Thịt lợn ngâm nước mắm
Thịt để chế biến món này là ba rọi hoặc thịt mông, vừa có da vừa có mỡ. Chọn thịt thật tươi, đem rửa sạch rồi thái thành miếng dài và luộc chín. Không nên luộc mềm quá, thịt vừa chín đến vớt ra ngay và ngâm vào đá lạnh.
Nước mắm chọn loại ngon, nhiều đạm. Nấu nước mắm với đường theo tỷ lệ một chén nước mắm, một chén đường. Trong khi nấu nhớ khuấy liên tục để đường tan hết, nước mắm sôi, tắt bếp và để nguội.
Lấy một hũ thủy tinh rửa sạch, lau khô. Cho thịt vào, ớt, tỏi thái lát cho vào, đổ nước mắm đã nấu vào cho vừa ngập thịt. Dùng thanh cật tre cài lại trên mặt để thịt không bị trồi lên. Ngâm trong khoảng một tuần thì dùng được. Thịt lợn ngâm nước mắm có thể cất giữ được cả tháng.
Củ cải ngâm nước tương
Nguyên liệu chính là củ cải trắng và cà rốt. Cà rốt gọt vỏ, củ cải trắng để nguyên vỏ, rửa sạch. Thái thành từng sợi bằng đầu đũa, dài khoảng 5cm. Thái xong cho muối vào bóp cho ra nước, vắt ráo nước và đem phơi riêng từng loại. Trời nắng to, chỉ cần phơi trong một buổi là được.
Nước ngâm được nấu sôi theo tỷ lệ một bát nước tương, một bát đường, để nguội. Cho củ cải, cà rốt vào lọ thủy tinh, nén chặt, đổ nước tương đã nấu vào ngập mặt và lèn chặt lại. Chỉ sau khi ngâm một buổi là có thể dùng được. Khi đã ngán với những món thịt, cá ngày Tết, củ cải ngâm nước tương là món ngon miệng giúp chống ngấy.
Rau muống ngâm
Chọn loại rau muống hột, không quá già. Nhặt sạch lá, thái khúc và rửa sạch. Nấu nồi nước thật sôi có pha ít muối, cho rau muống vào chần sơ qua. Khi vừa héo thì vớt ra, cho vào nước lạnh rồi đặt tiếp vào thau nước đá để rau muống xanh và giòn. Cho hỗn hợp giấm, đường và nước lạnh vào nồi và đun sôi theo tỷ lệ 1,5 giấm, 1 đường, 1/3 nước.
Cho rau muống vào lọ thủy tinh, đổ nước giấm đã để nguội vào vừa ngập hết rau, dùng thanh cật tre gài lại là được. Rau muống ngâm được ăn không với cơm trắng hoặc ăn kèm với thịt kho tàu đều ngon miệng.