Người Nhật đến làng, đi thăm một lượt các cụ già rồi tròn mắt nhìn những cụ ông 80, 90 tuổi dong trâu ra đồng cày bừa...
Cụ Quyện dù đã 95 tuổi nhưng vẫn có thể đọc sách mà không cần kính |
“Tiên ông, tiên bà” trong rừng trúc
Phó Chủ tịch UBND phường Hương Long (TP.Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) – ông Lê Xuân Huế giọng rộn rảng đầy tự hào: “Phường Hương Long có làng Trúc Lâm (nay là khu vực 1 của phường) nổi tiếng lắm, người ta vẫn gọi là làng trường thọ. Nhiều du khách đến Huế (nhất là khách Tây) chỉ muốn vo Trúc Lâm để gặp các “tiên ông, tiên bà” thôi”.
Làng Trúc Lâm nằm giữa cánh đồng rộng lớn, không một chút khói bụi ồn ào. Chúng tôi tìm đến nhà ông Trần Luyến, 78 tuổi, một trong hai Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi làng Trúc Lâm. Ông Trần Luyến lật giở cuốn vở ô ly ghi danh sách các cụ trong chi hội người cao tuổi mà mình phụ trách. Ông dò cột năm sinh của từng cụ rồi đếm: “Ngoài 100 tuổi có cụ Nguyễn Thị Chút, sinh năm 1889; cụ Phan Hường, sinh năm 1911; cụ Võ Thám, sinh năm 1912; cụ Nguyễn Thảo, sinh năm 1913. Nớ là các cụ ngoài trăm tuổi của làng ni. Làng còn có 30 cụ trên 90 tuổi, 65 cụ trên 80 tuổi, còn ngoài tuổi 70 thì nhiều lắm, nỏ đếm hết mô”. Đếm danh sách xong, ông Luyến dắt chiếc xe đạp cũ bảo tôi: “O lên tôi chở đến thăm các cụ”.
Thấy tôi còn ngập ngừng, ông Luyến cười: “O cứ lên đi, ruộng tui vẫn còn cầy đặng, huống chi là đạp xe”. Ông Luyến chở tôi qua xóm Trung, đến nhà cụ Phan Hường, con trai cụ Hường đã gần 80 tuổi cười móm mém: “Ôn (ông) không có nhà mô, ôn đi chơi rồi”. Tôi nhờ các cụ đi tìm cụ Hường về, ông lắc đầu: “Ôn ham chơi lắm, đi khắp chỗ nỏ biết ở mô mà tìm”. “Rứa ghé nhà ông Thám cho gần hè” – ông Luyến nói.
Cụ Thám đã 101 tuổi, còn vợ cụ - cụ bà Nguyễn Thị Bé cũng đã bước sang tuổi 99. Hai cụ đều khỏe mạnh, minh mẫn. Cụ bà một tuần hai lần đi bộ lên chợ, ngày ngày vẫn nấu cơm, chỉ có cụ ông là đã lãng tai, phải dùng máy trợ thính mới nói chuyện được. Ông Võ Danh – con trai của hai cụ bảo: “Ôn với mệ mắt còn tinh lắm, buổi tối đi lại mà nỏ cần đèn đóm mô”. Cụ ông đang hét vào tai cụ bà giục đi nấu cơm thì có tiếng đằng hắng ngoài sân, một bà lão bé nhỏ bước vào. “Hắn là Võ Thị Cấn, em thứ 5 của tui, năm ni mới 87 tuổi, hắn lấy chồng ngay ngõ dưới” – cụ Thám nói giọng trìu mến như thể em gái cụ vẫn còn… bé lắm”.
Ông Luyến bảo, làng Trúc Lâm có rất nhiều những đôi vợ chồng đã lên cụ còn sống thọ ở tuổi tám – chín mươi, con cái các cụ cũng móm mén cả. Cũng vị trong làng đông các cụ cao tuổi quá nên mọi người bàn nhau thôi thì tách ra làm hai, cụ Trần Lư 85 tuổi phụ trách Chi hội 1, tạm gọi là Hội Người cao tuổi già. Ông Luyến “mới” 78 tuổi thì phụ trách Chi hội 2, tạm gọi là Hội Người cao tuổi… trẻ.
Đường làng Trúc Lâm
Người Nhật lấy đất, lấy nước làng Trúc Lâm để tìm bí quyết trường thọ
Không chỉ trường thọ mà những “tiên ông, tiên bà” còn là những người lao động khỏe nhất làng, cánh thanh niên cũng chẳng dám so với các cụ.
Trong sân nhà cụ Phan Quyện có hai ông bà già đang bổ củi, cụ ông vung tay từng nhát rìu chắc nịch, cụ bà nhanh tay nhặt từng thanh củi xếp lại thành bó. “Tui là Phan Quyện đây, tui 95 tuổi, mụ ni vợ tui 93 tuổi” – cụ Quyện cười móm mém. Đã có 50 đứa cháu chắt nội mà đến giờ hai cụ vẫn dư sức ra đồng. Cụ bảo: “Tui có 3 sào lúa với 2 sào đậu phộng, chừ yếu nên hai vợ chồng tui chỉ làm ngoài đồng đến 10h thôi, chứ mấy năm trước, nhiều bữa tôi mần đến tận trưa luôn, mụ mang cơm ra tui ăn rồi lại mần tiếp”. Bà cụ khoe: “Tai ôn thính lắm, mắt cũng sáng, đọc chữ mà nỏ cần kính. Tôi với ôn nỏ có khi mô phải đi bác sĩ cả”.
