Lý do khiến những kẻ tấn công Charlie Hebdo lọt lưới an ninh

Một cá nhân sẽ không bị thường xuyên giám sát kể cả khi có quan hệ với những nhóm cực đoan.

Bằng chứng là việc hai anh em bị nghi thực hiện vụ thảm sát ở tạp chí Charlie Hebdo đã tìm cách lọt qua vòng kiểm soát an ninh để phạm tội.

Tìm kiếm những kẻ cực đoan là chuyện dễ dàng. Các nguồn tin tình báo nói rằng điều khó khăn và gần như không thể thực hiện được là việc theo dõi mọi động tĩnh của những kẻ này 24/24h.

"Điều này không thể thực hiện được, vì anh ta sẽ sớm biết rằng mình đang bị theo dõi liên tục" - Eric Denece, giám đốc Trung tâm nghiên cứu tình báo Pháp nói.

Trong ngày 7/1 vừa qua, Cherif Kouachi, 32 tuổi, đã cùng anh trai Said, 34 tuổi, thực hiện vụ tấn công tòa soạn Charlie Hebdo ở Paris.

Hai nghi can trong vụ thảm sát tại tòa soạn

Cherif từng phải ngồi tù vì đứng ra tổ chức việc gửi nhiều kẻ cực đoan tới Iraq. Tên của gã này còn xuất hiện trong một âm mưu bất thành nhằm giải cứu gã cực đoan Smain Ait Ali Belkacem khỏi nhà tù hồi năm 2010.

Vậy vì sao một kẻ với quá khứ có vấn đề như thế lại có thể kiếm được súng AK và thực hiện một vụ tấn công đẫm máu tại một khu vực đã được cảnh sát bảo vệ?

Một câu hỏi tương tự cũng đã xuất hiện trong vụ gã cực đoan Mohamed Merah sát hại 7 người trong một loạt vụ tấn công hồi năm 2012, với các nạn nhân gồm ba đứa trẻ Do thái và ba lính Pháp.

Trước khi phạm tội, người ta biết rằng gã là một kẻ cực đoan đã từng bị kết án với 15 tội danh khác nhau và đã tới Pakistan cùng Afghanistan để huấn luyện khủng bố.

Câu trả lời là nhà chức trách không thể lúc nào cũng trông chừng mọi nghi phạm. "Có lúc hoạt động giám sát sẽ kết thúc, đặc biệt là nếu anh đủ thông minh để cẩn thận với các hành vi của mình trong một thời gian. Đó là những lỗ hổng khó tránh trong mạng lưới" - ông nói.

Trong ngày thứ Năm, Thủ tướng Pháp Manuel Valls nói rằng dù những kẻ khủng bố "nhiều khả năng từng bị giám sát," người ta vẫn chẳng thể mong đợi việc sẽ không còn rủi ro nào liên quan tới mối đe dọa tấn công khủng bố.

Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve xác nhận dù hai tay súng trên từng bị giám sát, chúng cũng không bộc lộ dấu hiệu nào cho thấy sắp tiến hành tấn công khủng bố.

Một nguồn tin cảnh sát cho AFP biết rằng gần đây Cherif không ra nước ngoài và cả hai anh em đã không bị theo dõi như "những mục tiêu có thể sắp hành động."

Chính quyền Pháp hiện đã gây dựng một danh sách lớn các nhân vật tiềm năng nguy hiểm, sau khi nhiều công dân Pháp đã tới tham chiến cùng lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria. Cảnh sát đã cố gắng lần ra dấu vết những kẻ rời khỏi Pháp và những kẻ trở về, mang theo nhiều kinh nghiệm chiến đấu và một cái đầu đầy tư tưởng cực đoan.

"Hiển nhiên chúng tôi không có các biện pháp để đưa tất cả những gã đó vào diện giám sát lâu dài" - một quan chức Pháp hoạt động trong lĩnh vực chống khủng bố nói với AFP - "Vì thế việc chúng tôi làm là lên các danh sách. Những kẻ trông có vẻ nguy hiểm nhất, có vẻ sẽ sắp hành động khủng bố, sẽ bị giám sát kéo dài. Số khác thì hoạt động giám sát sẽ tùy theo nguồn lực."

Ông cũng cho biết danh sách giám sát thường xuyên có sự thay đổi. Một số sẽ bị nâng bậc giám sát trong khi số khác tụt bậc. "Yếu tố quan trọng là giám sát đúng người, đúng chỗ, nhưng chuyện không hề dễ dàng" - ông nói.

Một chuyên gia trong lĩnh vực giám sát cho biết: "Việc giám sát 24/7 một nghi phạm cần 3-4 chiếc điện thoại di động khác nhau, có nghĩa là cần khoảng 30 cảnh sát. Bạn sẽ làm gì? Lựa chọn duy nhất là danh sách các ưu tiên."

Giới chức Pháp đã cảnh giác cao sau khi bị IS đe dọa sẽ tấn công đất nước và công dân nước này, cho biết nhiều vụ tấn công tiềm năng đã bị ngăn chặn và nhiều mạng khủng bố bị triệt hạ.

Tuy nhiên mối đe dọa tới từ nhiều hướng, có sự tham gia của cả những kẻ cực đoan giàu kinh nghiệm chiến đấu và những kẻ non nớt, nghiệp dư.