1. Năng lực chuyên môn và thủ đoạn hành nghề tưởng như là hai thứ phủ nhận lẫn nhau. Người không có thứ này mới phải sử dụng thứ kia để tồn tại. Nhưng thực tế là hai thứ ấy nhiều khi không mâu thuẫn, mà còn hỗ trợ lẫn nhau.
Jose Mourinho và Alex Ferguson, những người thường xuyên được vinh danh trong các cuộc bầu chọn “HLV xuất sắc nhất lịch sử”, năng lực không ai có thể phủ nhận, cũng đôi lúc phải sử dụng “thủ đoạn” trong hành nghề.
Vụ Jose Mourinho đi đêm với Ashley Cole để chèo kéo anh này rời Arsenal hồi năm 2005 đã quá nổi tiếng. Họ đã “xỏ mũi” Arsenal để tiến hành một cuộc gặp gỡ bí mật ở London. Một cuộc gặp rất tốn kém, khi sau đó cả Chelsea, Mourinho và Cole nhận 3 án phạt tổng cộng 600.000 bảng vì vi phạm hàng loạt điều khoản trong luật chuyển nhượng của Premiership.
Nhưng bù lại, một năm sau Chelsea có Ashley Cole, một hậu vệ cánh mà cho đến giờ phút này, vẫn không ai có thể thay thế.
Alex Ferguson cũng đã từng “đi đêm”, với chính M.U. Cuộc đào thoát của HLV huyền thoại từ Aberdeen sang M.U năm 1986 được tiến hành sau một loạt những cuộc điện thoại bí mật và gặp gỡ trong xe ô tô ở nơi đồng không mông quạnh, như một điệp vụ của 007. Aberdeen sau đó mất tướng mà chẳng hiểu vì sao.
Kể lại những chuyện ấy không phải để phán xét đúng-sai, mà để khẳng định rằng những ngón đòn “bóng tối” đã luôn là một phần của môn thể thao này.
2. Robin van Persie đã quay lưng với Arsenal. Ở châu Âu hiện nay hiếm có món hàng nào quý giá hơn tiền đạo người Hà Lan. Và không khó đoán rằng rồi sau đây, một cuộc đấu giá sẽ được tiến hành. Trong ánh sáng đèn của văn phòng chủ tịch Arsenal, và trong bóng tối của London.
Man City đã từng khiến HLV Arsene Wenger nổi điên vì “chơi xấu” trong cuộc chiêu mộ Nasri. Roberto Mancini đã lên báo oang oang về nguyện vọng muốn có được Nasri. Một cách bắn tín hiệu lộ liễu. Và thế là Nasri ra đi.
HLV Arsene Wenger từng nhiều lần bị "chơi xấu"
Wenger đã từng là nạn nhân của hơn một vụ như thế. Cesc Fabregas cũng đã dứt áo ra đi sau một chuỗi những tín hiệu lộ liễu từ cầu thủ của Barca. “Tôi nghĩ rằng những lời chào mời kiểu như vậy là trái với những quy tắc cơ bản của bóng đá. Chúng tôi cần sự tôn trọng” - ông Wenger mắng Mancini như đã mắng Barca (trong bất lực).
Xá gì mấy câu mắng mỏ nếu đạt được mục đích? Một năm sau, người ta lại thấy giám đốc Patrick Vieira của Man City nói trên báo: “Van Persie muốn có danh hiệu. Arsenal cần chứng tỏ họ có thể đem lại điều đó cho anh ấy”. Lại bài cũ, và lại thấy Van Persie quay lưng với Arsenal.
3. Cuộc chơi luôn có luật lệ. Nhưng để chiến thắng, người ta sẵn sàng xé tan luật lệ. Thắng-thua có thể được phân định bởi năng lực. Nhưng cũng có thể được phân định bằng sự khôn khéo.
Xét về năng lực tài chính, không đội bóng nào có thể đương đầu với Man City. Nhưng có thể cuộc đấu giá Robin van Persie sẽ được quyết định bởi một cách khác, chứ không đơn giản chỉ là những con số. Nếu M.U hay một đội bóng ít tiền nào đó chiến thắng, ta có thể xuề xòa mà gọi đó là chiến thắng của “lòng tin và khả năng thuyết phục” (dù ai mà biết họ thuyết phục nhau lúc nào, ở đâu, hợp pháp hay không?).
Man City đã chơi xấu để có Nasri, và manh nha sử dụng thủ đoạn để có Van Persie. Biết đâu họ có thể sẽ thua vì một cuộc đối thoại nào đó ở bãi đỗ xe, nơi đồng không mông quạnh? Chưa thể nói trước điều gì.