Vì bóng đá, không vì tiền
Trong tháng 7 này, có lẽ sự kiện thể thao được dư luận quan tâm nhất chính là hành trình Arsenal sang Việt Nam đá giao hữu. Không phải đến khi các danh thủ Arsenal đặt chân tới Việt Nam, sự kiện này mới được quan tâm, mà trước đó, dư luận đã không ngừng bàn tán.
Hành trình Arsenal sang Việt Nam gặp chông gai không phải từ những cuộc đàm phán giữa “nông dân” và “hoa hậu” mà lại là từ những lùm xùm quanh giá thuê sân Mỹ Đình. Bên cạnh đó, việc các bên liên quan phải trả bao nhiêu tiền để nhận được cái gật đầu từ Arsenal cũng được quan tâm. Tuy nhiên, tới lúc này, đó vẫn là bí mật. Người ta chỉ biết đến con số 50 tỷ đồng mà Hoàng Anh Gia Lai và Eximbank đưa ra.
Điều đáng nói, trong chiến dịch này, hai doanh nghiệp của Việt Nam là Hoàng Anh Gia Lai và ngân hàng Eximbank cùng chia nhau gánh nặng tài chính nhưng không hiểu sao bầu Đức và Hoàng Anh Gia Lai luôn được nhắc tới nhiều hơn.
Chính vì vậy, báo giới cũng “săn đuổi” bầu Đức nhiều hơn ông Lê Hùng Dũng, sếp lớn Eximbank.
Một trong những vấn đề bầu Đức được hỏi chính là chuyện tiền bạc. Tuy nhiên, bầu Đức khiến dư luận ngã ngửa khi khẳng định trong chiến dịch này, ông không quan tâm nhiều tới tiền bạc vì “đây là một lĩnh vực hoàn toàn khác, không thể kiếm tiền được”.
Nguyên nhân khiến bầu Đức phải rút hầu bao mời Arsenal sang Việt Nam chính là “Tôi muốn làm một cái gì đó cho Việt Nam, muốn phong trào thể thao của nước ta nóng lên, chứ không bao giờ nghĩ tới chuyện kiếm tiền từ việc này”.
Ông cũng khẳng định thêm: “Muốn kiếm tiền phải kinh doanh, sản xuất cho tốt, chứ không phải thu lời từ bóng đá”.
Lời khẳng định chắc như đinh đóng cột của bầu Đức khiến dân tình ngạc nhiên. Hóa ra một ông chủ doanh nghiệp vốn rất căn cơ chuyện chi tiêu lại sẵn sàng bỏ ra hàng chục tỷ đồng chỉ vì “muốn phong trào thể thao của nước ta nóng lên”.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế lại phân tích điều ngược lại. Có thể bầu Đức không thể kiếm được tiền khi tổ chức trận đấu này nhưng trận đấu này có thể mang lại cho bầu Đức rất... nhiều tiền.
Vẫn có thể kiếm nhiều tiền
Ông Trần Đăng Duy, Giám đốc khối môi giới, Công ty chứng khoán Woori CBV nhận xét, lãnh đạo của các công ty niêm yết làm gì cũng phải tính toán kỹ lưỡng. Họ phải tính kinh phí bỏ ra có tác động tới hình ảnh của đơn vị họ đang làm chủ như thế nào.
Với Hoàng Anh Gia Lai, vừa rồi, công ty này bị tổ chức nước ngoài "tố" không bảo vệ môi trường ở nước bạn. Có thể, sau khi sự cố đó dịu đi, họ cần tập trung làm lại hình ảnh công ty. Giao lưu bóng đá góp phần tạo nên không khí mới, hình ảnh mới. Bóng đá là môn thể thao vua được mọi người chú ý nhiều. Kể cả những người thích xem, hay không xem thì họ vẫn biết bóng đá. Đây có thể là cách Hoàng Anh Gia Lai lấy lại hình ảnh đã bị xấu đi trong thời gian qua.
