Người dân Ấn Độ đối mặt với nắng nóng 'như thiêu như đốt'

Theo hãng AP, những dải đất của Ấn Độ từ tây bắc đến đông nam đang phải đối mặt với nắng nóng gay gắt khắc nghiệt, bắt đầu từ ngày 22/5.

Nắng nóng kèm mất điện

Trước diễn biến thời tiết hiện tại, New Delhi cảnh báo đang trong tình trạng nắng nóng khắc nghiệt bởi nhiệt độ cao kèm với oi bức tấn công hầu hết ở các khu vực của đất nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: AP

Cục Khí tượng Ấn Độ đã ban hành cảnh báo nắng nóng kéo dài tại 7 bang miền nam và miền trung vào tuần trước đồng thời mở rộng cảnh báo đến thủ đô nước này và một số bang ở miền bắc vào ngày 22/5 khi nhiệt độ nóng bức vượt quá cảnh báo bình thường. Cơ quan này cho biết nắng nóng gay gắt sẽ tiếp tục xảy ra trong vài ngày tới trước khi những cơn mưa có thể mang lại cảm giác dịu mát hơn. Gió mùa tây nam năm nay chậm lại và sẽ đổ bộ vào tuần đầu tiên của tháng 6, vì vậy nhiệt độ hiện duy trì ở mức cao hơn so với hằng năm. Khi nhiệt độ vượt quá 45 độ C ở bang miền bắc Uttar Pradesh, một số khu vực thậm chí đã bị mất điện kéo dài hơn 12 giờ đồng hồ trong tháng 3 mặc dù trước đó, Ấn Độ đã đưa yêu cầu tất cả các nhà máy điện trong nước phải chạy hết công suất trong suốt tháng. Cơ quan thời tiết nước này cho biết đợt nắng nóng lần này có thể tiếp tục sẽ kéo dài trong 2 ngày tới.

"Mất điện đồng nghĩa với việc không có máy điều hòa, không có quạt và thậm chí không có nước sinh hoạt hay uống. Nắng nóng như thiêu đốt đã khiến cuộc sống của chúng tôi không thể chịu nổi và tình trạng thiếu điện ngày càng làm gia tăng. Chúng tôi cảm nhận sự khốn khổ thật sự vào lúc này ", Ramesh Gupta, một cư dân Lucknow cho biết.

Bởi nắng nóng khủng khiếp, nhiều cư dân trong thành phố buộc phải tìm nơi trú ẩn trong nhà.

"Chúng tôi đã trở thành những tù nhân trong nhà vào mùa hè khắc nghiệt vì không ai muốn mạo hiểm ra ngoài với thời tiết như vậy", ông Sudhir Sehgal, một giáo viên cho biết.

Ông Sukhai Ram, một người làm vườn chỉ được trả lương khi làm việc nhưng ông buộc phải đặt dụng cụ của mình xuống và nghỉ ngơi.

"Bây giờ tôi không thể làm việc được trong nắng nóng như vậy. Tôi sẽ làm việc chỉ khi mặt trời lặn," ông Sukhai Ram nói khi mồ hôi ướt đẫm nhễ nhại.

Thời tiết khắc nghiệt, những công nhân làm sữa hiện đang bọc những chiếc hộp bằng sợi đay để giữ cho sữa không bị hỏng. Hay những người làm ngoài trời như công nhân xây dựng cũng phải nghỉ ngơi tạm thời trước thời tiết nắng nóng tăng mạnh. Đặc biệt, nhiệt độ ban đêm cũng tăng lên, làm tăng nhu cầu sử dụng điện để chạy máy điều hòa không khí và quạt. Những tháng chính của mùa hè là tháng 4, tháng 5 và tháng 6 – thời tiết luôn nóng ở hầu hết các vùng của Ấn Độ trước khi mưa gió mùa mang lại nhiệt độ mát mẻ hơn.

Tuy nhiên, nhiệt độ đã ngày càng tăng lên trong suốt thập kỷ qua. Trong các đợt nắng nóng, Ấn Độ đối mặt với tình trạng thiếu nước trầm trọng, ước tính hàng chục triệu người dân trong tổng số 1,4 tỷ dân rơi vào tình trạng thiếu nước sinh hoạt.

Nắng nóng sẽ thường xuyên hơn trong tương lai

Một nghiên cứu của World Weather Attribution – nhóm học thuật kiểm tra nguồn gốc của vấn đề nền nhiệt cực cao - đã phát hiện ra rằng đợt nắng nóng gay gắt vào tháng 4 đã tấn công hầu hết các quốc gia ở khu vực Nam Á do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Ngay trong tháng trước, nắng nóng đã khiến 13 người thiệt mạng tại một sự kiện của chính phủ ở thủ đô tài chính Mumbai, khiến một số bang phải đóng cửa tất cả các trường học trong một tuần. Các nhà khoa học cho rằng nhiệt độ ở Nam Á nóng hơn ít nhất 2 độ C (3,6 độ F) so với thời kỳ tiền công nghiệp do biến đổi khí hậu. Hiện tại, thế giới đang ấm hơn trung bình khoảng 1,1 độ C đến 1,2 độ C (2 đến 2,2 F).

"Rất nhiều người dân ở khu vực này cũng không có khả năng tiếp cận với các giải pháp chăm sóc sức khỏe và làm mát như quạt và máy điều hòa không khí", bà Emmanuel Raju, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thảm họa Copenhagen tại Đại học Copenhagen cho biết.

Theo nhiều nghiên cứu về khí hậu toàn cầu, Nam Á được xem là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu trên thế giới. Và Ấn Độ - quốc gia lớn nhất trong khu vực và đông dân nhất thế giới, hiện cũng là quốc gia phát thải khí nóng lên cao thứ 3. Các nhà khoa học khẳng định những biện pháp quyết liệt để giảm lượng khí thải carbon dioxide là giải pháp duy nhất.

"Các đợt nắng nóng sẽ trở nên phổ biến hơn, nhiệt độ sẽ tiếp tục tăng cao hơn nữa và số ngày nắng nóng sẽ dài ngày hơn, thường xuyên hơn trong tương lai nếu chúng ta tiếp tục bơm khí nhà kính vào khí quyển", Chaya Vaddhanaphuti, Giáo sư tại Đại học Chiang Mai, Thái Lan nhấn mạnh.