Mưa lũ lớn nhất 140 năm hoành hành ở Trung Quốc, đâu là nguyên nhân?

Mưa lũ kéo dài gây ra thiệt hại nặng nề ở miền Bắc Trung Quốc. Vậy, đâu là nguyên nhân?

Trong những ngày qua, do ảnh hưởng của cơn bão Doksuri, các trận mưa lớn chưa từng thấy trong vòng 140 năm qua đã trút xuống nhiều tỉnh thành của Trung Quốc. Điều này khiến tình hình lũ lụt trở nên ngày càng nghiêm trọng.

Reuters cho biết, kể từ khi đổ bộ vào miền Nam Trung Quốc, cơn bão Doksuri đã khiến ít nhất 20 người thiệt mạng và hàng nghìn người phải sơ tán, đồng thời gây ngập lụt ở Bắc Kinh và một số thành phố khác.

Theo Tân Hoa Xã, tính đến hết ngày 6/8, có ít nhất 36 người thiệt mang do lũ lụt ở Trung Quốc. Tuy nhiên, giới chức địa phương lo ngại rằng số người thiệt mạng còn có thể tăng lên.

Mưa bão lớn khiến nhiều thành phố ở Trung Quốc bị ngập lụt trong những ngày qua. Ảnh: AP

Reuters cho biết thêm, Bộ Thủy lợi Trung Quốc đã nâng mức ứng phó lũ lụt lên cấp 3 vào lúc 10h ngày 6/8 ở thành phố Cát Lâm, tỉnh Hắc Long Giang và khu vực Nội Mông. Cùng ngày, chính phủ Trung Quốc đã phân bổ thêm 350 triệu NDT (gần 49 triệu USD) cho công tác cứu hộ và khắc phục hậu quả tại Bắc Kinh, Hà Bắc, Thiên Tân, Hắc Long Giang và Cát Lâm.

Theo các chuyên gia, lượng mưa lớn kỷ lục trong một thời gian dài kèm với sự xuất hiện của bão Doksuri vào cuối tháng 7 đổ xuống miền Bắc Trung Quốc trong vòng 1 tuần qua, đã gây tình trạng ngập lụt trên diện rộng, đồng thời khiến cuộc sống của hàng triệu người bị đảo lộn. 

Cụ thể, lượng mưa từ ngày 29/7 đã phá vỡ nhiều kỷ lục địa phương tại thành phố Bắc Kinh và miền Bắc Trung Quốc. Theo đó, một hồ chứa nước ở quận Xương Bình của Bắc Kinh ghi nhận về lượng mưa tới 744,8 mm kể từ ngày 29/7 đến 2/8. Đây cũng là lượng mưa lớn nhất từng được ghi nhận ở Bắc Kinh trong suốt 140 năm qua. Tại tỉnh Hà Bắc, một trạm khí tượng đã ghi nhận tới 1.003 mm nước mưa kể từ ngày 29 đến 31/7. Đây là lượng mưa thông thường trong vòng 1,5 năm ở tỉnh Hà Bắc.

Đâu là nguyên nhân dẫn tới các trận mưa lũ lớn nhất 140 năm ở Trung Quốc?

Thành phố Bắc Kinh đang trải qua những ngày ngập lụt chưa từng thấy trong vòng 140 năm qua.
 Ảnh: Getty Images

Các nhà khí tượng học ở Trung Quốc cho biết, bên cạnh tàn dư của bão Doksuri, các luồng không khí ấm và ẩm cùng với hơi nước do cơn bão Khanun di chuyển chậm ở Tây Thái Bình Dương mang đến đã tạo điều kiện cho những trận mưa lớn xảy ra ở quốc gia này trong những ngày qua.

Cụ thể, khi các đám mây mưa của bão Doksuri hướng về phía Bắc Trung Quốc, có một hệ thống khí áp cao lục địa và cận nhiệt đới trong khí quyển chặn đường đi của chúng. Điều này dẫn tới sự hội tụ liên tục của hơi nước, đóng vai trò giống như một con đập trữ nước.

Ngoài ra, các nhà khí tượng học cho biết, các đặc điểm địa hình trong khu vực cũng góp phần khiến mưa lũ lớn xảy ra ở nhiều thành phố của Trung Quốc. Theo đó, ban đầu lượng hơi nước lớn tập trung ở miền Bắc Trung Quốc và sau đó được nâng lên do gió ở độ cao thấp, làm dịch chuyển lượng mưa tới phía đông của dãy Thái Hằng, nơi có các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bao gồm quận Môn Đầu Câu và quận Phòng Sơn của Bắc Kinh.

Công tác cứu hộ tại các thành phố bị ảnh hưởng của mưa bão ở Trung Quốc vẫn đang tiếp tục
 được triển khai. Ảnh: SCMP

Trong khi đó, một loạt các đám mây đối lưu tập trung ở trên khu vực này dẫn tới lượng mưa lớn xảy ra trong một thời gian dài. Điều này khiến nhiều thành phố ở Trung Quốc bị thiệt hại và khiến công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn.

Khi bão Doksuri yếu đi, bão Khanun lại mạnh dần ở Tây Thái Bình Dương và tới gần vùng ven biển của Trung Quốc. Chính sự tương tác giữa hai cơn bão làm tăng lượng mưa và dẫn tới tác động mạnh ở trên diện rộng.

Minh chứng là tại các khu đô thị ở Bắc Kinh, hàng trăm con đường bị ngập lụt, buộc các công viên và những điểm tham quan du lịch phải đóng của. Ngoài ra, còn có hàng trăm chuyến bay bị hoãn hoặc phải hủy tại hai sân bay lớn của thành phố. 

Tác động của mưa bão còn rõ rệt hơn ở vùng ngoại ô thuộc phía tây thành phố. Ở các quận Phòng Sơn và Môn Đầu Câu, nước lũ tràn xuống các con đường, cuốn trôi xe cộ. Các ngôi làng tại vùng núi thậm chí còn bị mưa lũ cô lập, buộc chính quyền địa phương phải cho trực thăng để thả thức ăn, nước uống và các nhu yếu phẩm khẩn cấp cho người dân.