Nghệ An: “Ma trận” xăng giả, người tiêu dùng nơm nớp?

Sau hơn nửa tháng bắt quả tang hàng chục doanh nghiệp kinh doanh xăng giả, cơ quan chức năng Nghệ An vẫn chưa có quyết định xử lý vi phạm.

Như đã có nhiều bài viết phản ánh: Ngày 10/10 Thanh tra sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Nghệ An đã lấy 12 mẫu gửi đi thử nghiệm tại trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 2, Tổng cục Đo lường Chất lượng thì có tới 11 mẫu của 7 doanh nghiệp không đạt chất lượng theo quy chuẩn Quốc gia.

Tại thời điểm lấy mẫu trong các bể chứa của 7 doanh nghiệp trên có hơn 40.000 lít xăng kém chất lượng. Vậy nhưng đến ngày 18/10, trung tâm trên mới có kết quả xăng A92 giả đến mức thảm hại. Tuy nhiên trong thời gian 10 ngày chờ có kết quả, do vẫn được hoạt động nên phần lớn số xăng giả đã được bán ra thị trường hoặc bị tẩu tán sang địa bàn khác để bán.

Xăng giả “tung hoành”, trong khi Nghệ An hiện có khoảng 700 cửa hàng
kinh doanh xăng dầu đã khiến cho người tiêu dùng rất lo lắng.

Điều đáng nói hơn là dù đã phát hiện các doanh nghiệp kinh doanh xăng giả nhưng đến nay sau hơn nửa tháng, cơ quan chức năng Nghệ An vẫn chưa có quyết định xử lý cuối cùng. Điều này khiến cho người tiêu dùng rất bức xúc vì các đối tượng lừa dối khách hàng chưa chịu trách nhiệm. Mặt khác họ cũng đang rất lo lắng trước thực trạng xăng bẩn “lây lan” sang nhiều cửa hàng ở nhiều huyện khác nhau của tỉnh Nghệ An.

Anh Nguyễn Thế Tùng, tài xế taxi ở huyện Quỳnh Lưu chia sẻ: “Báo đài đưa tin trên địa bàn Quỳnh Lưu, Diễn Châu sản xuất và bán xăng giả thì chúng tôi thấy rất lo. Giờ không biết đổ cửa hàng xăng nào là thật nữa”.

Cùng tâm trạng trên, anh Nguyễn Văn Quý, tài xế xe tải ở huyện Diễn Châu trăn trở: “Khi đổ xăng chúng tôi chọn xăng dầu của Nhà nước, hoặc những đại lý có thương hiệu, nhưng vừa rồi thấy thông tin báo chí đưa vụ việc, trong đó có các cây xăng thương hiệu lại sử dụng xăng bẩn nên chúng tôi cũng rất bất an”.

Anh Nguyễn Thế Tùng, tài xế taxi ở huyện Quỳnh Lưu không biết
đổ cửa hàng xăng nào là thật.

Anh Nguyễn Quang Cự, ở TX.Thái Hòa cũng đề xuất: “Xăng giả tràn lan. Không biết đổ cây xăng nào là thật. Người dân như lạc giữa rừng xăng mà cứ nơm nớp. Tôi nghĩ cơ quan chức năng cần sớm xử lý nghiêm đối tượng kinh doanh xăng giả”.

Được biết, trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có khoảng 700 cửa hàng kinh doanh xăng dầu. Trong khi đó, tình trạng xăng dầu trôi nổi còn khá lớn, điều này không chỉ gây khó khăn cho công tác quản lý và quy hoạch trên địa bàn, mà còn ảnh hưởng tới an toàn phòng, chống cháy nổ, an ninh trật tự trên địa bàn và ảnh hưởng quyền lợi người tiêu dùng.

Anh Nguyễn Văn Quý, tài xế xe tải ở huyện Diễn Châu: “Các cây xăng thương hiệu
lại sử dụng xăng bẩn nên chúng tôi cũng rất bất an”.

Chiều 27/10, trao đổi với PV, ông Nguyễn Viết Hùng, Phó Chủ tịch hội Tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Nghệ An cho rằng, qua sự việc Nghệ An phát hiện hơn 2 triệu lít xăng giả cho thấy người tiêu dùng đang bị thiệt hại rất lớn.

Đó là ảnh hưởng đến vấn đề kinh tế, hư hỏng tài sản (xe máy, ô tô) và đe dọa tính mạng người tiêu dùng. “Đề nghị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh đối với cơ sở kinh doanh xăng dầu bẩn”, ông Nguyễn Viết Hùng nhấn mạnh.

Trả lời câu hỏi vì sao thời gian qua, xăng giả vẫn có “đất sống”, Phó Chủ tịch hội Tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Nghệ An cho rằng: “Nguyên nhân một phần là do chủ các doanh nghiệp vì lòng tham thu lợi bất chính nên bất chấp các quy định của pháp luật. Hơn nữa về góc độ cơ quan quản lý Nhà nước cũng có những kẻ hở nhất định nên mới xảy ra tình trạng kinh doanh xăng giả. Theo tôi về lâu dài các cơ quan nhà nước cần tăng cường phối hợp để thanh tra kiểm tra và xử lý nghiêm minh. Trong thanh tra thì nên có thanh tra đột xuất chứ định kỳ thì không thể phát hiện được các doanh nghiệp chế biến xăng bẩn”.