Dù đây là một mùa bóng thất bát với Barcelona, thì những gì mà Pep làm được đã là đủ để giúp ông được dựng tượng. Không chỉ là câu chuyện về 13 chiếc Cúp trong 4 mùa bóng, Barca dưới thời của Pep có thể được xem như một trong những tập thể hay nhất của lịch sử bóng đá thế giới, với một lối chơi được nâng tầm ngang hàng với những trường phái huyền thoại như Catenaccio hay bóng đá tổng lực, với một triết lý bóng đá rất “nhân văn”, bắt nguồn từ “cội rễ” của đội bóng là lò La Masia. Barca của Pep, rất chính xác, là “hơn cả một đội bóng”, và để mất ông, theo một cách khá hụt hẫng vừa qua, có lẽ là điều rất tồi tệ đối với những người Catalunya lúc này.
Nhưng có thật là vị trí của Pep là không thể thay thế, và sự ra đi này sẽ chấm dứt hoàn toàn một chu kỳ thành công của Barca?
Cách đây gần hai thập kỷ, một câu hỏi tương tự đã được đặt ra sau khi Johan Cruyff rời ghế HLV trưởng Barcelona (năm 1996). Ai có thể làm tốt hơn một người đã giúp đội bóng giành 11 danh hiệu trong 8 năm, đã tạo ra một đội bóng được mệnh danh là “Dream Team”, và đặt nền móng cho thứ bóng đá sau này được nâng tầm lên thành một trường phái lớn là Tiqui-taca?
Câu trả lời đã có, dù phải mất hơn một thập kỷ để người Catalunya tìm ra nó. Pep đã làm tốt hơn cả Cruyff, trong một quỹ thời gian ngắn hơn gấp đôi. Lịch sử luôn công bằng, và chúng ta không bao giờ nên khẳng định rằng có thứ gì đó không thể thay thế. Với trường hợp của Pep hiện tại, thì tìm ra một người đủ tài năng thế vai (và thậm chí là làm tốt hơn) ông cũng không hẳn là điều bất khả thi. Điều quan trọng nhất sau khi Pep ra đi cũng không hẳn là tìm một người thật giống ông (dù được thế thì càng tốt), mà là một sự đảm bảo rằng Barca sẽ không đi chệch khỏi con đường họ đã lựa chọn những năm qua.
Có thật là vị trí của Pep là không thể thay thế? (Ảnh Getty)
Bài học từ kỷ nguyên Cruyff
Sau kỷ nguyên của Cruyff, Barca bị ám ảnh với những người Hà Lan đến nỗi đã thuê Louis Van Gaal đến hai lần, xây dựng một đội Hà Lan thu nhỏ trong lòng Catalunya, và sau này, ngay cả trong giai đoạn khá thành công dưới thời HLV Frank Rjikaard, thì chính triết lý bóng đá mà ông Cruyff đã đặt nền móng cho Barca lại giẫm chân tại chỗ.
Tức là khi ông Cruyff ra đi, Barca đã chọn cách cố “bới tìm” một Cruyff mới trong số những người Hà Lan mà đa phần đều không hề có chung tư tưởng với HLV vĩ đại ấy, trong khi con đường đã được khai phá, một triết lý bóng đá thật sự đưa đến thành công, đã bị bỏ hoang nhiều năm.
Pep đơn giản là người đã cho phát quang cỏ dại mọc đầy trên con đường bị bỏ quên ấy: Tư tưởng bóng đá đơn giản, đề cao quyền sở hữu bóng, những đường chuyền ít chạm mang “thông điệp” và lối di chuyển thông minh đã được nâng tầm, bằng cách trọng dụng những cầu thủ “ăn tập” và lớn lên theo cùng một cách trong nhiều năm ở La Masia. Khi con đường của Barca – Cruyff được phát quang và được lát gạch dưới thời Barca – Pep, tiqui-taca ra đời.
Ngay cả Pep cũng chỉ là một mắt xích (dù có là mắt xích quan trọng nhất đi nữa) trong một hành trình tìm lại con đường mà Barca-Cruyff đã khai phá: Ông không thể tạo ra một Barca mạnh đến thế nếu không được ủng hộ một cách tuyệt đối, ngay cả trong khó khăn, thất bại, và ngay cả trong những quyết định bị coi là điên rồ (một trong đó là việc đôn rất nhiều cầu thủ từ Barca B lên, như Busquets, Pedro…).
Bây giờ, Pep đã chính thức nói lời chia tay, nhưng con đường mà Barca dưới kỷ nguyên của ông đã đi không thể bị bỏ hoang như Barca của Cruyff cách đây gần hai thập kỷ. Vì thế, bài toán thay thế Pep thật ra chỉ là một phần trong bài toán tổng thể rằng Barca không để mình bước ra khỏi con đường ấy. Nếu họ vẫn trung thành với lối chơi tận hiến, vẫn thích ghìm bóng xuống mặt cỏ và “đan lát” kín sân, vẫn đào tạo ra những Xavi, Iniesta mới…, thì trong tương lai không xa, họ vẫn sẽ tìm ra một Pep thứ hai.