Bệnh nhân T. được bác sĩ chẩn đoán ngộ độc thuốc diệt cỏ Paraquat. Trong thời gian nằm điều trị tại khoa Cấp cứu - Hồi sức – Thận nội tiết, diễn tiến bệnh T nặng dần với suy hô hấp, suy thận, suy gan.
T được tập thể y bác sĩ bệnh viện tận tình cứu chữa và chỉ định lọc máu 2 đợt bằng phương pháp lọc với cột than hoạt, sử dụng phác đồ thuốc ức chế miễn dịch mạnh để ngăn ngừa xơ phổi tiến triển.
Sau hơn 1,5 tháng điều trị, mới đây, T được bác sĩ khoa Thận nội tiết cho xuất viện trong tình trạng ổn định cùng với niềm vui mừng của gia đình.
Ngộ độc Paraquat tử vong rất cao, 70-90%, do chất độc được phân bố và gắn nhanh vào phổi (trong vòng 6 giờ đầu đã có thể đạt nồng độ gây tử vong), gây tổn thương phổi, xơ phổi tiến triển. Thở ôxy làm tình trạng xơ phổi tiến triển nhanh hơn.
Theo Ths.Bs. Hoàng Thị Diễm Thúy, bệnh viện Nhi đồng 2, tất cả các trường hợp ngộ độc thuốc diệt cỏ (Paraquat) trước đây bác sĩ gặp đều tử vong. T là trường hợp hy hữu được cứu sống khi được áp dụng kỹ thuật cao và biện pháp mới trong điều trị cùng với việc chăm sóc tích cực. Tuy nhiên, di chứng bệnh phổi tắc nghẽn ở bệnh nhân này về lâu dài khó tránh khỏi.
Bác sĩ Thúy, bệnh viện Nhi đồng 2 khuyến cáo: Không nên để thuốc diệt cỏ trong nhà, ở các nước phát triển ngày nay người ta đã loại paraquat ra khỏi danh sách.
Trước đó, chỉ trong 2 ngày 2 và 3/5, bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng đã cấp cứu cho 2 trường hợp uống thuốc diệt cỏ Paraquat tự tử.
Chị Nguyễn Thị Thu Thảo (19 tuổi), sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Lâm Đồng vì mâu thuẫn nội bộ trong gia đình nên mua một lọ thuốc diệt cỏ Paraquat về phòng trọ của mình trên đường Đào Duy Từ, TP Đà Lạt uống một hơi hết nửa lọ.
Chị Thảo không qua khỏi vì độc tố trong người quá mạnh.
Chiều 2/5, Bệnh viện này đã trả bệnh nhân Đèo Thị Yến Nhi (19 tuổi), trú tại xã Phi Tô, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) về nhà để gia đình bệnh nhân lo hậu sự sau 2 ngày nhập viện cấp cứu do uống thuốc trừ cỏ Paraquat tự tử vì buồn chuyện tình cảm.