"Vấn đề thực nghiệm đưa vào giáo dục liên quan đến con người nên cần hết sức thận trọng. Cho nên trước mắt là thực hiện tại trường Thực nghiệm và Bộ GD-ĐT chỉ đạo mở rộng thực nghiệm, mở rộng đến mức nào đó thì mới cần phải có đánh giá"...
|
GS.TS Phan Văn Kha, Viện trưởng Viện KH-GD Việt Nam cho biết.
Xung quanh câu chuyện bàn luận về mô hình trường Thực nghiệm, PV đã có cuộc trao đổi với GS.TS Phan Văn Kha, Viện trưởng Viện khoa học giáo dục Việt Nam (đơn vị trực tiếp quản lý trường Thực nghiệm).
- Thưa ông, ưu điểm nổi bật dễ nhận thấy ở trường Thực nghiệm so với những trường công lập bình thường khác là như thế nào?
GS Phan Văn Kha: Ở trường Thực Nghiệm những phương pháp dạy học mới được áp dụng, đặc biệt là dạy học theo dự án, thông qua các dự án để phát triển năng lực cho học sinh.
Không chỉ thuần túy chỉ là kiến thức mà học sinh nắm được, mà từ những kiến thức đó học sinh có được những bài học cụ thể gì trong cuộc sống.
Việc này cũng có nhiều vấn đề đó là: một là phải đóng vai, thứ hai phải có sự hợp tác, thứ ba tạo cho các cháu sự sáng tạo chủ động đề xuất phương án đóng góp cho nhóm, thứ tư tạo cho các em bản lĩnh, sự tự tin. Thông qua đó, các em học sinh được rèn luyện nhiều năng lực.
- Như vậy, sự khác biệt lớn nhất ở đây là phương pháp dạy học?
GS Phan Văn Kha: Theo tôi thì phương pháp dạy học là điều rất quan trọng. Các nhà khoa học hay nói thầy thiết kế, trò thi công, thực ra cũng không hoàn toàn như vậy.
Thực tế trò có thể tự thiết kế và thi công, người thầy chỉ đóng vai trò hướng dẫn chỉ đạo, nhưng thầy phải biết khi nào phải tham gia vào để định hướng cho nên vai trò của người thầy ở đây rất quan trọng.
- Thưa ông, nhiều phụ huynh phản ánh rằng học xong trường Thực nghiệm rất khó trúng tuyển vào trường Amsterdam hay các trường THPT chuyên. Liệu điều đó có chính xác?
GS Phan Văn Kha: Tôi đồng ý là như vậy, vì mục tiêu của trường không phải là cho học sinh thi đỗ vào trường chuyên mà muốn giáo dục toàn diện, đại trà cho các cháu.
Học sinh có mức độ kiến thức vừa đủ, đạt chuẩn. Đặc biệt là về phẩm chất, đạo đức, cách sống, kỹ năng sống… điều này cực kỳ quan trọng và các cháu tự tin.
Các cháu vào đây không phải chỉ học kiến thức, kỹ năng mà còn học để trở thành người thực sự. Như vậy mô hình rất là đa dạng, rất nhiều vấn đề có liên quan.
GS.TS Phan Văn Kha, Viện trưởng Viện KH-GD Việt Nam
- Hiện tại, trường Thực nghiệm đang cho thi hành đồng thời 2 chương trình là giáo dục phổ thông và giáo dục thực nghiệm. Vậy thưa ông, lãnh đạo Viện đã có đánh giá như thế nào về 2 mô hình này?
GS Phan Văn Kha: Trước đây và cho đến bây giờ theo tôi được biết thì chưa có một đánh giá lớn nào về hai chương trình này. Trong mấy năm vừa qua mọi người đang tiến hành rà soát lại toàn bộ kể cả vấn đề chương trình và SGK.
- Thưa ông, hiện nay có nội dung gì trong mô hình Thực nghiệm có thể đem ra áp dụng đại trà được không ?
