Mọi chuyện sẽ không có gì đáng bàn, nếu không có Nghị định 25/2011/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là NĐ 25) trong đó qui định mức giới hạn sở hữu cổ phần trong các DN viễn thông. Theo đó, mỗi cá nhân tổ chức đã sở hữu trên 20% cổ phần của trong một DN viễn thông thì không được sở hữu trên 20% cổ phần của DN viễn thông khác cùng kinh doanh trên một thị trường viễn thông. Tuy vậy, sự kiện đang được quan tâm là Mobifone sẽ được cổ phần hóa hay sẽ sáp nhập vào Vinaphone. Đã có nhiều ý kiến xoay quanh vấn đề này. Tuy vậy, để nhận diện rõ hơn sự kiện này cần phải làm rõ hai vấn đề sau:
Một là: Tương quan cạnh tranh trên thị trường viễn thông VN hiện nay.
Hai là: Sự ra đời của NĐ 25 nhằm mục tiêu gì trong việc quản lí thị trường viễn thông?
Tương quan cạnh tranh trên thị trường viễn thông
Như trên đã đề cập, với thị phần chiếm đa số, Viettel Mobi và Vina là những DN dẫn dắt và tạo ra các khuynh hướng cạnh tranh trên lĩnh vực viễn thông. Nói như thế không có nghĩa các hãng viễn thông còn lại không có tác động gì đối với quá trình cạnh tranh. Cách đây nửa năm, khi lần đầu hãng Beeline giới thiệu gói cước Tỷ phú, đã tạo nên những hiệu ứng mạnh mẽ, tạo ra một sức ép lớn đối với ba "đại gia viễn thông" khi hãng này mỗi ngày có thêm khoảng 10.000 thuê bao mới. Tuy vậy, với sự quản lí về giá cước như hiện nay, việc cạnh tranh bằng chiến lược giá rẻ đã bị giới hạn đi rất nhiều (minh chứng rõ nhất là việc gói cước Tỷ phú của Beeline đã bị đình chỉ từ tháng 11/2011). Do vậy, trong tương lai gần, vai trò dẫn dắt vẫn thuộc về ba hãng Viettel, Mobi và Vina mà thôi.
Có ba nhà cung ứng lớn nhưng thực tế, câu chuyện cạnh tranh về viễn thông không như mọi người vẫn nhầm tưởng. Về bản chất, Mobi và Vina không hề cạnh tranh với nhau. Việc kinh doanh viễn thông của Mobi, Vina cũng giống như chuyện trong cùng một chợ, một chủ nhưng người ta trưng bày nhiều hàng khác nhau. Khi có nhiều hàng khác nhau, các bà nội trợ có cảm giác là mình có nhiều lựa chọn cho bữa ăn của mình. Thật ra, về bản chất cũng chỉ có vậy. Nhìn từ chiến lược kinh doanh của hai hãng nãy, cách tính cước cùng với các chương trình khuyến mại, chúng ta sẽ dễ dàng rút ra kết luận cho riêng mình. Cho nên, việc cạnh tranh (nếu có) chỉ là câu chuyện giữa Viettel và VNPT (gồm cả Mobi, Vina) mà thôi.
Cho nên, khi nói rằng việc Mobi sáp nhập vào Vina sẽ tạo ra hiện tượng độc quyền là chuyện cần phải xem xét lại. Bản chất từ trước khi sáp nhập, hai hãng Mobi và Vina không cạnh tranh với nhau thì cho dù có sáp nhập thì cũng không có gì khác về mặt hệ quả.
Đâu là mục tiêu quản lí
Mỗi văn bản ra đời, đều mang trong mình một mục tiêu nhất định, nhằm đáp ứng cho nhu cầu quản lí Nhà nước về lĩnh vực mà văn bản ấy điều chỉnh. Trên tinh thần như vậy, cần phải làm rõ mục tiêu của Nghị định 25 là gì? Vì chỉ có như vậy, chúng ta mới có cơ sở cho việc luận giải các vấn đề liên quan đến thương vụ Mobifone cũng như đưa ra các định hướng cần thiết cho việc tái cấu trúc VNPT.
Nghị định này ra đời vào thời điểm đầu năm 2011. Vào thời điểm này, viễn thông VN đang tồn tại bảy nhà cung ứng (lúc đó, EVN Telecom vẫn chưa sáp nhập vào Viettel). Cạnh tranh vẫn rất khắc nghiệt đối với các nhà mạng. Mục tiêu ổn định thị trường của ba nhà mạng Viettel, Mobi và Vina đã vững vàng khi chính sách về giá cước được xiết chặt. Điều này thể hiện trên hai phương diện: Giá cước được quản lí, Sim khuyến mại hầu như bị cấm.
Theo nghị định của chính phủ, VNPT sẽ không đồng thời được sở hữu hai DN:Vinaphone và Mobifone
Tất cả các biện pháp này, suy cho cùng, đều nhằm tạo ra một thị trường chung về giá. Nói cách khác, trong bối cảnh, một mặt bằng chung về giá cước sẽ làm cho chiến lược cạnh tranh bằng giá của các nhà mạng nhỏ không còn "đất dụng võ". Kết quả là, tương quan cạnh tranh và thị phần không thể bị phá vỡ. Đồng thời, việc cấm sim khuyến mại được coi là một cách thức “tăng giá" cước khá khôn ngoan của ba "đại gia" viễn thông VN. Khách hàng dùng điện thoại không còn trông mong gì vào việc mua sim khuyến mại, muốn liên lạc chỉ còn cách nạp tiền vào tài khoản. Như vậy, so với việc phải bỏ ra nhiều chi phí cho việc bán các sim (khuyến mại), hiệu quả mà chiến lược loại bỏ sim khuyến mại hữu hiệu hơn nhiều. Cuộc đua doanh số 100.000 tỷ giữa VNPT (Mobi, Vina) và Viettel chính là minh chứng.
