Ngày về trường cũ của cậu học trò cá biệt

Vũ Ngọc Quang từng mang danh học sinh cá biệt. Nhiều năm sau, cậu học trò đó quay về trường cũ, với chức danh giảng viên một CLB ngoại khóa.

"Đưa hết khuyên tai của em cho tôi" Từng là một học sinh lực học tốt khi đang học cấp 2, nhưng khi lên cấp 3, chàng trai sinh năm 1992 này bỗng nhiên chểnh mảng. Có thời gian dài Quang đi học vỏn vẹn hai buổi trong tuần, học năm tiết trốn về hai tiết cuối.

Các thầy cô trong trường phát bực vì cậu học trò đến lớp chỉ để... ngủ. Cô Trần Nhung, trưởng khối THPT trường Marie Curie cũng bất lực với cậu học trò cá biệt, ăn mặc khác người, tai rủng rỉnh cả chục cái khuyên lớn nhỏ rất ngầu. Có lần cô bắt Quang tháo hết khuyên ra tịch thu. "Mười mấy cái liền đó, gộp lại cũng cả đống tiền. Mình ấm ức lắm, ghét cô, rồi tỏ thái độ" - Quang nói. Cuộc gặp mặt xúc động giữa Quang và cô Trần Nhung: "Ngày xưa em và cô là thầy trò, bây giờ là đồng nghiệp".

Bố mẹ Quang cũng được nhà trường thông báo tình hình của con. Đi học như thế nên Quang bị đúp lớp 11. Mắng mỏ, khuyên răn mãi vẫn không suy chuyển. Bố mẹ Quang cũng bất lực với con. Dần dần chẳng ai buồn nói nữa. Cứ nghĩ, thằng Quang thế là hỏng hẳn rồi. Giấc mơ không nằm trên giấy Khác với chúng bạn có ước mơ đi du học, làm tiến sĩ, kĩ sư, cậu học trò nhỏ Vũ Ngọc Quang lại mong muốn làm một thứ không nằm trên trang giấy.

Những buổi trốn học của Quang mãi tới lớp 12, cô Nhung mới khám phá ra. Cô tìm hiểu, dò hỏi nhiều người mới biết, hóa ra cậu học trò nhỏ rất mê nhảy. Những hôm bỏ học là Quang đi học nhảy với các anh chị lớn hoặc đi diễn, chứ không phải đi chơi. Từ đó, cô không còn cáu gắt với Quang, lại còn tạo điều kiện tốt nhất cho việc học ở trường. Dần dần, Quang thấy việc đi học thoải mái hơn. Cậu cũng cố gắng đi học đều và chăm chỉ.

Quang đang dựng bài cho các em học sinh. Đam mê nhảy đến với Quang khi cậu đang học lớp 8. Sau nhiều ngày tháng lê la học lỏm từ các anh chị lớn, rồi mò mẫm tìm hiểu qua mạng, tới tận lớp 10 Quang mới hình thành những hiểu biết cơ bản về nhảy hip hop. Vốn có khả năng về ngôn ngữ cơ thể, bắt bài nhanh nên Quang được các anh chị lớn rất quý. Họ thường xuyên gặp nhau trao đổi kinh nghiệm, kiến thức. Khi đó, cậu có suy nghĩ sẽ đi học một lớp nhảy chuyên nghiệp, có bằng cấp hẳn hoi. Nhưng ở Việt Nam, mô hình đó không tồn tại. Vậy là Quang đành tìm đến một cái tương tự là múa.

Tốt nghiệp lớp 12, cậu đăng ký thi CĐ Nghệ thuật, hệ biên đạo múa. Ngày thi, Quang vẫn mù tịt về múa. Cậu lôi nhảy ra để so tài. Không ngờ lại đỗ với số điểm rất cao. Quang học một năm tạo nguồn để biết về các chất liệu trong nghệ thuật múa, rồi mới học chuyên ngành. Kết quả học tập của Quang tại đây khá tốt. "Mình rất vui khi thầy cô trường cũ nói, đợt đó giúp đỡ thằng Quang là không sai lầm". Học múa không phải là chuyện dễ dàng.

