La Liga: Thuốc nào chữa bệnh liều?

Có thể nói, chi tiêu quá tay trên TTCN không phải là nguyên nhân chủ yếu khiến La Liga rơi vào tình trạng nợ nần.

Soler là tác nhân lớn nhất khiến Valencia rơi vào cảnh nợ nần hiện tại

Một trong những triển vọng quan trọng nhất của việc tăng thuế thu nhập cá nhân tại Tây Ban Nha lần này là cứu vãn La Liga khỏi tình trạng nợ nần chồng chất hiện nay. Theo phân tích thông thường, thuế thu nhập cao sẽ “chống chỉ định” các ngôi sao với giải đấu này. Điều đó sẽ khiến các CLB phải chi tiêu tiết kiệm và ổn định tài chính.

Nhưng để hiểu được chính sách chuyển nhượng và cơ cấu tiền lương có ảnh hưởng đến việc nợ nần của các CLB như thế nào, phải phân tích một trường hợp nổi tiếng: Valencia. CLB có thương hiệu lớn thứ ba Tây Ban Nha hiện đang nợ nhiều nhất giải đấu này, khoảng 450 triệu euro.

Việc tiêu tiền bừa bãi trên TTCN thực sự là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến Valencia suy kiệt. Họ sẵn sàng trả tầm 20 triệu euro/người cho những cầu thủ “thường thường bậc trung” như Banega, Zigic hay Manuel Fernandes. Nhưng một nguyên nhân quan trọng hơn, đến từ cung cách quản lý bê bối của BLĐ.

7 năm trước, khi chủ tịch Soler nhậm chức, Valencia vẫn đang là một trong những CLB hàng đầu châu Âu, với một chu kỳ thành công dài gồm 2 lần vào tới trận chung kết Champions League, một chức vô địch La Liga và 1 UEFA Cup. Nhưng Soler đã xới tung tất cả. Trong nhiệm kỳ 4 năm của ông ta, Valencia thay 5 GĐTT, 3 GĐĐH, 3 trưởng bộ phân y tế, 3 HLV. Số tiền bồi thường hợp đồng mà Valencia trả cho Quique Sanchez Flores, Claudio Ranieri và Ronald Koeman lên tới… 35 triệu euro. Số tiền đó chiếm một phần lớn trong 100 triệu euro tiền nợ mà Soler “góp” vào ngân sách.

Sau thời Soler, chỉ trong 1 năm Valencia thay tới 6 vị chủ tịch. Trong vòng 6 tháng từ 10/2008 đến 3/2009, họ có 6 vị GĐTT khác nhau. Một CLB có thượng tầng bất ổn đến mức ấy, làm ăn sinh lãi mới là chuyện lạ.

Từ trường hợp của Valencia, có thể nói rằng việc tiêu quá tay trên TTCN không phải là nguyên nhân chủ yếu khiến La Liga rơi vào tình trạng nợ nần. Họ đang thiếu những nhà lãnh đạo bóng đá thông minh. Việc các ứng viên chủ tịch dễ dàng lấy phiếu cử tri bằng lời hứa hẹn về một ngôi sao sẽ được mua về, thay vì những kế hoạch cải cách cụ thể, là chuyện rất thường thấy trên đất Tây Ban Nha.

Việc tăng thuế thu nhập cá nhân sẽ không thể cứu La Liga, chừng nào họ vẫn còn phong cách làm ăn “hoang dã” như những gì đã diễn ra tại Valencia. Và thực tế đã chỉ ra rằng các CLB vẫn có đầy cách để trốn thuế: ở Anh, nhiều CLB vay một khoản tiền tưởng tượng của cầu thủ, rồi… trả lãi cho họ hàng tuần (thứ thực chất là lương, nhưng không bị đánh thuế). Nếu La Liga vẫn muốn chơi bạc cùng cầu thủ giá cao, họ vẫn có nhiều cách.