Theo qui luật cung cầu, một ngành hàng có lợi nhuận cao sẽ có sức hút đối với các nhà đầu tư. Với lợi nhuận cao và tiềm năng phát triển của viễn thông VN có hấp lực đặc biệt đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào viễn thông VN có hai lựa chọn:
Một là: Đầu tư thành lập mới.
Hai là: Mua lại hoặc liên doanh với một nhà mạng đang hoạt động tại VN.
Lựa chọn thứ nhất là không khả thi. Vì đầu tư thành lập mới cần số vốn đầu tư ban đầu rất lớn. Do đó, nhà đầu tư này muốn thu hồi khoản đầu tư và lợi nhuận thì cần phải hoạt động hiệu quả trong một thời gian dài. Trong bối cảnh VN, họ không làm được điều này vì thị trường đã nằm trong sự kiểm soát của Vina, Mobi và Viettel. Chưa kể sự kiểm soát về giá cước như đã đề cập ở trên càng làm cho triển vọng phát triển của nhà đầu tư nước ngoài thành lập mới càng trở nên mong manh.
Do đó, lựa chọn thứ hai được coi là một lựa chọn hợp lí tại thời điểm này. Với lựa chọn này, nhà đầu tư không phải đầu tư từ đầu, họ chỉ mua lại hoặc liên doanh. Kết quả là họ vẫn kinh doanh được trong khi chi phí đầu tư và công sức để thành lập lại tiết kiệm đi rất nhiều. Nhưng đây cũng là lúc Nghị định 25/2011/NĐ-CP ra đời.
Đến đây có thể thấy, dường như mục tiêu của NĐ 25 chính là hạn chế đầu tư vào viễn thông trong giai đoạn hiện tại, ổn định thị trường và tránh cuộc cạnh tranh "hủy diệt" trên thị trường viễn thông VN.
Vướng mắc lớn nhất mà NĐ này gây ra đó là việc cùng lúc sở hữu cả hai DN viễn thông Mobi và Vina của VNPT. Nhưng như trên đã phân tích, vẫn có thể giải quyết tình trạng này bằng cách sáp nhập Mobi vào Vina.
Mobifone sẽ về đâu ?
Có hai kịch bản cho vụ việc Mobifone cổ phần hóa hãng này hoặc sáp nhập Mobi vào Vina.
Nếu Mobi sáp nhập vào Vina, tương quan về cạnh tranh trên thị trường viễn thông VN vẫn như hiện trạng bây giờ. Việc sáp nhập này không bị cấm theo qui định của Luật cạnh tranh. Bởi vì pháp luật cạnh tranh không cấm đối với việc sáp nhập khi các đơn vị này có chung một chủ sở hữu. Nếu phương án này được lựa chọn, nguồn lực về viễn thông sẽ được tập trung tốt hơn. Theo đó, người dùng viễn thông VN sẽ có cơ hội được tận hưởng những thành tựu mới về viễn thông, điều mà họ sẽ khó có cơ hội được hưởng trong một thị trường viễn thông phát triển manh mún. Nhưng điều này cũng sẽ có thể dẫn đến hệ quả là tình trạng trì trệ và bóc lột khách hàng. Đến lúc này, các qui định của pháp luật cạnh tranh trong việc chống các hành vi lạm dụng quyền lực thị trường, đặc biệt là các hành vi bóc lột khách hàng cần phải được thực hiện một cách mạnh mẽ, không có một sự khoan nhượng. Như vậy, quyền lợi khách hàng vẫn được bảo đảm, nhưng bằng cơ chế thực thi pháp luật cạnh tranh.
Đối với việc cổ phần hóa Mobifone, điều này cũng đồng nghĩa, VNPT sẽ không còn sở hữu nhiều hơn 20% cổ phần Mobi. Vina và Mobi sẽ tách rời nhau với các mục tiêu và chiến lược kinh doanh khác nhau. Khả năng hình thành thế "chân vạc" thật sự sẽ hình thành. Nói cách khác, người dùng viễn thông sẽ có thêm lựa chọn cho nhu cầu tiêu dùng của mình. Nhưng liệu rằng một thị trường manh mún có tốt hơn một thị trường tập trung, hiện đại?
Với những gì đã phân tích, nhà quản lí về viễn thông phải xác định mục tiêu của mình trong chiến lược phát triển viễn thông VN trong thời gian tới là gì? Nếu mục tiêu là tạo lập một môi trường tập trung thì lựa chọn sẽ là sáp nhập Mobi vào Vina. Nhưng lựa chọn này phải bảm đảm việc thực thi pháp luật cạnh tranh về chống lạm dụng quyền lực thị trường và pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được thực thi hiệu quả. Bởi vì nếu hai lĩnh vực pháp luật này không được thực thi tốt, người bị thiệt hại trước hết sẽ là người tiêu dùng. Nếu mục tiêu là bảo vệ cấu trúc thị trường, tạo lập nhiều nhà cung ứng thì nên lựa chọn việc cổ phần hóa Mobi. Nhưng lựa chọn này cũng phải cân nhắc đến khâu cổ phần hóa, tránh việc thất thoát tài sản nhà nước trong quá trình cổ phần hóa. Bài học cổ phần hóa của Nga trong thập niên 90 của thế kỉ trước hoặc việc cổ phần hóa của VN vài năm trước dường như vẫn còn nguyên giá trị trong thương vụ này.