Quang kể, những ngày đầu trong phòng tập thực sự là những ngày khổ luyện. Ví dụ như học xoạc ngang, cậu mất cả năm trời, từ lúc bắt đầu học múa cho tới năm hai mới thành thục. Có những bài tập ép cơ, dăm bảy người ngồi đối diện nhau, mở rộng chân. Người ngoài ép dần vào trong, cho tới khi chân của người ở trong cùng... thẳng tắp với tường thì thôi. "Lúc đấy có cảm giác chân như đi mượn ấy. Phải có người kéo dậy. Có thằng dậy rồi ngồi khóc tu tu vì đau quá. Sau hôm đấy cả bọn đi lại bình thường nhưng chân vòng theo hình... chữ O" - Quang kể.

Cuộc gặp mặt xúc động giữa Quang và cô Trần Nhung: "Ngày xưa em và cô là thầy trò, bây giờ là đồng nghiệp".

Một đợt khác, Quang cùng mấy người bạn làm chương trình với thầy Quách Hoàng Điệp. Tự tin về sức bền tốt, sáng đi tập cậu chủ quan không ăn gì. Ấy thế mà sau 1 tiếng khởi động, môi Quang tím lại, mặt mũi xanh lét. "Mình còn thều thào kêu được. Chứ cậu bạn mình còn đến nỗi không nói nổi lời nào luôn" - Quang cười. Thầy giáo thương quá phải ra mua xôi cho học trò ăn lại sức.

Đợt đấy cũng là mùa đông, nhưng trong phòng tập, điều hòa để 18 độ và tất cả ở trần tập luyện. Mồ hôi trơn láng cả phòng, đến nỗi không cẩn thận có người trượt ngã. Trước là thầy trò, giờ là đồng nghiệp Sự miệt mài của Quang giờ đã có những kết quả đầu tiên. Sau nhiều năm, cậu quay lại trường cũ. Gặp lại các thầy cô một thời điên đầu vì cậu học sinh cá biệt, trong vai trò là giảng viên của CLB hip hop Marie Curie, Quang thấy rất khó tin. Từ một thành phần từng được coi là bất hảo trở thành giáo viên, nghe có vẻ phi lí. "Xúc động nhất là lúc cô Nhung nắm tay mình nói, ngày xưa em và cô là thầy trò, bây giờ là đồng nghiệp. Lúc đó thấy hạnh phúc lắm" - Quang chia sẻ.

Quang đang dựng bài cho các em học sinh. 

Vừa học, vừa đi dạy thêm và nhận biên đạo, show diễn để thêm thu nhập, Quang mong muốn có một ngày được đi ra thế giới học tập. Chịu khá nhiều thiệt thòi vì dị tật bẩm sinh bàn tay phải, Quang ít được lên sân khấu biểu diễn. "Cảm giác đứng trên sân khấu nó thiêng liêng lắm. Nhưng người ta quan niệm cái hay là cái đẹp luôn. Mình "hay" mà không "đẹp" thì không bao giờ được chấp nhận. Nên đành chịu thôi". Dù vậy, cậu cũng đã có riêng một nhóm bạn chuyên nghiệp đi diễn nhiều nơi.

Về phần mình, Quang chủ yếu làm biên đạo, dựng bài. Một năm, cậu đi diễn khoảng chục lần, dựng bài cho chừng ấy show. Múa là một môn nghệ thuật khó sống ở Việt Nam. Vì thế, thù lao tuy không cao, nhưng cậu luôn cố gắng làm tử tế và chất lượng. Nói về dự định tương lai, Quang cho biết cậu đã có nhiều phương án. Thậm chí không liên quan tới múa, nhảy, để có nguồn lực tài chính duy trì công việc yêu thích. Dù làm gì thì mục tiêu cuối cùng của Quang vẫn quay về với niềm đam mê nhảy, với mong muốn được biểu diễn và cháy hết mình trên sân khấu.