Khi những chiếc cánh gà đã sôi sùng sục trong nồi măng chua trắng váng sữa, chủ nhà mới bắt đầu cho tôi xem tài dao thớt của ông.
Do phải đi rừng, phần cũng vì vợ chồng cùng phải làm nương rẫy nên người đàn ông miền núi rất đảm bếp núc. Quả bí ngô vỏ khô tưởng đá héo mà khi bị cưa nắp vẫn còn tươi nguyên, hé lộ màu đỏ au và mùi thơm quyến rũ. Sau khi khoét hết lớp vỏ, giữ lại chút hạt giống của một quả bí tốt, mới thấy ông đem thịt gà luộc qua nước sôi và xé nhỏ hệt như mấy bác hàng phở gà vẫn thường làm.
Tiếp đến công đoạn ướp thịt gà cũng thật khéo léo. Nhìn qua bàn tay thoăn thoắt của một người ưa chế biến những món ăn của người đồng rừng xưa, tôi thấy ông ướp thịt gà với một chút gia vị, chút nước tương và chút dầu ăn thực vật. Qua lời ông tôi được biết, khi xưa bà con thường chỉ ướp với các loại lá rừng hái được trên đường đi nương hoặc trồng trong vườn nhà. Khi đã ngấm, ông liền cho hỗn hợp ấy vào ruột trái bí ngô, thêm chút tỏi, gừng phủ lên nắm trước khi đậy lại, đặt lên ninh để đồ.
Chừng qua vài tuần trà tươi đãi khách, ninh đồng trên bếp sôi bập bùng, món bí ngô đồ thịt gà mới được vớt ra. Tuy thịt gà và gia vị được đồ chín trong lớp vỏ trái bí như chiếc nồi tự nhiên, ngọt đậm nhưng món ăn này vẫn được gia chủ và những người hàng xóm sang dùng cơm gọi là món “gà nấu bí”.
Thực sự, lần đầu được ăn món gà nấu trong lớp vỏ ngọt và bùi ấy như thể một món súp mà chưa từng có ở nơi nào. Món ăn là sự kết hợp của chính các chất liệu trong tự nhiên, vừa tương hỗ, vừa gia giảm khắc chế lẫn nhau. Qua câu chuyện trong mâm cơm với những người dân miền rừng chân thật tôi được biết thêm bí ngô không chỉ cho thứ hạt thơm để cắn trong dịp tết, cho món bí nấu súp thì còn có món bí nấu gạo nếp. Nhưng với món gà nấu bí thế này chỉ dành khi có khách đến chơi nhà để thể hiện tình cảm mặn nồng của gia chủ.