GS Phan Văn Kha: Có một cuốn mà Bộ GD-ĐT có thể mở rộng thí điểm rộng hơn đó chính là chương trình tiếng Việt lớp 1. Việc này phải để cho địa phương đăng ký.
Nhưng qua quá trình dạy ở trường Thực nghiệm cho thấy nó hoàn toàn phù hợp và có thể áp dụng được ở các trường nông thôn và thành thị.
Năm đầu các địa phương đăng ký rất hạn chế, nhưng sau đó tăng dần năm 2011 có 13 tỉnh đăng ký, năm nay có 16 tỉnh.
16 tỉnh hiện đang áp dụng mô hình Thực nghiệm: Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn, Hòa Bình, Tây Ninh, Kon Tum, Bình Phước, Ninh Thuận, Kiên Giang, Cà Mau, Lai Châu, Cao Bằng, Quảng Bình, Bắc Cạn. |
- Thưa ông, nói đến công nghệ giáo dục là nói đến những gì tiên tiến và hiện đại nhất nhưng tại sao các thành phố họ lại ngại ngùng khi thực hiện các mô hình này trong khi chúng ta lại đang phát triển mạnh lên khu vực miền núi ?
GS Phan Văn Kha: Việc các thành phố lớn chưa triển khai không phải là ngại mà do chưa hỏi ý kiến. Qua kiểm tra khảo sát nếu đưa mô hình thực nghiệm này triển khai ở các trường đồng bằng và thành thị chắc chắn sẽ thành công và điều quan trọng cái khó chính là phải thử xem đối với vùng miền núi có được hay không?
- Việc triển khai nhân rộng mô hình thực nghiệm này có khó khăn gì không thưa ông?
GS Phan Văn Kha: Tôi phải nói thế này, việc thí điểm phải rất thận trọng. Ngay cả việc thí điểm tại trường của Viện chỉ khi nào mình biết nó tương đối rồi thì lúc bấy giờ mới thí điểm. Và việc đưa ra thí điểm ở các tỉnh phải là do Bộ GD-ĐT.
- Nhiều người cho rằng, mô hình trường thực nghiệm được duy trì hơn 30 năm mà chưa có một kết luận chính thức trong khi hàng năm nhà nước vẫn đầu tư. Như vậy, phải chăng đang có sự lãng phí trong đầu tư nghiên cứu?
GS Phan Văn Kha: Thật ra số tiền ngân sách nhà nước sử dụng cho vấn đề đầu tư nghiên cứu và thực nghiệm nói tổng cộng là 30 năm nhưng thời gian thực nghiệm ngắn hơn.
Gọi là trường Thực nghiệm và mô hình thực nghiệm nhưng không chỉ có mỗi thực nghiệm, chúng tôi có cả triển khai đại trà. Mỗi năm thì có thể chọn vài lớp và số môn học thực nghiệm. Cho nên tốn kém ở đây là chuyện bình thường.
Lâu lắm rồi, đầu tư cho việc thực nghiệm là rất ít. Mấy năm gần đây gần như không có kinh phí để thực nghiệm.
- Thưa ông, liệu đến khi nào mới có những đánh giá chính thức về mô hình thực nghiệm này?
GS Phan Văn Kha: Vấn đề thực nghiệm đưa vào giáo dục nó liên quan đến vấn đề con người nên cần hết sức thận trọng. Cho nên trước mắt là thực hiện tại trường Thực nghiệm và Bộ GD-ĐT chỉ đạo mở rộng thực nghiệm, mở rộng đến mức nào đó thì cần phải có đánh giá.
Nếu chỉ dựa vào một vài trường để đánh giá thì sẽ không khách quan, không thể dùng đánh giá trong một phạm vi hẹp để khái quát cho toàn bộ cái đó được.
Tôi nghĩ trong quá trình làm chương trình mới sẽ có đánh giá mô hình thực nghiệm này.
Xin cảm ơn ông!
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?