Ký ức của người Việt Nam về chiến tranh trên báo Mỹ

“Những người cầm cờ tràn ra mọi con đường. Không còn tiếng bom, máy bay hay tiếng gào. Tôi không thể diễn tả thời khắc hạnh phúc ấy bằng lời”.

Ngày 30/4/1975, Nguyễn Đăng Phát trải qua những giờ phút hạnh phúc nhất của cuộc đời ông.

Sáng hôm ấy, khi quân giải phóng tràn vào Sài Gòn và buộc chính quyền do Mỹ hậu thuẫn phải đầu hàng, những người lính cụ Hồ đã mừng chiến thắng cùng người dân Hà Nội.

“Những người cầm cờ tràn ra mọi con đường. Không còn tiếng bom, máy bay hay tiếng gào. Tôi không thể diễn tả thời khắc hạnh phúc ấy bằng lời”, ông Phát, giờ đã 65 tuổi, nói với Elisabeth Rosen, phóng viên tạp chí The Atlantic của Mỹ.

Hơn 58.00 binh sĩ Mỹ bỏ mạng trong giai đoạn 1960 -1975. Tuy nhiên, con số ước tính của cả hai bên về binh lính và dân thường Việt Nam thiệt mạng trong cuộc chiến rất khác nhau - dao động từ 2,1 tới 3,8 triệu người.

Những ký ức ùa về
 

Quân giải phóng trên đường Lê Văn Duyệt, thành phố Sài Gòn vào ngày 30/4/1975. Ảnh: TXVN

Nhiều năm sau chiến tranh, Việt Nam mở cửa để thu hút đầu tư nước ngoài và trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất tại Đông Nam Á.

Phố Khâm Thiên, một con đường lớn tại trung tâm thành phố Hà Nội, nhộn nhịp với cửa hàng xe máy, quần áo hay điện thoại. Ngày nay người ta tìm thấy rất ít bằng chứng về việc khoảng 2.000 ngôi nhà sập và gần 300 người thiệt mạng tại đây trong đợt "dội bom Giáng Sinh" vào năm 1972. Đây là chiến dịch ném bom tàn khốc nhất trong cuộc chiến do chính quyền Nixon thực hiện.

"Mảnh thi thể vương vãi khắp nơi", Phạm Thái Lan, một phụ nữ, nhớ lại. Là một sinh viên ngành y, bà tham gia công tác cứu hộ sau đợt ném bom ở Khâm Thiên. Giờ đây, khi ở tuổi 66, bà Lan trở nên trầm tư khi kể về thời kỳ ấy.
 

Xác máy bay B-52 tại hồ Ngọc Hà, quận Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: Reuters

Đối với ông Nguyễn Đăng Phát, nói về chiến tranh là nhắc lại kỷ niệm đau thương và mất mát bởi trong tâm thức những người thuộc thế hệ của ông, chiến tranh chống Mỹ là một giai đoạn nằm giữa cách mạng giành độc lập từ Pháp những năm đầu thập niên 40 và cuộc chiến tranh biên giới một tháng với Trung Quốc vào năm 1979.

Vũ Văn Vinh chỉ là cậu bế 5 tuổi khi người Pháp rút khỏi Việt Nam vào năm 1954. Lúc đó ông đã cảnh giác trước những sĩ quan Pháp đi tuần trên đường phố tại Quảng Ninh, phía đông bắc Hà Nội. "Mỗi khi thấy người nước ngoài, tôi đều sợ hãi" người đàn ông 66 tuổi nói.

10 năm sau, Mỹ bắt đầu ném bom miền bắc Việt Nam.

Lần đầu tiên nhìn thấy phi cơ ném bom B-52, cậu bé 5 tuổi ngạc nhiên và hỏi mẹ: "Tại sao một máy bay lại thả ra những máy bay con?".

Mỗi khi máy bay xuất hiện, mọi thứ đều rung chuyển. “Đá lăn, nhà sụp đổ. Tôi chạy về nhà, hoảng loạn và bối rối vì vẫn không biết chuyện gì đang diễn ra”, ông nhớ lại.

Ngày 1/5/1975, Vũ và 6 người bạn mừng chiến tranh kết thúc bằng một bữa tiệc. Họ góp tem phiếu thực phẩm để mua một cân thịt bò rồi ăn cùng đậu phụ.

Vì không có nồi nên họ phải dùng hộp sữa bột để nấu lẩu. Ngày hôm ấy, anh trai của Vũ không có mặt bởi ông đã hy sinh trong chiến tranh. Hàng tuần, đài truyền hình nhà nước công bố tên, tuổi, ảnh những liệt sỹ mất tích cùng thông tin liên lạc của người thân.

Lưu giữ ký ức cho thế hệ sau
 

Ông Nguyễn Mạnh Hiệp bên những kỷ vật chiến tranh. Ảnh: Thu Trang - Báo Tin tức

Nguyễn Mạnh Hiệp, cựu chiến binh của quân đội, vừa khai trương một bảo tàng chiến tranh tư nhân đầu tiên tại Hà Nội. Nhiều năm sau cuộc chiến, ông vẫn trăn trở về nó. Ông muốn truyền lại cho thế hệ trẻ những ký ức năm xưa của dân tộc.

Tại bảo tàng chiến tranh, ông Hiệp trưng bày hiện vật của cả hai phía mà ông thu thập trong quá trình chiến đấu 8 năm và những chuyến trở lại chiến trường xưa trong 20 năm. Các hiện vật gồm quân phục lính Mỹ, radio hay chăn mà đội trưởng trao khi ông trúng đạn. Ngoài ra, ông còn giữ một tấm lọc cà phê do đồng đội chế tạo từ xác máy bay Mỹ.

"Tôi muốn giữ lại những kỷ vật từ chiến tranh để các thế hệ sau có thể hiểu về nó. Họ biết chưa nhiều về chiến tranh”, ông tâm sự. Trong khu vườn của ông, những mảnh vỡ máy bay và vỏ tên lửa nằm khắp nơi.