Hạn chế tuyển
Mới đây, một công ty xuất khẩu lao động (XKLĐ) đóng ở quận Tân Bình (TP. HCM) tiếp nhận hai đơn hàng tuyển dụng lao động của hai nghiệp đoàn có uy tín tại Nhật. Đơn hàng yêu cầu chỉ tuyển dụng lao động thuộc khu vực miền Nam hoặc một số tỉnh miền Trung từ Quảng Trị trở vào. Giám đốc công ty này cho biết khi ký kết đơn hàng, công ty có thuyết phục nên cho phép tuyển dụng rộng rãi trên cả nước nhưng đối tác nhất định không thay đổi điều khoản nói trên và cương quyết không tiếp nhận lao động ở các khu vực khác, nhất là tại hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. “Chúng tôi đành phải chấp nhận” - vị giám đốc này giãi bày.
Ông Vũ Minh Xuyên, tổng giám đốc Công ty XKLĐ Sovilaco, thừa nhận các nghiệp đoàn ở Nhật khuyến cáo và hạn chế khu vực tuyển dụng. Hầu hết đều yêu cầu tuyển dụng lao động từ Quảng Bình trở vào phía Nam. “Theo các nghiệp đoàn ở Nhật, tỉ lệ lao động bỏ trốn, vi phạm kỷ luật hầu hết đều thuộc những khu vực hạn chế nói trên. Không chỉ thị trường Nhật mà các thị trường khác cũng vậy” - ông Xuyên cho biết. Cũng theo ông Xuyên, trước đây lao động ở khu vực miền Bắc và miền Trung (nhất là các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình và Hà Tĩnh - NV) được tiếng cần cù, chịu khó và được đối tác cũng như các công ty XKLĐ VN ưa chuộng, nhưng vài năm trở lại đây tình hình lại tệ hơn.
Bà Dương Thị Thu Cúc, giám đốc Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ dầu khí Sài Gòn nhân lực, cho biết hiện nay chỉ những nghiệp đoàn mới làm việc hoặc chưa có kinh nghiệm thì tuyển dụng không hạn chế khu vực. Đối với các nghiệp đoàn có kinh nghiệm nhiều năm hợp tác với VN thì hầu như chỉ tuyển dụng lao động khu vực phía Nam.
Theo các công ty XKLĐ, việc hạn chế chưa nói đến những tác động xã hội khác nhưng trước mắt đã gây khó khăn trong việc tạo nguồn cho các công ty. Vì lao động ở khu vực phía Nam, nhất là các tỉnh miền Tây, ít khi chọn con đường XKLĐ để lập nghiệp.
Vì vậy, một số công ty đã lách bằng cách hợp tác với các công ty môi giới đưa lao động ở khu vực bị hạn chế vào phía Nam nhập khẩu rồi cung ứng cho đối tác. Ông H.V., giám đốc một công ty tạo nguồn ở Long An, tiết lộ nhiều công ty XKLĐ phía Bắc và TP. HCM yêu cầu tuyển lao động Hà Tĩnh, Nghệ An đưa vào nhập khẩu ở Tây Ninh. Một công ty khác ở TP. HCM thì tuyển hàng trăm lao động đưa vào nhập khẩu ở Bình Dương, Bình Phước...
Nói về những chiêu đối phó này, giám đốc một công ty XKLĐ có uy tín ở TP. HCM cho biết đó là những công ty làm ăn không có trách nhiệm. Thực tế hiện nay, người lao động ở khu vực miền Trung và miền Bắc thường chấp nhận đóng phí rất lớn (5.000-10.000 USD - NV) so với lao động khu vực khác để qua Nhật bằng mọi giá. “Ai cũng biết khi lao động chấp nhận bỏ số tiền lớn để đi XKLĐ thì trong đầu họ đã nuôi ý định bỏ trốn hoặc kiếm tiền nhằm bù lại chi phí. Còn các công ty tham lam thu tiền bằng mọi cách thì câu chuyện này vẫn tiếp diễn” - vị giám đốc này bức xúc.
Nhiều người chọn con đường xuất ngoại để tìm giấc mơ đổi đời (Ảnh minh họa)
Mất uy tín
Trước Nhật Bản, thị trường Hàn Quốc đã có những khuyến cáo mạnh mẽ và có thời gian ngưng kỳ kiểm tra tiếng Hàn cho lao động đi làm việc ở nước này vì tỉ lệ lao động bất hợp pháp quá cao. Thậm chí phía Hàn Quốc còn cảnh báo nếu Bộ LĐ-TB&XH VN không có những biện pháp mạnh mẽ để giảm tỉ lệ lao động bất hợp pháp thì sẽ đóng cửa thị trường.
Trước những động thái mạnh mẽ của Hàn Quốc, Bộ LĐ-TB&XH đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu tạm thời ngưng tiếp nhận lao động tại 23 xã, phường có từ năm lao động trở lên bỏ trốn làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Trong 23 xã, phường này hầu hết rơi vào khu vực Bắc Trung bộ và các tỉnh phía Bắc. Trong đó bị cấm nhiều nhất là Nghệ An với bảy xã, phường; Hà Tĩnh có ba xã bị cấm; Quảng Bình bị cấm bốn xã; các địa phương khác như Hà Nội, Thái Bình, Phú Thọ, Bắc Giang và Hưng Yên cũng có từ 1 - 3 xã.
Ông Phạm Anh Thắng, cán bộ Ban quản lý lao động VN tại Hàn Quốc, cho biết với chương trình EPS (chương trình cấp phép cho lao động nước ngoài), Hàn Quốc luôn ưu ái lao động VN, tuyển dụng cao đứng đầu trong 15 nước XKLĐ qua Hàn Quốc, thu nhập không dưới 1.000 USD/tháng/người. “Nhưng lao động không ý thức được những ưu ái đó mà tỉ lệ bỏ trốn vẫn ngày càng cao. Điều này không chỉ làm giảm uy tín của lao động VN mà còn khiến phía bạn rất buồn” - ông Thắng nói.
Với những công ty XKLĐ làm ăn chân chính, những hệ lụy trên là điều đáng buồn và bắt nguồn từ số ít lao động không có ý thức đã làm ảnh hưởng đến cả một địa phương. Những hệ lụy này - như một giám đốc ví von - là tình trạng “kẻ ăn ốc người đổ vỏ”, hay nói một cách khác là “quýt làm cam chịu”.