Đã 93 tuổi nhưng trong làng có hộ nào cần đẽo gỗ dựng nhà là cụ Trần Cược lại hăng hái vác rựa đến làm giúp. Cụ Cược từng là thợ sơn tràng nên vẫn giữ được phần nào thân hình cao lớn, đôi mắt tinh anh và đôi tay chắc khỏe. Cụ khoe: “Tui có đến 3 bộ rựa để đi làm giúp bà con. Ở làng ni tui đã đẽo gỗ giúp gần 200 nhà rồi đó”. Ngoài nghề cũ, cụ còn làm thêm mấy sào ruộng, vẫn làm đất, làm cỏ, trỉa hạt, đánh trâu đi cày như thể thời gian vẫn chưa hề bào mòn sức khỏe.
Nếu không được tận mắt chứng kiến cảnh các cụ lao động thì tôi chẳng thể nào tin được là các cụ làng Trúc Lâm lại khỏe mạnh đến thế. Cũng chính điều lạ kỳ đó đã khiến nhiều du khách đến làng Trúc Lâm tò mò. Người dân quanh vùng bảo, làng Trúc Lâm có nhiều “tiên ông, tiên bà” thế là nhờ long mạch của dòng sông Bạch Yến (một nhánh sông Hương). Người Nhật đến làng, đi thăm một lượt các cụ già rồi tròn mắt nhìn những cụ ông 80, 90 tuổi dong trâu ra đồng cày bừa. Rồi họ xắn đất gói lại, lấy nước đóng vào chai để đem về xét nghiệm xem thủy tổ nơi này có gì đặc biệt mà lại nhiều “tiên ông, tiên bà” đến thế.
Kết quả xét nghiệm đất, nước không có gì đặc biệt, họ lại đoán già đoán non rằng: Hay các cụ ăn uống sơn hào hải vị? Không thì cũng phải có phương thuốc nào đặc biệt thì các cụ mới sống thọ và khỏe mạnh được đến thế chứ? Họ quyết định ăn dầm ở dề làng Trúc Lâm để tìm ra bí quyết trường thọ. Họ càng ngạc nhiên hơn khi chứng kiến nếp sinh hoạt của các ông già, bà lão, sáng thức dậy từ bốn giờ lạch cạch đun ấm chè xanh, ăn cơm sáng xong thì vác cuốc ra đồng, buổi chiều cũng thế. Lao động cả ngày nên đặt lưng xuống là các cụ ngáy pho pho.
Ngược với suy nghĩ của người Nhật, các cụ trong làng đều ăn uống rất đạm bạc. Cụ Quyện vừa đọc tin nhắn điện thoại vừa nói chuyện với chúng tôi: “Gạo, đậu phộng đều do mình làm ra. Trong vườn trồng được rau gì thì ăn rau nớ, nỏ khi mô phun thuốc trừ sâu. Gà vịt nuôi bằng thóc gạo, lấy trứng vừa ăn vừa bán, thi thoảng có đám giỗ thì giết thịt. Nói thực với o, cũng là vì làng ni nghèo nên nỏ có tiền mà đi chợ mô. Mỗi bữa người trong thành phố mang một con lợn đến bán thôi, vì nhà mô cũng tự sản tự tiêu”.
“Làng tôi cái chi cũng sạch. Người làng nỏ đi mô xa bao giờ, cũng nỏ buôn bán, nỏ mần chi dính dáng nhiều đến tiền. Mà ỏ dính đến tiền thì nhẹ đầu lắm. Người làng chỉ quanh năm sống và lao động, nghĩ đến việc yêu thương, đùm bọc bà con chòm xóm. Riết rồi người ta nhận ra: Rợp bóng cây xanh, hít thở không khí trong lành, chăm chỉ lao động, ăn uống toàn những thứ sạch, đầu óc luôn thanh thản chính là “phương thuốc” khiến làng tui thành “tiên ông, tiên bà” nhiều như rứa” – ông Trần Luyến cười.
Hai chi hội người cao tuổi làng Trúc Lâm chia làm 7 tổ, các cụ tổ trưởng đều đã ở tuổi ngoài 80. Mỗi khi có cụ mất, các cụ tổ trưởng lại đi thu tiền của từng hội viên, mỗi người 3.000 đồng. Ông Luyến tâm sự: “Mấy ôn chịu khó lắm, nghĩ cũng tội, vào mùa gặt mà có người tạ thế thì phải đi buổi đêm đến từng nhà để thông báo, mà cuối năm họp cũng chỉ được 50 nghìn tiền trợ cấp thôi. Làng nghèo nên đóng góp quỹ hội mỗi năm chỉ 20 nghìn/hội viên. Cũng hên là hội được hai vợ chồng du khách người Thụy Điển tặng 30 triệu đồng, mọi chi phí của hội đều trông vào nớ. Khó khăn như rứa nhưng tất cả đều nhiệt tình lắm, ai cũng bảo: “Còn sống với nhau được bao lâu nữa mô, phải thương yêu, đùm bọc lẫn nhau chớ”. |
Clip đang được xem nhiều nhất: Xe container cháy ngùn ngụt trên cầu Lai Vu
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Nếu chồng bạn có những đặc điểm này thì có nghĩa là bạn đã chọn và cưới đúng người, rất chính xác!
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%