Hợp đồng bản quyền truyền hình sẽ rất khó thay đổi
Sau rất nhiều lần thể hiện sự “chơi đẹp” với việc chia sẻ bản quyền TH cho các đài TH địa phương, nỗ lực để các trận đấu được tường thuật trực tiếp nhiều hơn, rồi cam kết sẽ dành lợi nhuận để hỗ trợ thể thao Việt Nam, AVG có vẻ như đã bắt đầu có những động thái mạnh mẽ và dứt khoát hơn để bao vệ quyền lợi của mình.
Liệu một ông bầu nào đó có bỏ bóng đá vì bản quyền TH?
Việc AVG chủ động ngồi lại với VPF để tìm ra tiếng nói chung, để tìm hướng đi theo hướng hợp tác hơn là “đối đầu” phần nào thể hiện thiên chí của AVG. Tuy nhiên, trong văn bản trả lời VPF sau đó, AVG đã thể hiện sự cứng rắn khi thẳng thừng từ chối các yêu cầu của VPF. Trong văn bản, phía AVG còn khẳng định rằng chỉ làm việc về thương quyền với VPF sau khi VPF đã được VFF ủy quyền khai thác thương quyền các giải bóng đá Việt Nam.
AVG khẳng định: “Về đề nghị AVG phải làm việc với VFF để giao lại quyền khai thác thương quyền cho VPF, AVG sẽ không thực hiện”. Rõ ràng, AVG đã phải bỏ ra số tiền cả nghìn tỉ để đầu tư cơ sở vật chất cho truyền hình, đã mất công sức thương thảo để có được hợp đồng bản quyền TH của bóng đá Việt Nam thì chẳng có lí gì khi VPF ( đơn vị chưa có được đầy đủ các văn bản chuyển giao khai thác thương quyền) yêu cầu, AVG lại phải chạy theo và răm rắp thực hiện.
Khi phía VPF không đạt được mong muốn của mình, phía VPF hoàn toàn có quyền khiếu nại lên cấp cao hơn và trên thực tế, các ông bầu đã tiến hành khiếu nại về kết quả thanh tra. Nhưng thực tế cũng chỉ ra rằng, với nhiều những yếu tố hợp pháp đã được công nhận, bản hợp đồng bản quyền TH đã kí giữa AVG và VPF có thời hạn 20 năm là rất khó thay đổi.
V
Đặt ra giải thiết, sau khi đã khiếu nại lên cấp cao hơn, thậm chí triệu tập ĐH bất thường, hợp đồng bản quyền truyền hình vẫn không thay đổi thì các ông bầu sẽ ứng xử thế nào.
Câu hỏi này đã được đặt ra, bầu Thắng, bầu Kiên đều đã trả lời. Trong cầu trả lời, cả bầu Thắng và bầu Kiên đều đã khẳng định cho dù có điều gì xảy ra, sẽ vẫn đi đến cùng với bóng đá, sẽ không bao giờ từ bỏ bóng đá.
Tuy vậy, sau khi có câu trả lời rất dứt khoát từ phía AVG, các ông bầu cũng đã bày tỏ sự thất vọng. Thậm chí, đã có những thông tin rằng một vài ông bầu nào đó vì quá thất vọng đã có ý định từ bỏ hẳn bóng đá.
Bóng đá Việt Nam đã từng có rất nhiều ông bầu đến rồi đi, nhiều doanh nghiệp gắn tên rồi sau đó lại tự bỏ chạy khỏi địa hát bóng đá. Trường hợp mới đây nhất là ngay ở mùa giải năm ngoái, tập đoàn Hòa Phát đã không còn tham gia bóng đá và CLB bóng đá HP HN đã bỏ cuộc chơi và giải tán. Tuy nhiên, những lần các ông bầu hoặc doanh nghiệp bỏ bóng đá trước kia là do nhiều nguyên nhân, như việc bầu Tuấn, bầu Long bỏ bóng đá là do quá thất vọng với các điều hành giải. Chưa có trường hợp nào ông bầu bóng đá bỏ bóng đá chỉ vì bản quyền truyền hình và nếu có, đó quả thật là điều đáng thất vọng khi tất cả đều tuyên bố “vì bóng đá Việt Nam”.
Giả sử tiền bản quyền truyền hình dù có lớn lên đến mức cả trăm tỷ đồng cũng không thể bù đắp được chi phí cho một đội bóng hoạt động một năm. Đằng này, theo hợp đồng giữa VFF và AVG đã ký trước đây, tiền bản quyền truyền hình ở con số cực kỳ khiêm tốn: 6 tỷ đồng, lũy tiến 10%/năm. Chính vì con số quá nhỏ bé này dẫn đến bức xúc và cả sự thất vọng của các ông bầu, dù biết rằng tiền bản quyền truyền hình nếu có lớn cũng chỉ bù đắp được phần nhỏ chi phí của mỗi đội bóng.