngày về, bất chấp việc con thơ còn nhỏ dại, hai vợ chồng chỉ có hai bàn tay trắng, vợ tôi vẫn gạt nước mắt đi rồi tiếp tục làm lụng, đứng ra gánh vác gánh nặng của cả gia đình, một mình đảm đương, chăm lo cho chồng con. Bao nhiêu năm nay, quầy thuốc lá và hàng nước giải khát nho nhỏ trong một con hẻm nhỏ ở Q1, TP.HCM vẫn là nguồn thu nhập chính, giúp vợ tôi gánh vác trách nhiệm nặng nề kia.

Suốt từ năm 1999 đến nay, cứ 1-2 tháng một lần, vợ tôi lại lặn lội quãng đường hơn 100km đi thăm nuôi chồng. Mỗi lần thăm nuôi đó, trên gương mặt cả hai vợ chồng dường như lại có nhiều nếp nhăn hơn, nhiều phiền muộn hơn, nhưng 11 năm trời, tôi chưa bao giờ thấy vợ mình kêu ca, oán trách bất cứ điều gì. Bà ấy vẫn ân cần, vẫn chu đáo, vẫn chăm chút cho tôi với một sự kĩ càng không hề phai nhạt đi theo năm tháng. Một mình nuôi con vất vả là thế, nhưng xuống thăm nuôi tôi, vợ tôi cũng cố dành ra cho tôi vài ba trăm nghìn đồnng để chi tiêu trong trại, kèm theo đó là lỉnh kỉnh đủ thứ đồ, từ lọ ruốc đến hộp muối vừng, từ quả lê đến quả táo, vài cái bánh, cái kẹo để tôi ăn lúc nhạt miệng.

Vợ tôi không khéo. Bà ấy chẳng nói được với chồng những lời có cánh, nhưng đổi lại, bà ấy chu đáo và quan tâm đến tôi thật lòng. Làn nào vợ chồng gặp nhau, chỉ cần thấy tóc tôi bạc đi vài sợi, thấy người tôi ốm hơn một chút, râu ria để xồm xoàm hơn là bà ấy nhắc nhở, lo lắng, lại dặn dò tôi đủ thứ trên trời dưới biển, rồi tháng sau kiểu gì cũng gửi nhiều đồ hơn bình thường để bồi bổ sức khỏe, dù thêm một vài trăm nghìn đó, có nghĩa là ở nhà bà ấy phải tính toán, chắt bóp chi tiêu hơn rất nhiều. Thấy tôi ốm, vợ tôi vừa nhắc tôi, vừa rơm rớm nước mắt, bảo: “Ông phải giữ gìn sức khỏe để còn về với mẹ con tôi, chứ định để mẹ con tôi sống một mình mãi thế này à?”.

Ở trong trại, mỗi khi yếu người, không muốn ăn uống, tôi lại nghĩ đến câu này của vợ mà cố gắng ăn đôi bát cơm để giữ sức khỏe, đợi ngày về. Tôi đã làm khổ vợ con cả đời, đến mỗi cái việc giữ được con người cho ra hồn để về sống bên vợ con mà cũng không làm được thì đúng là một người chồng chẳng ra gì. Nghĩ thế để mà cố gắng, để cải tạo và không ngừng hi vọng vào một ngày được hưởng khoan hồng của pháp luật trong tương lai không xa.

Hai vợ chồng tôi tiếng là lấy nhau 30 năm, nhưng ở với nhau chẳng mấy, cuộc sống chăn gối của vợ chồng vì thế cũng chẳng đáng kể. Tôi hiểu hơn ai hết, là con người ai cũng phải có nhu cầu tâm sinh lý, nhất là phụ nữ phải được vỗ về, yêu thương, được lo lắng che chở. Vợ tôi không những đã phải cáng đáng vai trò trụ cột gia đình của người đàn ông mà còn phải chịu cảnh gối chăn đơn chiếc, thiếu thốn đủ bề. Cả tuổi thanh xuân của bà ấy cũng vì tôi mà trôi qua thiệt thòi.

Cũng có lần thương vợ quá, tôi bảo vợ cứ đi tìm hạnh phúc khác, không việc gì phải lo lắng cho tôi. Hoặc nếu không thì cũng tìm một chỗ dựa tinh thần trong lúc tôi đi xa. Nhưng nói đằng nào bà ấy cũng không chịu nghe, chỉ một lòng chăm chồng và nuôi con. Mười mấy năm tôi đi tù, vợ chồng tôi chưa một lần được gần gũi. Cùng lắm là được nắm tay nhau, hay nhìn nhau cười qua song sắt ở nhà thăm gặp. Những lúc đó có những khao khát âm ỉ mà cả hai vợ chồng đều cảm thấy trong mắt nhau, nhưng phải cố kìm nén.

Sợ tôi buồn và lo lắng nhiều, vợ tôi bảo chỉ cần biết tôi khỏe mạnh và còn có hi vọng vào ngày trở về, thì dù có thiếu thốn thế này gấp 100 lần, bà ấy cũng chịu. Vợ tôi bảo, hai vợ chồng sống với nhau không chỉ đơn thuần là tình yêu mà con là tình thương, là nghĩa vợ chồng. Tôi biết mình hạnh phúc và may mắn. vì có được một tình yêu thương, nghĩa vợ, nghĩa chồng mà sự chia cắt của ngục tù chẳng thể hủy diệt được.