Trong thời gian gần đây, nỗi lo về việc bị nghe lén đã trở thành nguy cơ hiển hiện đối với người dùng điện thoại di động, đặc biệt là sau vụ Mỹ tiến hành nghe trộm điện thoại của người dân cũng như nhiều nguyên thủ quốc gia hàng đầu châu Âu và châu Á.
Đối với người dùng Việt Nam, liệu đã đến lúc đáng lo ngại về tình trạng bảo mật thông tin cá nhân qua mạng điện thoại?
Trao đổi vấn đề này với các nhà mạng đều nhận được khẳng định mọi thông tin như nhắn tin, gọi điện... của các thuê bao di động đều được bảo mật tuyệt đối.
Đại diện của VinaPhone cho biết, việc nghe lén có thể xuất phát từ phía người dùng, còn việc can thiệp vào mạng lưới của nhà mạng để tiến hành do thám thì cho đến thời điểm này vẫn chưa phát hiện ra vụ việc nào như vậy.
Phía đại diện Viettel cũng khẳng định, cho đến thời điểm hiện tại, Viettel chưa ghi nhận trường hợp xâm nhập thành công vào hệ thống của mạng viễn thông di động để tiến hành nghe lén, theo dõi khách hàng của mình.
Không chỉ là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, mạng lưới của Viettel còn là mạng dự phòng cho quân sự trong trường hợp khẩn cấp. Vì vậy, yếu tố bảo mật luôn được đặt lên hàng đầu.
"Toàn bộ mạng lưới là sự phối hợp linh hoạt giữa thiết bị của nhiều nhà sản xuất khác nhau từ nhiều khu vực trên thế giới", đại diện Viettel giải thích thêm.
Theo khảo sát thị trường của PV, hiện nay có khá nhiều hình thức khiến người dùng bị lộ thông tin qua điện thoại di động. Có thể kể đến như cài phần mềm nghe trộm vào điện thoại hoặc thông qua các loại thiết bị nghe lén bán tràn lan ngoài thị trường bán với giá từ vài trăm nghìn đến 1-2 triệu đồng/thiết bị.
Với những thiết bị dạng trên về bản chất là các máy điện thoại di động thu nhỏ kích thước và tính năng chuyên biệt, không có màn hình, bàn phím. Mọi tính năng được lập trình trước và điều khiển từ xa qua tin nhắn. Thông thường, thiết bị được kích hoạt bằng tiếng động môi trường, tự động gọi về máy của kẻ gian và gửi âm thanh môi trường theo dõi.
Có những loại thiết bị có trang bị camera để ghi và truyền hình ảnh. Thời gian đầu, những thiết bị dạng này được dùng trong việc bảo vệ an ninh, giám sát tòa nhà. Về sau, chúng được sử dụng vào các mục đích nghe lén, theo dõi.
Nếu nhìn trên mạng lưới, thiết bị này hoạt động như một chiếc điện thoại di động thông thường đang thực hiện cuộc gọi, gửi/nhận tin nhắn với thuê bao khác.
Đánh giá về các loại thiết bị này, đại diện Viettel cho rằng "chúng khá phổ biến vì giá tiền không quá đắt, không đòi hỏi kỹ thuật đặc biệt. Thiết bị nghe lén được bán tràn lan trên thị trường chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Quốc nhập qua đường tiểu ngạch. Hiện các lực lượng chức năng vẫn đang nỗ lực để truy quét loại thiết bị này".
Ngoài ra, phía Viettel còn cho biết thêm, một hình thức nghe lén khác qua điện thoại chuyên nghiệp hơn rất nhiều. Đó là sử dụng thiết bị chuyên dụng để thu tín hiệu liên lạc giữa điện thoại di động với nhà mạng. Hình thức này đòi hỏi thiết bị chuyên dụng công nghệ cao rất đắt tiền, đòi hỏi kỹ thuật cao, những tổ chức an ninh - quân sự hàng đầu trên thế giới có thể trang bị.
Tuy nhiên "toàn bộ quá trình truyền và nhận thông tin giữa thiết bị đầu cuối là điện thoại của người dùng với nhà mạng đều được mã hóa đa tầng vì vậy việc giải mã sẽ rất khó khăn. Bởi thế, người dùng bình thường ở Việt Nam ít bị ảnh hưởng bởi loại hình nghe lén này", đại diện Viettel giải thích.
Đại diện nhà mạng Viettel cũng khẳng định, doanh nghiệp luôn có nhận thức rõ ràng về tầm quan trọng trong việc đảm bảo an toàn – an ninh thông tin cho bản thân mạng lưới và các hoạt động của khách hàng.
Không chỉ chú trọng đầu tư, nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, hệ thống mạng lưới chủ yếu do người Viettel tự xây dựng, vận hành nên có độ bảo mật cao.
Bên cạnh đó, bộ phận An toàn thông tin của Viettel cũng liên tục nghiên cứu các công nghệ mới chống gian lận viễn thông, các thủ đoạn của giới tội phạm để đưa ra giải pháp phòng chống phù hợp, kịp thời cảnh báo với khách hàng về nguy cơ mới mất an toàn thông tin trong quá trình sử dụng dịch vụ.
Đưa ra lời khuyên dành cho người dùng để tránh tình trạng bị nghe lén theo cách thông thường, đại diện của VinaPhone đã tư vấn các biện pháp hữu ích. Nếu sử dụng smartphone, người dùng không nên vào các website không rõ nguồn gốc để tránh việc bị cài đặt các phần mềm gây hại. Khi cài đặt, người dùng nên đọc kỹ các quyền và vùng dữ liệu mà phần mềm có thể truy cập trên điện thoại để đảm bảo không có tiến trình ngầm có thể đánh cắp thông tin.
Còn phía Viettel cho biết sẽ sẵn sàng trợ giúp nếu khách hàng phát hiện mình bị nghe lén. Nếu trường hợp người dùng bị cài phần mềm nghe lén thì nên khôi phục lại chế độ nguyên bản khi xuất xưởng của điện thoại.
Với những trường hợp nghiêm trọng hơn như bị nghe lén bằng thiết bị, người dùng có thể phối hợp cùng nhà mạng và cơ quan chức năng để cùng tiến hành điều tra.