Sau trận giao lưu bóng đá này, Arsenal có thể có nhiều tác động tích cực đến bản thân Hoàng Anh Gia Lai và cổ phiếu HAG cũng như như Nick Vujicic tác động tích cực tới cổ phiếu HSG (Tôn Hoa Sen).
Tuy nhiên, ông Duy đánh giá, sự kiện này có thể tác động không mạnh tới HAG như Nick Vujicic đã làm tới HSG vì PR chỉ là một phần. Thời gian trước, HSG tăng mạnh cũng là do công ty liên tục công bố báo cáo kết quả kinh doanh tốt. Bên cạnh đó, giá cổ phiếu còn phụ thuộc vào luồng tiền trên thị trường và độ pha loãng cổ phiếu.
Ví dụ HSG “đặc” hơn nên giá dễ lên giá hơn khi có tin tốt. Thêm vào đó, thời điểm Nick Vujicic sang Việt Nam, các nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ đang mua vào mạnh. Đây cũng là yếu tố giúp HSG tăng điểm mạnh mẽ.
Còn Hoàng Anh Gia Lai thì khác, sau khi bị tố “phá rừng”, cổ phiếu HAG liên tục bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng. Tới khi Arsenal sang Việt Nam, lượng mua ròng của nhà đầu tư nước ngoài có tăng nhưng không nhiều lắm.
Nhưng dù sao, ông Duy đánh giá về cơ bản, sự kiện này sẽ giúp HAG có chiều hướng tốt. Thậm chí có người kỳ vọng HAG sẽ là HSG thứ hai. Chính vì hy vọng đó, trong mấy phiên gần đây, nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào cổ phiếu HAG để đón sóng.
Về lời khẳng định mời Arsenal sang Việt Nam không phải vì tiền của bầu Đức, chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang đồng tình khi cho rằng chiến dịch này chắc chắn không giúp bầu Đức kiếm tiền. Tuy nhiên, ông Quang cho biết thêm, đây là hoạt động làm thương hiệu. Mà làm thương hiệu thì cuối cùng cũng ra tiền.
Ông Quang cho rằng, trong chiến lược kinh doanh có chi phí ngắn hạn, có chi phí dài hạn. Chi phí ngắn hạn có thể mang lại tiền ngay lập tức nhưng chi phí dài hạn chỉ tác động gián tiếp, giúp công ty có thể kiếm được nhiều tiền hơn về sau.
Ông Quang phân tích: Việc mời Arsenal sang Việt Nam nằm trong chương trình đánh bóng thương hiệu của Hoàng Anh Gia Lai. Và khoản đầu tư này sẽ mang lại hiệu quả gián tiếp. Sau sự kiện này, hình ảnh của Hoàng Anh Gia Lai sẽ được cải thiện tốt, đi kèm với nó là giá cổ phiếu tăng.
Cũng như ông Duy, ông Quang cho rằng hiệu quả trước mắt mà sự kiện này mang lại cho Hoàng Anh Gia Lai có thể không được nhìn rõ bằng hiệu quả mà Nick Vujicic mang lại cho Tôn Hoa Sen. Nguyên nhân là do thị trường trọng tâm của Hoàng Anh Gia Lai đang dịch chuyển ra nước ngoài và rút bớt sản phẩm trong nước.
Ví dụ, Hoàng Anh Gia Lai đầu tư mạnh cao su ở Lào và bất động sản ở Myanmar. Vì vậy, các chiến lược PR của Hoàng Anh Gia Lai cũng có xu hướng “quốc tế hóa” hơn.
Đánh giá đây là cách PR lành mạnh và mang lại hiệu quả rất cao, ông Quang dẫn chứng những chiến dịch tài trợ thành công cho bóng đá của Tiger, cho tennis của Heiken. Các chiến dịch dùng thể thao để đánh bóng thương hiệu này mang lại rất nhiều lợi ích gián tiếp cho doanh nghiệp.